Không cần vay ODA, nếu...

Việt Nam vẫn có dự án thành công khi không vay ODA nếu dự án hiệu quả, chủ đầu tư có năng lực tài chính mạnh, khả năng gọi vốn.

Quan trọng là hiệu quả dự án

Trước những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng vốn ODA, đặt vấn đề liệu đã đến lúc Việt Nam cần cân nhắc có nên tiếp tục vay ODA nữa hay không, trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia khẳng định, nguồn vốn ODA vẫn rất cần cho Việt Nam, quan trọng là sử dụng như thế nào.

Theo TS Võ Duy Nghi, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đa phương thức Vietranstimex, Việt Nam đã vượt qua ngưỡng nước có thu nhập trung bình thấp nên các nhà tài trợ chuyển hướng dần nguồn vốn ODA sang các nước nghèo hơn nên nguồn vốn vay ODA của Việt Nam đang giảm dần.

Tuy nhiên nguồn vốn ODA vẫn rất cần thiết cho nhu cầu phát triển đất nước ít nhất trong một vài thập kỷ nữa. Lý do là mặc dù thủ tục vay vốn ODA phức tạp, kéo dài nhưng cái được nhất là lãi suất thấp, minh bạch nên hiệu quả đầu tư cao.

"Cần lưu ý chúng ta đang cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển đất nước, đặc biệt là phát triển các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp... là các lĩnh vực rất khó vay thương mại vì lãi suất cao và các ngân hàng thường không mặn mà trong việc tài trợ vốn. Vì vậy, ngoài các kênh huy động vốn, các hình thức đầu tư như: FDI, BOT, BT, PPP..., trong lúc chúng ta đang cần vốn và các nhà tài trợ vẫn sẵn lòng cho vay thì không có lý do gì để từ chối vốn vay ODA. Vấn đề là hạn chế các mặt tiêu cực để sử dụng nguồn vốn ODA có hiệu quả hơn mà thôi", TS Nghi nói.

Vị chuyên gia nhắc lại trường hợp từng gây xôn xao cách đây hơn 3 năm khi Công ty CP Cảng Đà Nẵng dũng cảm từ chối nguồn vốn ODA của Nhật tài trợ, quyết định tự huy động vốn để đầu tư mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2.

Cho đến nay, Công ty CP Đà Nẵng đã chứng minh họ làm đúng khi đưa dự án vào hoạt động sớm hơn dự kiến ban đầu với quy mô đầu tư không hề thay đổi.

TS Võ Duy Nghi đánh giá, dự án mở rộng cảng Tiên sa giai đoạn 2 thành công là do năng lực tài chính của chủ đầu tư mạnh nên họ có thể huy động vốn từ 3 kênh: vốn tự có, xã hội hóa và vay thương mại. Đây là dự án cấp bách, có thể tạo ra nguồn thu ngay sau khi mở rộng cảng nên các nhà đầu tư và ngân hàng sẵn sàng tài trợ vốn.

Nếu sử dụng vốn ODA thì thời gian được cấp vốn kéo dài do vấn đề thủ tục, trình tự cấp vốn, đấu thầu lựa chọn nhà thầu… nên sẽ bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, không thể đưa cảng vào khai thác sớm được.

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông là một trong những dự án sử dụng vốn vay ưu đãi từ Trung Quốc. Ảnh: Dân trí

Từ đây, ông khẳng định, Việt Nam vẫn có được những dự án thành công khi không cần vay vốn ODA với điều kiện:

Thứ nhất, dự án kinh doanh phải có tính khả thi cao (như trường hợp cảng Tiên Sa) chứ không phải các dự án phúc lợi công cộng hoặc dự án có thời gian thu hồi vốn kéo dài.

Thứ hai, chủ đầu tư có năng lực tài chính mạnh và có khả năng kêu gọi vốn đầu tư.

Thứ ba, chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp cổ phần vì nếu chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước hoặc các cơ quan quản lý nhà nước thì trình tự thủ tục đầu tư kéo dài, lãng phí nên hiệu quả đầu tư không cao.

Cùng chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cũng cho rằng, đừng vì thấy những hạn chế, bất cập trong quản lý ODA mà lo lắng rồi ngưng vay nguồn vốn này. Mô hình như Cảng Đà Nẵng cần học tập nếu tìm được nguồn vốn thay thế, đặc biệt, khuyến khích đầu tư trong nước thay thế được thì nên ưu tiên. Trong trường hợp không khuyến khích được đầu tư trong nước thì bắt buộc phải vay vốn ODA.

"Đừng quá sợ vay ODA, vấn đề là quản lý, sử dụng thế nào cho hiệu quả. Khi Việt Nam không còn vay theo điều kiện ODA nữa, phải chuyển sang vay thương mại, điều đó sẽ tạo áp lực lớn hơn cho việc sử dụng vay vốn nước ngoài

Cảng Đà Nẵng huy động vốn được là vì những người đóng góp vốn vào dự án cho rằng nó có hiệu quả. Việt Nam không sợ thiếu tiền, chỉ sợ thiếu những dự án hiệu quả.

Cho nên, vấn đề thẩm định dự án rất quan trọng, phải làm sao để minh chứng cho nhà đầu tư biết dự án đó là hiệu quả", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nói.

Cân nhắc lựa chọn

Nhìn vào việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA thời gian qua ở Việt Nam, TS Võ Duy Nghi cho rằng, quan trọng là lựa chọn nguồn vốn ODA phù hợp chứ không phải từ chối để “tốt nghiệp” ODA.

Theo đó, những nhà tài trợ nào cho vay với điều kiện ưu đãi, không áp đặt việc lựa chọn công nghệ, lựa chọn nhà thầu thì Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận. Các cơ quan của Chính phủ khi tham mưu nhận tài trợ ODA phải giúp Chính phủ phân tích các rủi ro để Chính phủ quyết định có vay vốn ODA của nhà tài trợ hay không.

"Chúng ta sẵn sàng từ chối các khoản vay ODA với các điều kiện áp đặt nhưng cần lưu ý không phải tất cả các khoản tài trợ ODA đều áp đặt.

Như đã nói, các dự án thuộc về phúc lợi công cộng, cơ sở hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp, y tế… chủ đầu tư không dễ dàng vay thương mại vì thời gian hoàn vốn kéo dài, hiệu quả đầu tư không cao nên các ngân hàng thương mại thường từ chối cấp vốn. Chúng ta nên kêu gọi ODA cho các lĩnh vực này còn các lĩnh vực kinh doanh khác, có tính khả thi cao thì vay thương mại hiệu quả hơn", TS Nghi lưu ý.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/khong-can-vay-oda-neu-3363702/