Không cấm, nhưng phải quản!

Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 khóa XIV năm 2018, là đã rất chậm so với thực tế đời sống xã hội. Tuy nhiên tới kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật lại 'yếu dần', dẫn đến lo ngại về tác dụng không phải 'phòng chống', mà là 'thúc đẩy' (!?)...

1. Sáng 9/11/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trình Quốc hội Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Dự thảo này đưa ra các chế tài rất mạnh như: Cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức; Cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia; Cấm cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về tác dụng của rượu, bia đối với sức khỏe;...

Cộng đồng xã hội ủng hộ ngành rượu, bia, nhưng yêu cầu phải siết chặt việc quảng cáo, phổ biến, độ tuổi sử dụng... Ảnh minh họa

Dự thảo Luật còn quy định các địa điểm không được bán rượu, bia bao gồm cơ sở y tế, giáo dục, nơi vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi; không được bán rượu, bia trên mạng internet và máy bán hàng tự động…

Được biết, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhiều lần nhắc Bộ Y tế sớm trình Luật phòng chống tác hại rượu bia, rồi phải sau 4 - 5 năm sau Dự Luật mới ra đời. Dù chậm, nhưng đó cũng là cố gắng và quyết tâm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân trước tác hại của sử dụng bia, rượu. Những nỗ lực ấy của Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ít nhiều được ghi nhận xứng đáng.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận ý kiến đóng góp và tiếp thu, chỉnh sửa, Dự Luật trình Quốc hội ngày 23/5 vừa qua đã bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên internet, chỉ giữ quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử. Việc quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn trên truyền hình được chỉnh lý theo hướng không được quảng cáo trong khoảng thời gian từ 19h đến 20h hằng ngày...

Một số giải pháp “mạnh” ở các dự thảo trước của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia bị bỏ hoặc giảm nhẹ ở dự thảo mới trình ra kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, trong khi các vấn nạn xã hội có nguồn gốc do rượu, bia ngày càng báo động.

2. Về sự “yếu đi” này, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Yên) đã vừa bày tỏ, rằng không hiểu vì sao, sau nhiều hội thảo lấy ý kiến, Dự Luật đã mất đi tinh thần cứng rắn của các điều khoản liên quan đến biện pháp phòng chống tác hại rượu, bia. Các căn cứ, cơ sở xây dựng Luật dần xa rời với tình hình thực tiễn, các điều khoản, chế tài có tính răn đe, ngăn ngừa tác hại của rượu, bia cứ yếu dần đi.

Theo bà Minh Hiền, mục tiêu của Dự Luật là phòng chống tác hại rượu, bia, nhưng những giải pháp mang tính ngăn chặn như quy định về cấm quảng cáo, bán rượu, bia trên internet, hạn chế quảng cáo rượu, bia trên báo in... để hạn chế phổ biến loại đồ uống này đã bị đưa ra khỏi dự thảo. Thay vào đó, lại bổ sung quy định cho phép quảng cáo rượu bia trên truyền hình (?).

Cũng theo ĐBQH tỉnh Phú Yên, Dự Luật không xem nền công nghiệp sản xuất rượu, bia là tội đồ. Nhưng bà cho rằng không thể lấy văn hóa, truyền thống để khỏa lấp cho những thiệt hại quá sức nặng nề bởi tác hại của rượu, bia gây ra trong thời gian vừa qua. “Ở Việt Nam, việc sử dụng rượu bia không kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ tương lai. Chúng ta cần phải quản lý, điều chỉnh bằng pháp luật với các biện pháp có tính răn đe cao, không thể thấy khó mà không làm. Tôi nghĩ không nên chần chừ thêm nữa”, bà Hiền chia sẻ.

Những con số không biết nói dối. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy: Năm 2017, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng bia là gần 4 tỷ USD, với khoảng gần 4,1 tỷ lít, bên cạnh đó là khoảng 305 triệu lít rượu.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được kỳ vọng sẽ giảm tải việc lạm dụng đồ uống có cồn. Ảnh minh họa

3. Đáng lo ngại nhất, là song hành với những thứ hạng đau xót trên là hiện thực nhức nhối: Gần 1/5 số vụ TNGT liên quan đến bia, rượu, cùng một tỉ lệ lớn các vụ ẩu đả dẫn đến thương tích, tử vong, các vụ gây rối trật tự xã hội, vi phạm pháp luật sau khi sử dụng rượu, bia…

Theo thống kê mới nhất, trong quý I/2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ TNGT, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Trong đó nguyên nhân tai nạn do tài xế sử dụng rượu, bia chiếm 1,47% (trên 274 vụ). Cũng trong ba tháng đầu năm, CSGT trên cả nước đã xử lý 38.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 814 tài xế ôtô.

Có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, về truyền thống, phong tục, văn hóa,… nhưng không thể chối bỏ việc, ở Việt Nam, rượu, bia rất rẻ và mua thì dễ như… rau.

Về giá, trong khi các nước trong khu vực và châu Âu, giá 1 chai bia bằng giá 2 lít sữa tươi, nhưng Việt Nam thì ngược lại. Giá rượu, bia quá rẻ dẫn tới người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng, tạo áp lực nặng nề lên an toàn giao thông, toàn bộ hệ thống y tế, nền tảng văn hóa và giáo dục con người. Đã có nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định về giá bán tối thiểu của bia, rượu (như đối với thuốc lá) để nâng cao hiệu quả của Luật!

Về việc bia rượu bày bán khắp nơi, các ĐBQH đề xuất cần phải hạn chế tiếp cận bia, rượu với người dân, nhất là lớp trẻ. Theo đó, có thể áp dụng lại những quy định từ 15 - 20 năm trước, đó là mỗi loại bia, rượu chỉ được quảng cáo 1 lần/ngày trên 1 báo và cấm quảng cáo từ 19 - 21h hàng ngày để bảo vệ thế hệ trẻ và những người chưa sử dụng các loại đồ uống có cồn.

Một trong những điều mà các ĐBQH, các chuyên gia và cộng đồng lo lắng, là Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ đi vào cuộc sống như thế nào, khi ta đã không phòng, chống tác hại của thuốc lá thành công? Quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng không thể kiểm soát? Có nghĩa, các điều khoản pháp luật liên quan phải cứng rắn, tỉnh táo, không được duy tình.

Theo dõi diễn tiến Dự thảo Luật, có thể thấy Quốc hội và Bộ Y tế không hề có ý hạn chế sản xuất của ngành rượu bia. Thậm chí, ngành này có thể tăng nguồn thu nếu biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia được áp dụng.

Không cấm bia, rượu, nhưng phải quản chặt chẽ bằng các điều, khoản về cấm quảng cáo, hạn chế khu vực bán rượu, bia, độ tuổi khách hàng mua sản phẩm,… để bảo vệ sự bình yên xã hội và chất lượng nòi giống Việt là điều cả Quốc hội và cộng đồng đang mong mỏi, chờ đợi.

An Nhiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khong-cam-nhung-phai-quan-post62706.html