Không CFS, nguy cơ mỹ phẩm trôi nổi len lỏi vào thị trường Việt Nam?

Đại diện một số doanh nghiệp nêu đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu xem xét ban hành quy định cắt giảm yêu cầu CFS trong quá trình công bố mỹ phẩm nhập khẩu.

Đoàn liên ngành kiểm tra hàng hóa về mỹ phẩm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đoàn liên ngành kiểm tra hàng hóa về mỹ phẩm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với các quy định của pháp luật hiện nay, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, việc các doanh nghiệp xin cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) và phải hợp pháp hóa các văn bản này để thực hiện công bố mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, tại hội thảo về “Quản lý CFS mỹ phẩm trong bối cảnh hiện nay và đề xuất giải pháp” diễn ra sáng 14/7 tại Hà Nội, đại diện một số doanh nghiệp nêu đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu xem xét ban hành quy định cắt giảm yêu cầu CFS trong quá trình công bố mỹ phẩm nhập khẩu để thúc đẩy phát triển ngành mỹ phẩm.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại nếu bãi bỏ CFS sẽ là một gánh nặng lên việc triển khai công tác hậu kiểm để đảm bảo sản phẩm thực tế bán trên thị trường an toàn cho người sử dụng.

Top 5 khu vực về thị trường mỹ phẩm

Tại hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thủy-Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của người dân Việt Nam cũng như số lượng mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng gia tăng nhiều hơn.

Một khảo sát liên quan đến việc sử dụng mỹ phẩm của người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy người dân sử dụng mỹ phẩm tăng 30%, số người không sử dụng mỹ phẩm đã giảm 54% (năm 2016) xuống còn 14% (năm 2019).

Bà Trần Thị Phương Mai-Chủ tịch Chi hội mỹ phẩm cho hay ngành mỹ phẩm Việt Nam đang trên đà phát triển khá ổn định và có tiềm năng bứt phá. Việt Nam nằm trong top 5 của khu vực về thị trường mỹ phẩm sau Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia.

Mỹ phẩm chủ yếu gồm các sản phẩm vệ sinh cá nhân thiết yếu hàng ngày như dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng, nước rửa tay, sản phẩm làm đẹp…

Với nhu cầu như vậy, bà Mai cho rằng việc Bộ Y tế rà soát lại quy định, xem xét giá trị thực tiễn và tác động của quy định về quản lý CFS để quyết định thay đổi trong giai đoạn hiện nay là hoàn toàn phù hợp với Luật Ngoại thương để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Tiết kiệm được hơn 500 tỷ đồng/năm

Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, để quản lý sản phẩm mỹ phẩm, năm 2011, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 11 quy định về quản lý mỹ phẩm. Một số căn cứ pháp lý trong Thông tư 06 đã không còn hiệu lực như Pháp lệnh Quảng cáo đã thay thế bằng Luật Quảng cáo, Nghị định 89 về ghi nhãn hàng hóa đã thay bằng Nghị định 43 của Chính phủ hay Quyết định số 10 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý CFS cho sản phẩm nhập khẩu, xuất khẩu thay bằng Nghị định 69.

Liên qquan đến các tác động chính sách CFS với mỹ phẩm, bà Trần Thị Xuân Hằng-chuyên viên chính Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết mỗi nước có một mẫu CFS khác nhau, một số quốc gia không có thông tin nhà sản xuất mà chỉ có thông tin công ty chịu trách nhiệm đưa sản ra thị trường. Một số mẫu CFS không có tên, chữ ký cũng như dấu của cơ quan, tổ chức CFS.

"Quy định này là một bất cập hiện nay của các doanh nghiệp khi phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc xin cấp CFS để hoàn thiện hồ sơ nhập khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam," bà Hằng nhấn mạnh.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chính vì vậy, bà Hằng cho rằng việc bỏ quy định về yêu cầu CFS trong hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm và thực hiện kiểm soát chất lượng bằng hình thức hậu kiểm, nhà nước sẽ không phải bố trí nhân lực (tiền lương, thời gian) để kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ và tính pháp lý của CFS như hiện nay. Do loại bỏ yêu cầu giấy chứng nhận lưu hành tự do trong hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nên thủ tục hành chính về công bố sản phẩm mỹ phẩm sẽ đơn giản hơn và tiến hành nhanh hơn.

Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian dành cho cấp CFS là 32.000-315.000 tuần, chi phí mà các doanh nghiệp tiết kiệm được do không phải xin cấp CFS khoảng 96- 560 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, do chi phí để nhập khẩu vào Việt Nam giảm dẫn tới việc người dân có khả năng tiếp cận sản phẩm với giá thành rẻ hơn và thời gian tiếp cận nhanh hơn.

Tuy nhiên, việc bãi bỏ CFS trong hồ sơ công bố mỹ phẩm mà không có tài liệu nào chứng minh sản phẩm đó đã thông qua những phương pháp kiểm tra đánh giá của cơ quan chuyên môn tại nước xuất khẩu và đã được cho phép sản xuất, buôn bán và tiêu dùng tại đất nước đó sẽ rất khó bảo đảm chất lượng các sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu...

"Việc không có giấy chứng nhận CFS có thể tăng nguy cơ mỹ phẩm nhập khẩu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Do vậy, chúng tôi cũng dự đoán khả năng sẽ phát sinh chi phí để khám chữa bệnh do sử dụng sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng," bà Hằng thừa nhận.

Trong khi đó, ông Cao Đăng Vinh-Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp) cho hay CFS là công cụ để nước nhập khẩu sản phẩm có thể kiểm tra mức độ chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu vào nước họ, cũng như tăng độ tin cậy. Bởi khi một sản phẩm, hàng hóa có CFS thì sản phẩm đó đã thông qua những phương pháp đánh giá kiểm tra của cơ quan chuyên môn tại nước xuất khẩu và sản phẩm đó được cho phép sản xuất, buôn bán và tiêu dùng tại nước đó.

Ông Vinh cũng cho rằng việc cắt giảm các quy định về hoạt động kinh doanh, trong đó có quy định liên quan đến CFS trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế cần được ưu tiên cùng với đơn giản hóa ngay những quy định không hợp lý, song vẫn phải hài hòa khâu đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khong-cfs-nguy-co-my-pham-troi-noi-len-loi-vao-thi-truong-viet-nam/651652.vnp