Không an toàn, không đá V-League trên sân không khán giả

Chỉ có 6/14 đội bóng đang chơi tại V-League ủng hộ VPF với phương án thi đấu tập trung trên bảy sân vận động ở phía Bắc không khán giả cho đến hết lượt đi với điều kiện không nguy hiểm do dịch bệnh COVID-19.

Ngày 25-3, Công ty VPF có thông báo tiếp tục tạm dừng các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2020 (V-League, hạng nhất và Cúp quốc gia) đến ngày 15-4, sau hai lần hoãn và bóng mới lăn có hai vòng.

Theo VPF, các giải đấu theo sẽ chỉ tổ chức khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép. Công ty VPF sẽ luôn căn cứ theo tình hình thực tế của dịch COVID-19 để có các thông báo điều chỉnh cho phù hợp.

Bầu Đức của HA Gia Lai không đồng ý cho các cầu thủ ra sân khi chưa có công bố dịch bệch COVID-19 đã kiểm soát an toàn. Ảnh: NGỌC DUNG

Bầu Đức của HA Gia Lai không đồng ý cho các cầu thủ ra sân khi chưa có công bố dịch bệch COVID-19 đã kiểm soát an toàn. Ảnh: NGỌC DUNG

Tuy nhiên, để chủ động đón đầu diễn tiến của dịch; nhằm đảm bảo kế hoạch thi đấu của đội tuyển quốc gia cũng như giúp các CLB chủ động công tác chuẩn bị kế hoạch tổ chức thi đấu; với sự chỉ đạo của CFF, Công ty VPF đã tiến hành xây dựng phương án kế hoạch thi đấu theo phương thức thi đấu tập trung khu vực, dự kiến đến hết lượt đi.

Phương án này sẽ được VPF cùng các CLB bàn thảo nhằm tìm ra phương án tối ưu nhất cho mùa giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2020. Nếu nhận được sự nhất trí từ phía các CLB, phương án sẽ chỉ được triển khai khi tình hình dịch COVID-19 giảm và được các cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức.

VPF đưa ra mốc thời gian cho phương án 1 cho V-League diễn ra từ ngày 15-4 đến ngày 29-5 và phương án 2 từ ngày 1-5 đến ngày 28-6.

Ngay khi nhận phiếu thăm dò ý kiến, bầu Đức của HA Gia Lai đã phản ứng vì “thời điểm này không nhất thiết phải bàn chuyện bóng đá, khi nào hết dịch bệnh thì tính vẫn không muộn”. Cái lý của bầu Đức là hiện nay các cơ quan chức năng đều khuyến cáo không tụ tập đông người, hạn chế di chuyển để tránh lây nhiễm,… cho đến hết ngày 15-4 hoặc kéo dài tròng vài tuần nữa mới xem xét cụ thể diễn biến dịch bệnh. Đấy cũng là nguyên nhân HA Gia Lai không tham gia cuộc thăm dò ý kiến của VPF.

Đại diện của đội Hà Nội cho biết sẽ chơi V-League trở lại khi có sự cho phép của các cơ quan chức năng...

... trong khi có đến tám CLB không bày tỏ ý kiến hoặc không ủng hộ phương án thi đấu trở lại từ ngày 15-4 hoặc ngày 1-5. Ảnh: NGỌC DUNG

Nhưng thật bất ngờ có đến sáu đội ủng hộ bóng V-League lăn trở lại là CLB Thanh Hóa, SL Nghệ An, Than Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh và Viettel đúng vào ngày 15-4. Điều kiện do các đội này đưa ra là phải cho cầu thủ thi đấu trong tình trạng an toàn.

Ba đội không ủng hộ kế hoạch của VPF trong cuộc bỏ phiếu trực tuyến là Nam Định, B. Bình Dương và Quảng Nam. Còn lại các đội TP.HCM, Sài Gòn, SHB Đà Nẵng, Hải Phòng bỏ phiếu trống hoặc không có ý kiến. Con số 6/14 đội bóng đồng ý với VPF có thể thấy chủ yếu ở phía Bắc và không quá nửa số CLB tán thành nên sẽ rất khó để V-League khai diễn trở lại.

Vấn đề khác là hai cột mốc thời gian bóng lăn (ngày 15-4 hoặc 1-5) quá gấp gáp trong lúc không ai dám chắc dịch bệnh đã kiểm soát an toàn. Đấy là chưa kể các CLB không phải ở phía Bắc cho rằng mất ưu thế sân nhà, hoặc như lãnh đội Nam Định không đồng thuận đá trên sân không có khán giả.

Kế hoạch V-League thi đấu tập trung do VPF gửi đến các CLB lấy ý kiến đóng góp như sau:

Bóng V-League mới chỉ lăn hai vòng sau hai lần tạm hoãn vì dịch COVID-19. Ảnh: NGỌC DUNG

Địa điểm thi đấu: Tính toán dựa trên số lượng CLB tại các khu vực Bắc (7 CLB), Trung (4 CLB), Nam (3 CLB). Các sân vận động tổ chức là Thanh Hóa, Thiên Trường, Lạch Tray, Cẩm Phả, Hàng Đẫy, PVF, Mỹ Đình và dự phòng sân Việt Trì.

Hình thức thi đấu:Không có khán giả (số lượng thành viên làm nhiệm vụ trên sân từ 100 đến 120 người).

Thể thức thi đấu:Các CLB tiếp tục thi đấu vòng tròn (sân nhà - sân khách) theo kết quả bốc thăm từ đầu mùa giải.

Phương thức phân nhóm và bắt cặp chọn sân: Căn cứ yếu tố địa lý, vùng miền để tiến hành chia thành ba nhóm:Nhóm 1: Các CLB thi đấu trên sân nhà gồm: Thanh Hóa (sân Thanh Hóa), Nam Định (sân Thiên Trường), Hải Phòng (sân Lạch Tray), Than Quảng Ninh (sân Cẩm Phả), Hà Nội (sân Hàng Đẫy), Viettel (sân Hàng Đẫy).

Nhóm 2: Các CLB sử dụng sân của một số CLB nhóm 1 làm sân nhà gồm: SL Nghệ An (sân Thanh Hóa), HA Gia Lai (sân Thiên Trường), Quảng Nam (sân Lạch Tray), SHB Đà Nẵng (sân Cẩm Phả).

Nhóm 3: Các CLB sử dụng sân trung lập làm sân nhà gồm: Hà Tĩnh (sân PVF), B. Bình Dương (sân PVF), TP.HCM, (sân Mỹ Đình), Sài Gòn (sân Mỹ Đình).

NGỌC ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/khong-an-toan-khong-da-vleague-tren-san-khong-khan-gia-900971.html