'Không bên thứ ba nào ngăn được NATO đón Ukraine - Gruzia'

Brussels chỉ cần 'gieo mộng' cho Kiev và Tbilisi, song lợi ích mà họ đạt được thì lại rất thực tế...

Theo Ukrinform ngày 18/11, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax ở Canada, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự hùng mạnh này luôn thực hiện chính sách mở cửa và sẵn sàng đón nhận các thành viên mới.

"Cánh cửa của NATO luôn rộng mở, mà bằng chứng rõ nhất là số lượng thành viên NATO đã tăng gần gấp đôi kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và mới nhất là Montenegro, nâng số thành viên của NATO lên đến con số 29”.

Về khả năng của Ukraine, Gruzia gia nhập NATO, ông Stoltenberg cho rằng cánh cửa NATO đã mở với Ukraine và Gruzia, song nhấn mạnh các quốc gia này cần phải đạt được các tiêu chuẩn nhất định để có thể đứng trong hàng ngũ NATO.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

"Gruzia và Ukraine đang tập trung vào cải cách: hiện đại hóa cơ chế quốc phòng, giải quyết nạn tham nhũng, tăng cường thể chế dân chủ. NATO và các đồng minh sẽ giúp hai nước thực hiện những cải cách", Tổng Thư ký NATO nói rõ.

Đặc biệt, người đứng đầu bộ phận điều hành Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã khẳng định rằng không một bên thứ ba nào có quyền can thiệp vào quá trình NATO hiện thực hóa “Chiến lược Đông tiến”, tiếp nhận Ukraine và Gruzia.

Như vậy, theo phát biểu của Tổng thư ký NATO, dường như liên minh quân sự hùng mạnh vẫn không hề thay đổi chiến lược mở rộng về phía biên giới nước Nga, sẵn sàng đón nhận Ukraine và Gruzia, qua đó gia tăng thù địch với Moscow.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dù lời khẳng định của ông Stoltenberg rất rõ ràng, song thông điệp của Brussels gửi tới Moscow, Kiev và Tbilisi lại rất nửa vời.

Đó là dùng việc thử nắn gân Nga để "gieo mộng" cho Ukraine và Gruzia.

Thứ nhất, Chiến lược Đông tiến của NATO không thay đổi, song kế hoạch hành động hiện thực hóa chiến lược này thì đã thay đổi rất nhiều, mà Nga là nhân tố tạo sự đổi thay, còn Ukraine, Gruzia là “nạn nhân” của sự thay đổi ấy.

Sau khi Khối Warsaw giải thể, rồi Liên Xô tan rã, một trong những chính sách đảm bảo cho NATO tồn tại là "Chiến lược Đông tiến", đưa biên giới NATO ngày càng sát biên giới nước Nga, qua đó buộc Moscow phải có chiến lược đối phó.

Như lời ông Stoltenberg thì NATO đã thực hiện triệt để "Chiến lược Đông tiến" qua việc nâng số thành viên lên gần gấp đôi thời hậu Chiến tranh Lạnh, mà hầu hết thành viên mới của NATO đều là cựu thành viên Khối Warsaw hoặc thuộc Liên Xô cũ.

Tuy nhiên, kể từ năm 2009 - sau khi kết nạp Croatia và Abania - đến năm 2017, "Chiến lược Đông tiến" của NATO dường như “ngừng tiến”, cho dù các điều kiện cho việc thực hiện chiến lược này không mất đi, thậm chí còn được bổ sung thêm.

Đó là cuộc Chiến tranh Nga – Gruzia năm 2008, mà kết thúc là thảm bại của Gruzia - thực thể luôn "Khát vọng Tây tiến".

Không những vậy, hai vùng đất Nam Ossetia và Abkhazia đã ly khai với Tbilisi và chịu tầm ảnh hưởng của Moscow

NATO có đủ điều kiện đón Ukraine và Gruzia nhưng ngán Nga nên chưa thể

Rồi năm 2014, cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine dẫn tới việc Nga tái sáp nhập bán đảo chiến lược Crimea vào lãnh thổ nước Nga, còn vùng miền đông Ukraine thì thực hiện chính sách “hướng Moscow, ly Kiev’.

Rõ ràng, những điều kiện cho NATO cắm cờ trên biên giới nước Nga đã rất đẩy đủ, song Brussels lại chọn kết nạp Montenegro - một thành viên tí hon chỉ giúp cho mâm của NATO như thêm bát thêm đũa mà thôi.

Theo giới phân tích, không thể phủ nhận "yếu tố Nga" - bên thứ ba - đã có ảnh hưởng rất lớn tới quyết định của NATO, chứ không phải như lời ông Tổng thư ký tổ chức quân sự này phát biểu tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax mới đây.

Thứ hai, chuẩn NATO luôn là cái ngưỡng mà Kiev và Tbilisi không bao giờ đạt tới nếu Brussels không muốn hay lợi ích của NATO mất nhiều hơn được khi đón nhận Ukraine và Gruzia. Đây chỉ là cách Brussels “gieo mộng” cho Kiev và Tbilisi.

Có thể khẳng định rằng, việc Ukraine và Gruzia gia tăng sự thù địch với Nga đã giúp hai thực thể này trở thành "vùng đệm" không thể tuyệt vời hơn cho NATO nói riêng, cho phương Tây nói chung, trong cuộc đối trọng với Nga.

Moscow không thể "ăn ngon ngủ yên" với hai thực thực thể đối nghịch này, dù biểu hiện là tư tưởng thù địch hay hành động thù địch.

Do vậy, Brussels dường như đã quyết định thực hiện “EU hóa”, “NATO hóa” Ukraine và Gruzia.

Kế hoạch Marshall cho Ukraine nhằm “EU hóa” Ukraine, còn Kế hoạch Đối tác phía Đông là nước đi nhằm thực hiện “NATO hóa” Gruzia. EU-NATO có thể ở ngay biên giới nước Nga mà không cần Ukraine, Gruzia gia nhập những cấu trúc này.

Tuy nhiên, với "Khát vọng Tây tiến", Kiev và Tbilisi sẽ không chấp nhận làm "vùng đệm" cho EU-NATO để rồi giơ đầu chịu báng, khi Tổng thống Putin ngày càng thể hiện sự quyết liệt. Bài học Nam Ossetia, Abkhazia, Crimea đã chứng minh điều đó.

Do vậy, nếu Brussels kéo dài thời gian "không chịu đèn” Kiev và Tbilisi, NATO có thể đối mặt với việc "vùng đệm" của mình trở thành "vùng đất cứng" của Nga, nếu như Kiev và Tbilisi có những chuyển động lệch pha với "Chiến lược Đông tiến".

Kiev và Tbilisi phải vui với mộng của Brussels trong thời gian không xác định

Chính vì vậy, Brussels đưa ra chuẩn NATO như một cách treo tư cách thành viên của cấu trúc này để Kiev và Tbilisi hướng tới là chiêu thức hợp lý nhất.

Nó khiến Ukraine và Gruzia luôn hướng tâm về NATO và ngày càng ly tâm với Nga.

Mỗi khi Kiev hay Tbilisi thất vọng thì Brussels lại lấy chuẩn NATO ra đối chiếu để hóa giải.

Rõ ràng, Brussels chỉ cần "gieo mộng" cho Kiev và Tbilisi, song lợi ích mà họ đạt được thì lại rất thực tế.

Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký NATO Stoltenberg khẳng định cánh cửa NATO đã mở với Ukraine, Gruzia và không bên thứ ba nào có thể can thiệp vào việc NATO ra quyết định chẳng khác nào là một sự bỡn cợt với Kiev và Tbilisi.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/khong-ben-thu-ba-nao-ngan-duoc-nato-don-ukraine--gruzia-3347409/