Không ai khỏi bệnh sau khi được 'thần y' Võ Hoàng Yên chữa trị

Được ca tụng là 'thần y', có khả năng chữa trị cho bệnh nhân bị khuyết tật vận động, câm, điếc bẩm sinh. Nhưng thực tế, với biện pháp điều trị kiểu kéo lưỡi, vỗ tai, lật cổ qua lại… những người từng được Võ Hoàng Yên khám, chữa bệnh vẫn chẳng khá gì hơn so với trước.

Hy vọng, rồi thất vọng

Kể từ khi được ông Võ Hoàng Yên điều trị, đã hơn nửa năm trôi qua, bệnh tình của con gái bà T.T.C.M. (56 tuổi, trú thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn) vẫn không thuyên giảm.

 Bệnh tình của chị Đ.T.M.Ph. vẫn không thuyên giảm sau khi được Võ Hoàng Yên điều trị.

Bệnh tình của chị Đ.T.M.Ph. vẫn không thuyên giảm sau khi được Võ Hoàng Yên điều trị.

Con gái bà M. là Đ.T.M.Ph. (36 tuổi), bị sốt gây ảnh hưởng đến dây thần kinh số 7, nói năng không rõ ràng, khuyết tật vận động, không cử động linh hoạt như người bình thường.

Nhiều lần được xem các video mà ông Võ Hoàng Yên chữa trị các bệnh nhân bị câm, điếc bẩm sinh, viêm xoang, xương khớp, bà M. tin chắc rằng ông Yên có thể giúp con bà khỏi bệnh. Thương con, không ít lần bà lặn lội vào Nam tìm cách gặp gỡ để nhờ ông Yên nhưng bất thành. Đến giữa tháng 7/2020, hay tin ông Yên về huyện Bình Sơn chữa bệnh miễn phí cho người dân, bà mừng hơn bắt được vàng.

“2 mẹ con phải chờ đợi hơn một ngày trời thì mới tới lượt khám. Ban đầu, cộng sự của ông Yên không hỏi thăm gì về bệnh tình mà lập tức dùng tay kéo lưỡi, ấn huyệt dưới cổ con gái tôi. Không yên tâm, tôi đã tìm cách để con mình được chính ông Yên chữa bệnh. Sau khi được ông Yên ấn huyệt, con gái tôi bước được những bước cứng cáp rồi cất tiếng rõ ràng cảm ơn ông Yên, tôi mừng phát khóc”, bà kể.

Tuy nhiên, sau khi về nhà, bệnh tình của con gái không thuyên giảm. Thất vọng, chị Ph. khóc muốn khô nước mắt. Lọ thuốc của ông Yên tặng, chị cũng không màng tới.

“Uống mà bệnh tình chẳng bớt nên không uống”, chị Ph. ngọng nghịu phát âm từng chữ và bật khóc nức nở.

Chưa có ai khỏi bệnh

Tại thôn Tây Thuận, xã Bình Trung, con trai chị H.T.X (47 tuổi) là P.X.P (12 tuổi) cũng từng được ông Võ Hoàng Yên khám bệnh một vài lần.

Theo chị X., khi đang mang thai thì bị bệnh rubella, phát ban đỏ. Lúc ấy chị đi bệnh viện khám, điều trị. Năm 2009, khi sinh ra cháu P. khóc bình thường, nhưng sau đó gia đình phát hiện cháu không có phản ứng với tiếng động xung quanh, kêu không nghe, chỉ có phản ứng khi có tiếng còi xe lớn, tiếng sét đánh mà thôi.

Cách đây chừng 5 năm, nghe theo lời khuyên của một người quen cùng quê xã Bình Trung, gia đình chị X. đưa cháu P. ra tỉnh Hà Tĩnh khám chữa trị bệnh câm điếc do ông Võ Hoàng Yên làm tại đây.

"Miễn là chữa bớt bệnh cho cháu thôi nên gần một tuần ra ăn, ở để được khám, chữa bệnh ở Hà Tĩnh. Trở về bệnh tình của con tôi vẫn không có biến chuyển gì", chị X. cho biết.

Lúc ấy, chị X. và gia đình nghĩ rằng, bị câm điếc bẩm sinh thì làm sao chữa bớt được. Ngày ấy về, mỗi lần mở mạng internet, cháu P. thấy ông Yên đều sợ, có thể khi chữa bệnh bị đau, ám ảnh cháu P.

Năm 2019, chị X. đưa con vào cơ sở khuyết tật, khiếm thị ở TP Quảng Ngãi. Tại đây cháu P. được tập tành nói, học và đặc biệt vẽ rất đẹp. Khi về nhà, chị X. cùng gia đình đầu tư tập nói cho con, tập nhận biết khi nhìn miệng người nói ra. Nhờ vậy, đến nay cháu có thể nói được vài tiếng.

Tháng 7/2020, khi ông Võ Hoàng Yên về huyện Bình Sơn khám chữa bệnh, chị X. tiếp tục đưa con mình xuống khám, chữa trị. Theo chị X., ông Yên khám, chữa trị câm, điếc của cháu P. bằng cách: Lôi lưỡi ra rồi dùng tay vỗ vào; dùng bàn tay đập vừa phải vào hai bên tai cháu P. Khi chữa cho cháu P., ông Yên cũng không nói cháu có thể bớt bệnh hay không, chỉ bảo về nhà tập nói cho cháu P.

"Sau khám, chữa trị từ tháng 7/2020 đến giờ, bệnh tình cháu P. cũng không tiến triển gì, cũng vậy thôi. Nói được vừa tiếng, khi đi chữa bệnh, các bác sĩ nói khi lớn lên, cơ địa phát triển, có thể con tôi nói được vài tiếng, nhận biết xung quanh tốt hơn".

Chị X. cho biết, nhiều người ở thôn này đi khám chữa bệnh của ông Yên vào tháng 7/2020 cũng không thấy biến chuyển gì.

Ông Lương Hoàng Yên khám, chữa bệnh tại huyện Bình Sơn.

Mới đây, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo công an huyện Bình Sơn thành lập tổ công tác xác minh hiệu quả chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên.

Theo Đại tá Võ Văn Dương - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, không nói về khía cạnh chuyên môn khám, chữa bệnh, riêng về an ninh y tế rõ ràng thấy bất thường. Cả nghìn người bệnh mà chữa trong 2 ngày, lại bằng phương pháp thủ công, thô bạo, phản khoa học, như: Thò tay vào họng móc lôi lưỡi, vỗ mạnh liên tục 2 tay vào vùng thái dương (bệnh câm điếc, bại não), bẻ tay, bẻ chân (bệnh về xương, khớp), vò bóp bướu cổ cho nát.... Tuy nhiên ngay tại thời điểm ấy, nhiều người có thể vì yếu tố tâm lý nên thấy chuyển biến tốt nhưng sau đó bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Thực tế, qua xác minh ngẫu nhiên 17/17 bệnh nhân đều không khỏi bệnh, có người bệnh "chết điếng" vì sau đó bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Đại tá Võ Văn Dương - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi.

“Việc khám, chữa bệnh của ông Yên thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Y tế. Qua đây thấy rằng ngành Y tế cũng chưa thật thận trọng trong việc mời ông Võ Hoàng Yên về khám, chữa bệnh. Đồng thời, chưa có việc tái kiểm tra hiệu quả sau chữa trị của ông Yên. Do đó, ngành này phải có câu trả lời cụ thể để rộng đường dư luận, lấy lại niềm tin của người dân”.

Theo ông Dương, tại thời điểm ông Võ Hoàng Yên về huyện Bình Sơn, ngành Y tế có xác nhận và cho phép hoạt động, chính quyền đứng ra tổ chức, đa số người dân lên tiếng hài lòng về việc khám chữa bệnh của người này. Tuy nhiên, sau khi rộ lên thông tin ông Yên có dấu hiệu lừa đảo thì đã tiến hành xác minh lại thì sự thật mới được phơi bày.

Hiện tại, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh “cấm cửa” ông Võ Hoàng Yên về khám, chữa bệnh ở Quảng Ngãi và được lãnh đạo tỉnh này thống nhất.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/than-y-vo-hoang-yen-chua-benh-nhu-the-nao-413041.html