Không cần lo lắng quá về dịch bạch hầu, chích ngừa đủ sẽ hiệu quả

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả vì có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, tính đến hết ngày 7/7, số ca mắc bạch hầu tại 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đăk Lăk hiện là 63 ca và đã có 3 ca tử vong. Trong đó, Đăk Nông có số ca mắc cao nhất là 25, Kon Tum 22 ca, Gia Lai 15 ca và Đăk Lăk 1 ca.

Đáng lưu ý, trong số các ca bệnh bạch hầu tại khu vực này, có 25 ca không có biểu hiện lâm sàng. Đa số các trường hợp mắc bệnh không được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tại khu vực có bệnh nhân mắc bạch hầu, tỷ lệ người lành mang trùng chiếm gần 50%, tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt 13%.

Bệnh bạch hầu được ghi nhận ở mọi lứa tuổi, đặc biệt có trường hợp bệnh nhi mắc bạch hầu và tử vong dù đã tiêm vaccine. Về trường hợp trẻ 4 tuổi vừa tử vong dù tiêm đủ 4 mũi, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM), 4 tuổi miễn dịch đã giảm cộng thêm khu vực có độ phủ của vaccine thấp thì sẽ dễ mắc bệnh hơn.

Hiện nay, vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh cho trẻ nhỏ. Vaccine phòng bạch hầu thường được tích hợp dạng vaccine 5 trong 1 như Combe Five, Quinvaxem. Tất cả trẻ sinh ra sẽ được tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm phòng mở rộng với 4 mũi.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh, tiêm phòng là cách phòng ngừa bạch hầu hiệu quả nhất. Theo đó, "nếu tiêm đủ vaccine 5 trong 1 hay 6 trong 1 là đủ phòng ngừa". Từ 16 - 18 tháng tiêm nhắc DTP theo chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc dạng vaccine 6 trong 1 (dịch vụ). Từ 4-5 tuổi nhắc mũi 4 trong 1, hay 3 trong 1 dành cho trẻ lớn và người lớn. Trẻ từ 8-9 tuổi và người lớn có thể tiêm Boostrix hay Adacel để ngừa tốt hơn bạch hầu và nhất là ngừa ho gà ở người lớn.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh bạch hầu là bệnh lây qua đường hô hấp nhưng "không lây mạnh như sởi hay cúm". Triệu chứng ban đầu của bệnh là viêm họng giống như viêm amidan, sốt nhẹ, đau đầu, ho và giọng nói khàn, sổ mũi, hơi thở hôi. Chính vì "bệnh thường không sốt cao nên phụ huynh dễ bỏ sót" và "khi phát hiện trễ có thể gây biến chứng tim và thần kinh".

Bác sĩ Hữu Khanh đưa ra lời khuyên, khi trẻ đau họng, sổ mũi có máu, có vết loét ở mũi, trẻ khàn tiếng, ho nhiều thì phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ phát hiện xem có giả mạc hay không. Ngoài ra, rửa tay, mang khẩu trang là biện pháp cần làm như phòng ngừa bệnh lây qua đường hô hấp.

Trong nỗ lực phòng, chống dịch bạch hầu, Bộ Y tế yêu cầu chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bệnh bạch hầu trên diện rộng cho các đối tượng từ 2 tháng tuổi - 14 tuổi, trước mắt áp dụng tại 4 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông - khu vực các tỉnh có dịch sau đó sẽ mở rộng sang các vùng có nguy cơ.

Bộ Y tế cũng sẽ tiến hành lập 4 tổ công tác đặc biệt tại 4 tỉnh Tây Nguyên để khoanh vùng, rà soát phác đồ điều trị và chuẩn bị thuốc men tại khu vực này. Bộ Y tế yêu cầu khởi động lại chương trình truy vết.

Theo Huyền Trang/VTV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/khong-can-lo-lang-qua-ve-dich-bach-hau-chich-ngua-du-se-hieu-qua/20200708095948754