Không cần sang, dân muốn nơi ở có sinh kế tốt

Nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp là phân khúc cần được quan tâm hỗ trợ

Phát biểu tại hội thảo quốc tế "Giải pháp nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TP HCM giai đoạn 2021-2035" do UBND TP HCM tổ chức sáng 17-9, Chủ tịch UBND TP, ông Nguyễn Thành Phong, cho biết tốc độ gia tăng dân số của TP HCM lên tới 200.000 người/năm, tức tăng 1 triệu người sau mỗi 5 năm đang gây áp lực lớn trong quản lý đô thị, đòi hỏi cao hơn về nhà ở.

Đa dạng loại hình

Dẫn số liệu thống kê năm 2019, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng TP có dân số 9 triệu người nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập, du lịch. Mật độ dân số trung bình của TP gấp 14,7 lần mật độ cả nước, chủ yếu tập trung tại các quận trung tâm. Dù TP có khoảng 1,6 triệu căn nhà nhưng chỉ gần 630.000 nhà kiên cố, khoảng 1.000 căn nhà bán kiên cố, còn lại là nhà thiếu kiên cố, đơn sơ. Từ đó, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã nhận định việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho dân số ngày càng gia tăng là nhiệm vụ quan trọng. Đồng thời, đưa phát triển nhà ở vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2025; là cơ sở triển khai các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện trong từng giai đoạn.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tìm hiểu các mô hình nhà ở trưng bày tại hội thảo Ảnh: TẤN THẠNH

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tìm hiểu các mô hình nhà ở trưng bày tại hội thảo Ảnh: TẤN THẠNH

Góp ý giải pháp xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, GS Yap Kioe Sheng, Viện Công nghệ châu Á, lưu ý xây dựng các khu nhà dạng này không chỉ cần giá rẻ mà còn phải tạo được việc làm, thu nhập cho người dân. Nêu dẫn chứng tại Thái Lan, nhiều người sống ở những khu được Chính phủ trợ giá đã bán nhà lại cho người có thu nhập trung bình bởi ở đó không đáp ứng được nhu cầu mưu sinh của họ, GS Yap Kioe Sheng lưu ý tạo nhà cho người thu nhập thấp phải xem xét kỹ tình hình kinh tế, biến động thu nhập, tập tính sinh sống cộng đồng. "Người dân thà sống trong khu ổ chuột có nhiều lợi ích kinh tế còn hơn ở trong căn nhà khang trang nhưng khó tạo ra thu nhập" - ông nói.

Ông David Koh, Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng Việt Nam, chia sẻ bài học của Singapore rằng chính phủ nước này đã có chính sách bảo đảm mỗi gia đình đều được sở hữu ngôi nhà của riêng mình. Từ đó, đã biến Singapore từ một đất nước rất nhiều khu ổ chuột thành quốc gia có quy hoạch chỉn chu. Trong đó, chính sách nhà ở nhắm vào nhóm người có thu nhập trung bình và thấp, tạo điều kiện cho họ được mua nhà trợ giá của chính phủ. "Không chỉ xây nhà mà phải xây những TP, thị trấn đủ hấp dẫn để người dân đến sống. Phải nhận diện và hỗ trợ được đúng đối tượng để tránh những người nghèo không nhận được hỗ trợ còn người "giả bộ" nghèo lại được thụ hưởng chính sách. Giấc mơ của Việt Nam không nên là những tòa nhà chọc trời mà là những ngôi nhà thực sự để người dân có thể vào sống, có môi trường sống tốt. Chi phí xây dựng nhà ở nên được xem xét từ nguồn đầu tư Chính phủ để tạo ra nhà cửa ổn định cho người dân, để họ yên tâm làm việc" - ông David Koh nêu quan điểm.

Gỡ hàng loạt vướng mắc

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chỉ ra hàng loạt vấn đề vướng mắc của TP như phương án định giá đất, đền bù, xác định chủ đầu tư… khiến cho ít dự án được đưa vào khai thác trong khi nhu cầu nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngày càng tăng. Ông Sinh cho rằng những vấn đề này TP cần giải quyết sớm.

Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), đề xuất giải pháp nhà ở xã hội nên kết hợp với mô hình nhà ở thương mại giá thấp để hình thành các "khu đô thị, khu nhà ở bình dân" hoặc "khu đô thị, khu nhà ở vừa túi tiền". Những khu vực này có thể trở thành các đô thị vệ tinh của TP HCM.

Tiếp thu các ý kiến chuyên gia, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đánh giá hội thảo đã đưa ra cái nhìn mới hơn, yêu cầu cao hơn cho định hướng phát triển nhà ở của TP. Theo đó, phát triển nhà ở phải gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, không chỉ dừng ở phát triển kinh tế - xã hội TP mà còn là phát triển của khu vực, vùng, miền, bởi đó là cách giảm bớt di dân tự do vào TP. "Cần thay đổi tư duy xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp với chất lượng thấp mà xây nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp với chất lượng cao. Dành nhiều diện tích hơn cho cây xanh, công viên, các tiện ích khác để phục vụ người dân" - ông Hoan nói.

Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch UBND TP, hội nghị cũng chỉ ra được tầm quan trọng trong phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp. Ông Võ Văn Hoan thừa nhận tuy TP đã phát triển khá nhiều nhà ở nhưng tỉ trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp không cao bằng khu vực nhà ở thương mại. Trong khi đó, đối tượng TP cần quan tâm chính là những người có nhu cầu thực sự về nhà ở, như người làm công ăn lương, cán bộ công chức, người lao động… "Điều này đòi hỏi giải quyết một bài toán phù hợp, tạo điều kiện cho người dân trước hết có nhà ở xã hội, sau mới đi lên nhà ở thương mại, từ thuê đến thuê mua và cuối cùng là mua… Qua đây, cũng thấy cần thêm nhiều cơ chế cũng như chính sách hỗ trợ. Chẳng hạn, ngoài Quỹ Phát triển nhà ở, TP cần nghiên cứu làm sao Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế cũng tham gia hỗ trợ. Ngay cả DN cũng nên có phần chính sách nào đó để hỗ trợ" - ông Hoan nói.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/khong-can-sang-dan-muon-noi-o-co-sinh-ke-tot-20190917220850026.htm