Không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp đòi lại tài sản

Theo quy định trên thì đối với tranh chấp cho vay tài sản thì khi phát hiện người vay quỵt nợ hoặc quá thời hạn ba năm thì người cho vay vẫn không mất quyền đòi nợ, người cho vay gửi đơn khởi kiện đến tòa án để yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người đã vay tiền bạn trả lại số tiền gốc theo quy định.

Hỏi:

Đầu năm 2016, tôi có cho vợ chồng người bạn vay 500 triệu đồng, thời hạn 01 phải trả lại đủ tiền gốc và lãi. Nay người bạn tôi chết, tôi có đòi tiền nhưng vợ bạn tôi không trả. Vợ bạn tôi nói khi nào có tiền mới trả, nhưng không biết khi nào mới có tiền. Theo tìm hiểu tôi được biết lý do vợ bạn tôi không trả nợ cho tôi vì nghe một số người nói cho vay quá 03 năm mà không kiện đòi lại thì xem như mất tiền. Vậy cho tôi hỏi tôi có đòi lại được tiền đã cho vợ chồng bạn tôi vay không?

Trả lời:

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm và nếu thời hạn đó kết thúc thì chủ thể này mất quyền khởi kiện. Thời hiệu được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tại Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì “Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự”. Theo đó, tại Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng như sau:

Điều 429 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về thời hiệu của hợp đồng vay tài sản như sau: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

Như vậy, thời hiệu khởi kiện các tranh chấp về hợp đồng là từ thời điểm người có yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm. Trong trường hợp của anh bạn, thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm kết thúc thời gian vay trong hợp đồng vay nhưng người đi vay không trả tiền cho bạn hoặc từ thời điểm bạn chính thức gửi văn bản yêu cầu người đi vay phải thanh toán nhưng họ không tiến hành thanh toán.

Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định đối với Tranh chấp hợp đồng vay tài sản như sau:

"b) Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Nghị quyết này cũng đưa ra ví dụ để tham khảo. Cụ thể, ngày 01/01/2008, A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là 01 năm. Đến ngày 01/01/2009, B không trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày 03/4/2011, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung."

Vì vậy, theo quy định trên thì đối với tranh chấp cho vay tài sản thì khi phát hiện người vay quỵt nợ hoặc quá thời hạn ba năm thì người cho vay vẫn không mất quyền đòi nợ, người cho vay gửi đơn khởi kiện đến tòa án để yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người đã vay tiền bạn trả lại số tiền gốc theo quy định.

Luật sư Quang Trung

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/tu-van-luat/khong-ap-dung-thoi-hieu-khoi-kien-doi-voi-tranh-chap-doi-lai-tai-san-60765.html