Khốn đốn với vi bằng

Nhiều người mua nhà chỉ qua hình thức lập vi bằng đã mất tiền oan trong khi kẻ lừa đảo thì nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật

Cho đến ngày viết đơn gửi đến Báo Người Lao Động, bà Lê Thị Quyên (SN 1957; ngụ quận 6, TP HCM) vẫn không bao giờ quên nụ cười ngọt ngào đầy niềm tin của người bán lô đất cho bà. Kể với phóng viên, bà Quyên nói rằng số tiền hơn 400 triệu đồng bà bị lừa là tiền mà cả quãng đời bà tích cóp.

Kịch bản tinh vi

Trong nước mắt, bà Quyên kể qua một người quen, bà biết được bà Phạm Thị Phúc Anh (ngụ 1762 Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè, TP HCM) bán lô đất 28,8 m2 giá 400 triệu đồng. Ngỡ như tìm được một tổ ấm để an dưỡng cuối đời, bà Quyên vui mừng gặp bà Anh đặt cọc 30 triệu đồng. Số tiền còn lại cả hai thỏa thuận sẽ giao đủ khi ra văn phòng thừa phát lại tại số 358 Nguyễn Văn Linh (phường Bình Thuận, quận 7).

Đến ngày 10-8-2017, bà Quyên hớn hở ra văn phòng thừa phát lại gặp bà Phúc Anh để lập vi bằng. Khi vào văn phòng, bà Phúc Anh nói với bà Quyên rằng thửa đất do một người em tên Nguyễn Anh Tuấn đứng tên. Cho nên, ông Tuấn sẽ đứng ra giao dịch và bà Phúc Anh sẽ nhận tiền. Tin tưởng, bà Quyên đã giao đủ 370 triệu đồng cho bà Phúc Anh với niềm tin mình sẽ an cư ở nơi mới. Một tuần sau, ông Tuấn hẹn bà Quyên ra quán cà phê ở quận 7 để thỏa thuận việc xây nhà. Ông Tuấn đồng ý xây cho bà Quyên căn nhà với giá 120 triệu đồng và bà đã giao trước 70 triệu đồng. Ông Tuấn làm hợp đồng xây dựng hẳn hoi, hẹn đến ngày 15-10-2017 sẽ giao nhà.

Đến hẹn, bà Quyên vui mừng đến nhận nhà thì ngỡ ngàng chỉ thấy một miếng đất trống trơn. Chưa hết, bà suy sụp khi một người khác khẳng định chủ quyền miếng đất và nói rằng có ra công chứng sang tên. Ngay hôm sau, bà Quyên tức tốc ra Công an huyện Nhà Bè làm đơn tố cáo bà Phúc Anh và ông Tuấn lừa đảo số tiền 400 triệu đồng.

Nhiều người mua nhà chỉ qua hình thức lập vi bằng đã mất tiền oan (Ảnh: Minh họa)

Nhiều người mua nhà chỉ qua hình thức lập vi bằng đã mất tiền oan (Ảnh: Minh họa)

"Sau nhiều lần mời tôi lên làm việc thì Công an huyện Nhà Bè nói với tôi rằng đã chuyển đơn sang Công an quận 7 để điều tra theo thẩm quyền. Sau đó, cán bộ điều tra có mời ông Tuấn với tôi lên đối chất, ông Tuấn có nói sẽ hoàn trả cho tôi số tiền ông ta đã nhận để cất nhà. Cán bộ điều tra nói với tôi đây không phải là lừa đảo gì cả, từ từ người ta trả" - bà Quyên trình bày.

Chỉ mình nạn nhân lãnh đủ

Không nhận được tiền, bà Quyên đến văn phòng thừa phát lại thì nhận được câu trả lời là chỉ chứng nhận nhận tiền chứ không giải quyết chuyện lừa đảo. Thừa phát lại khuyên bà Quyên kiện lên TAND quận 7 để được giải quyết. Bà Quyên đến TAND quận 7 thì được tư vấn muốn khởi kiện, phải nộp án phí 20 triệu đồng. Bà ngậm ngùi ra về vì với số tiền này, bà chỉ vay nóng mới có chứ không còn cách nào khác! "Đúng là nhiều người làm liều nhưng chỉ mình tôi ôm… hận" - bà Quyên đau đớn nói.

Là một trong những người đầu tiên được bổ nhiệm thừa phát lại, ông Nguyễn Căn - công tác tại Văn phòng Thừa phát lại quận 8 - giải thích rằng vi bằng là văn bản ghi nhận một hành vi, sự kiện có thật xảy ra tại thời điểm lập vi bằng. Đơn cử, vi bằng sẽ xác nhận bên A giao tiền cho bên B tại địa điểm, thời gian cụ thể. Đây có thể là chứng cứ khi phát sinh tranh chấp hay căn cứ thực hiện những giao dịch hợp pháp tiếp theo. Ông Căn nhấn mạnh vi bằng không có giá trị như công chứng, chứng thực; không xác thực nội dung thỏa thuận, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ các bên.

Theo quy định, thừa phát lại tư vấn cặn kẽ cho khách hàng về giá trị vi bằng, hệ quả pháp lý trước khi thực hiện xác lập. Đồng thời, thừa phát lại phải kiểm tra, xác minh kỹ hồ sơ trước khi lập vi bằng. Cụ thể, nếu thấy tài sản đang hoặc có nguy cơ phát sinh tranh chấp thì thừa phát lại không được phép lập vi bằng liên quan đến tài sản này. Trong trường hợp sau khi xác lập vi bằng mà các bên ra tòa giải quyết tranh chấp, tòa án có quyền triệu tập thừa phát lại. Tại tòa, thừa phát lại có nghĩa vụ giải trình và chịu xử lý theo phán quyết của tòa án (nếu có).

Theo luật sư Hoàng Tư Lượng - Đoàn Luật sư TP HCM, sau thời gian mua bán nhà đất có vi bằng gặp nhiều rắc rối, Sở Tư pháp TP HCM khuyến cáo và cứng rắn đối với thừa phát lại nên tình trạng này tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên, những rắc rối do "lịch sử để lại" tiếp tục xảy ra, khiến người mua gánh hậu quả nặng nề.

Dù pháp luật có nhắc đến việc truy trách nhiệm thừa phát lại nhưng luật sư cho rằng chế tài vẫn… "đắp chiếu". Luật sư Hoàng Tư Lượng phân tích: "Nếu sau khi lập vi bằng, hai bên đưa nhau ra tòa dân sự. Cơ quan pháp luật xác định nguồn gốc tranh chấp có liên quan đến vi bằng. Thừa phát lại có thể giải thích do khách hàng không thông báo, không cung cấp đầy đủ hồ sơ nên thừa phát lại không thể biết hoặc không lường trước trường hợp phát sinh tranh chấp dẫn đến hậu quả. Như vậy, tòa án khó có căn cứ truy cứu. Do đó đối với giao dịch nhà đất, việc truy trách nhiệm thừa phát lại rất khó xảy ra".

Ngân hàng xiết nhà !

Năm 2014, ông Nguyễn Công Cao (SN 1977; ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) mua căn nhà có diện tích sàn 32 m2 với giá 550 triệu đồng. Người bán xây 3 căn nhà liền kề trên miếng đất rộng hơn 100 m2. Ngoài gia đình ông, 2 hộ nữa cũng mua cùng thời điểm. Do căn nhà không đủ điều kiện làm hợp đồng mua bán tại phòng công chứng nên gia đình ông Cao và bên bán nhà thỏa thuận lập vi bằng. Nội dung vi bằng ghi rõ vợ chồng ông Cao trao 550 triệu đồng cho người bán nhà. Đến tháng 4-2018, 3 gia đình tá hỏa khi ngân hàng đến thông báo xiết nhà. Lúc này, họ mới biết người bán mang giấy tờ đất thế chấp vay hơn 1 tỉ đồng ngay sau khi bán 3 căn nhà.

Di Lâm - Hạnh Nguyên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/khon-don-voi-vi-bang-20180611220616453.htm