Không cần bắt ép hay bày đủ trò, nếu nắm được 5 mẹo vô cùng đơn giản này, trẻ sẽ tự ăn nhiều và ngon miệng hơn

Biếng ăn sẽ không còn là cơn ác mộng bởi thay vì mất hàng tiếng đồng hồ bắt ép rồi làm đủ thứ để dỗ con ăn, mẹ có thể giúp con ăn ngon một cách tự nhiên và đơn giản với 5 mẹo này.

1. Tạo không khí vui vẻ, thoải mái và nói không với áp lực trong bữa ăn

Jill Castle, một chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa đến từ New Canaan, Connecticut, Mỹ giải thích: "Giữ một môi trường tích cực xung quanh bữa ăn và hãy cố gắng loại bỏ áp lực hoặc các hình phạt, phần thưởng và chiến thuật thương lượng mà nhiều bậc cha mẹ vẫn làm". Các chiến lược ép buộc như bắt con phải ăn hết tất cả mọi thứ trong bát chẳng hạn, có xu hướng hạn chế khả năng học cách yêu thích thức ăn và phát triển khẩu vị của trẻ vì chúng không được phép khám phá và xác định những gì chúng thích và không thích loại đồ ăn nào. Vậy nên, hãy tạo không khí dễ chịu và thoải mái trong lúc cho con ăn.

Hầu hết trẻ đều xu hướng kén ăn, nhưng bà Jill cho biết điều cần thiết là cha mẹ phải thừa nhận rằng đây là giai đoạn phát triển của hầu hết trẻ em. Bà nói: "Hiểu được điều đó sẽ giúp cha mẹ phản hồi con họ một cách tích cực và kiên nhẫn".

Hãy tạo không khí dễ chịu và thoải mái trong lúc cho con ăn (Ảnh minh họa).

Hãy tạo không khí dễ chịu và thoải mái trong lúc cho con ăn (Ảnh minh họa).

Nhiều bậc cha mẹ có thể lo ngại rằng kén ăn, biếng ăn có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe hoặc thiếu chất về lâu dài. Nhưng nghiên cứu đã cho thấy những trẻ kén ăn ở mức trung bình sẽ không bị thiếu vi chất dinh dưỡng và chúng cũng có thể ít bị béo phì hoặc thừa cân.

2. Trò chuyện về đồ ăn

Thay vì các cuộc thương lượng hoặc các cuộc chiến căng thẳng trên bàn ăn với con, cha mẹ cần giao tiếp với con cái của họ ngay từ sớm để hai bên cùng hiểu lẫn nhau và tạo được một cái nhìn tích cực với đồ ăn cho trẻ.

Ngay cả người lớn chúng ta chỉ muốn ăn khi thấy đói thì trẻ cũng như vậy. Vì vậy, hãy luôn chắc chắc rằng khi cho con ăn, con bạn đang thực sự đói nếu không bữa ăn sẽ là trận chiến với cả mẹ và con.

Bà Jill gợi ý rằng cha mẹ nên giúp trẻ nhận biết cảm giác đói và no bằng cách đặt tên cho chúng khi còn nhỏ và khuyến khích trò chuyện và thảo luận về những cảm giác này. "Các cuộc trò chuyện về cảm giác của con sau khi ăn, con có đồ ăn không, con thích món gì,…— những cuộc trò chuyện đó giúp ích cho trẻ theo kịp các tín hiệu cơ thể cho sự thèm ăn của chúng" bà nói.

3. Đa dạng hóa và thêm phần thú vị cho thực đơn của con

Một bữa ăn được trang trí trình bày hấp dẫn đẹp mắt, nhiều màu sắc cũng khiến trẻ thích thú mà ăn nhiều hơn. (Ảnh minh họa).

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ chán ăn là do mùi vị, màu sắc thức ăn không đủ hấp dẫn hoặc bị lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác. Vì vậy, hãy giúp con mình trở nên hứng thú hơn với ăn uống bằng cách xây dựng thực đơn phong phú, đa dạng.

Hãy chịu khó thay đổi món ăn mỗi ngày để cải thiện cảm giác thèm ăn ở trẻ. Ngoài ra, việc cân đối các nhóm thực phẩm để đảm bảo cung cấp đủ các nhóm chất khác nhau cũng rất quan trọng.

Tất cả các bé đều có một điểm chung là thích những thứ thật đẹp mắt, ngộ nghĩnh đáng yêu, một cái bát đẹp xinh có hình các nhân vật trẻ yêu thích sẽ khiến trẻ muốnh lấy bát ăn cơm hơn là 1 cái bát trống trơn như của người lớn. Một bữa ăn được trang trí trình bày hấp dẫn đẹp mắt, nhiều màu sắc cũng khiến trẻ thích thú mà ăn nhiều hơn. Vậy nên khi nấu xong mẹ cũng nên đầu tư thêm thời gian để trang trí, sắp xếp thức ăn thành hình con vật, nhân vật hoạt hình,… mà con yêu thích để trẻ hào hứng với bữa ăn hơn.

4. Cho con cùng tham gia chuẩn bị bữa ăn

Vì là trẻ nhỏ nên các bé rất hiếu động, ham hoạt động nên nếu được tham gia vào các công đoạn chuẩn bị, trẻ cũng sẽ thích thú với các bữa ăn hơn. Ví dụ như khi đi mua đồ ăn, có thể cho trẻ đi cùng và tham gia chọn đồ ăn. Với những trẻ lớn hơn, có thể cho trẻ cùng vào bếp phụ việc nấu ăn, dọn bàn ăn cùng mẹ để trẻ có cảm giác tự chuẩn bị món ăn cho mình. Và chắc chắn rằng, khi trẻ được chuẩn bị một món ăn nào đó thì trẻ cũng sẽ muốn ăn xem thử nó có ngon không.

5. Làm gương cho con

Giống như với bất kỳ khía cạnh nào của việc nuôi dạy con cái, làm gương có thể là một trong những yếu tố quan trọng nhất để trẻ thích thú với thức ăn và không bị lười ăn. Cha mẹ nên dành một chút thời gian để suy ngẫm về mối quan hệ của bản thân với thức ăn cũng như những lo lắng trong quá khứ hoặc hiện tại trong thói quen ăn uống của họ.

Bà Jill cho biết: " Nếu cha mẹ lúc nào cũng gặp phải vấn đề với thức ăn - cho dù ăn kiêng hay ăn uống vô độ, ăn quá no hoặc cực kỳ kén chọn thức ăn - thì con cái họ cũng sẽ dễ gặp phải những vấn đề tương tự ". Điều quan trọng là bản thân cha mẹ cũng phải có một mối quan hệ tích cực với thực phẩm để con noi theo. Nếu cha mẹ có thói quen ăn uống lành mạnh thì con cũng sẽ học tập theo và ít khả năng gặp vấn đề trong ăn uống hơn.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Nguồn Em Đẹp: https://emdep.vn/lam-cha-me/khong-can-bat-ep-hay-bay-du-tro-neu-nam-duoc-5-meo-vo-cung-don-gian-nay-tre-se-tu-an-nhieu-va-ngon-mieng-hon-20210218080145305.htm