Khởi xướng học bổng 'Chắp cánh ước mơ': Không đầu hàng nghịch cảnh

Dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng các em vẫn phấn đấu vươn lên để trở thành con ngoan, trò giỏi, sống có ích cho gia đình và xã hội

"Cả hai vợ chồng học hành dang dở nên tâm nguyện lớn nhất của tụi tôi là con cái được học đến nơi đến chốn để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nghĩ đến sự thiệt thòi của con mà vợ chồng tôi cố gắng làm việc để con không bị gián đoạn việc học. Dường như hiểu được tâm nguyện ấy nên các con tôi đều học giỏi, chăm ngoan. Những tờ giấy khen mà các con mang về là niềm hạnh phúc vô bờ bến, cũng là động lực để vợ chồng tôi tiếp tục phấn đấu vươn lên". Anh Nguyễn Văn Trạng - công nhân (CN) Đội Thu gom rác Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Hóc Môn, TP HCM - bộc bạch với chúng tôi như vậy.

Mong trở thành người có ích

Vợ chồng anh Trạng đều là dân ngoại tỉnh lên TP HCM làm CN. Ở nhà thuê, lại phải nuôi 2 con đang tuổi ăn học nên khoản thu nhập hằng tháng 10 triệu đồng của 2 vợ chồng chẳng thấm vào đâu.

Vì vậy, sau giờ làm việc ban đêm, anh Trạng lại nhận công việc móc mũi kìm tại nhà để có tiền trang trải cuộc sống. Vợ làm việc ở tận Củ Chi, phải ra khỏi nhà từ sớm, anh Trạng gánh luôn việc chăm sóc và đưa đón 2 con gái (4 tuổi và 11 tuổi) đến trường hằng ngày. "Làm ngày, cày đêm, tính ra một ngày tôi chỉ được nghỉ ngơi 3-4 giờ. Đôi lúc cũng thấy mệt mỏi nhưng nghĩ đến con, tôi tự động viên mình cố gắng. Tôi chỉ mong sức khỏe thật tốt để tiếp tục làm việc, chăm lo cho các con. Nhìn các con khôn lớn từng ngày, có vất vả hơn cũng chịu được" - anh Trạng chia sẻ.

Trong 2 con của vợ chồng anh, cháu lớn là Nguyễn Thủy Nguyên - học sinh Trường THCS Phan Công Hớn - rất biết nghĩ cho ba mẹ. Ngoài ý thức tự giác học tập cao, em còn biết đỡ đần việc nhà, phụ giúp ba mẹ chăm sóc em gái. Nhiều năm liền, Nguyên luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. "Chứng kiến ba mẹ làm việc vất vả mỗi ngày, con luôn tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành người có ích, như mong ước của ba mẹ" - Nguyên bày tỏ.

Đối với anh Nguyễn Ngọc Minh (CN quét rác đường) và chị Nguyễn Thị Tuyết Loan (nhân viên văn thư Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Hóc Môn), dù cuộc sống có cơ cực đến đâu cũng phải lo cho con ăn học thành tài. Mong ước tuy giản dị nhưng với thu nhập eo hẹp của CN, thực hiện điều đó không dễ. Thu nhập hằng tháng chỉ 10 triệu đồng nhưng chị phải chi cho tiền học, tiền ăn cho gia đình 6 người (anh chị đang sống chung với ba mẹ chồng). Dù có khéo thu vén đến mấy thì họ cũng lâm vào cảnh chưa hết tháng đã hết tiền. Để cải thiện thu nhập, chị vay mượn tiền mua bò về nuôi nhưng lỗ, đành phải bán. Hiện chị tranh thủ ngày nghỉ hằng tuần chạy về tận Long An giúp việc nhà cho người quen để kiếm vài trăm ngàn, thêm tiền mua sách vở cho con đi học. Cố gắng là vậy nhưng khó khăn mãi đeo bám, thế nên nhiều năm qua, gia đình chị Loan vẫn sống trong căn nhà mái lá chật hẹp. Dù vậy, con chị là cháu Nguyễn Ngọc Minh Thư (12 tuổi), học sinh Trường THCS Nguyễn Hồng Đào, vẫn học rất giỏi. "Con biết ba mẹ đã chịu khổ cực vì hai anh em, do vậy con phải cố gắng học thật giỏi. Con ước sau này trở thành cô giáo" - Thư bộc bạch.

Góc học tập của em Nguyễn Ngọc Minh Thư

Biến khó khăn thành động lực

Cũng như Nguyên và Thư, hoàn cảnh gia đình khó khăn không phải là rào cản mà ngược lại chính là động lực để em Hồ Nguyễn Minh Thy (10 tuổi), học sinh Trường Tiểu học Trương Văn Ngài, nỗ lực hơn trong học tập và đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt 4 năm qua.

Chị Nguyễn Thị Minh Triết kèm bé Hồ Nguyễn Minh Thy học bài sau giờ làm việc

Chị Nguyễn Thị Minh Triết và anh Hồ Anh Quất, ba mẹ của Thy, cũng là CN quét đường của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Hóc Môn. Công việc của anh chị là quét dọn, thu gom rác trên quãng đường dài 3,5 km hằng đêm. Ca làm việc của anh chị bắt đầu lúc 22 giờ, chị Triết đi trước quét, anh Quất đẩy xe gom rác phía sau. Nói thì đơn giản nhưng công việc này khá độc hại vì thường xuyên tiếp xúc khói bụi, mùi hôi thối của rác, chất thải và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Gần 10 năm làm việc, xe rác của vợ chồng chị đã bị người đi đường tông vào không biết bao nhiêu lần. Chị Triết kể có lần khi anh Quất đang đẩy xe, một người đàn ông say rượu lao thẳng xe máy vào, hất tung cả người và xe lên vỉa hè. Chiếc xe chỉ dừng cách chỗ chị đang quét rác vài bước chân. May mắn lần đó anh Quất chỉ bị xây xát nhẹ nhưng điều ám ảnh nhất là cũng tại chỗ đó, sáng hôm sau 3 người đã chết vì bị một xe tải tông. Chấp nhận nguy hiểm để mưu sinh nhưng với khoản thu nhập 10 triệu đồng/tháng vừa phải lo cho 2 con ăn học vừa chăm lo cha mẹ chồng mất sức lao động khiến gia đình chị Triết luôn đối mặt với cảnh thiếu trước hụt sau. Vì vậy, hễ ai có việc gì cần, anh Quất lại nhận làm thêm để có thêm tiền trang trải cuộc sống, song công việc lúc có lúc không nên số tiền kiếm được chẳng đáng là bao.

Sớm ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình và sự vất vả của ba mẹ, đầu mỗi năm học, Thy không mè nheo đòi đồng phục mới mà tiếp tục mặc bộ đồng phục cũ từ năm học lớp 1 và cho biết chỉ bỏ đồng phục khi không còn mặc vừa nữa. Thy bảo: "So với ba mẹ, quần áo của chị em con nhiều hơn. Mẹ cũng như ba, chỉ có vài bộ quần áo mặc đi mặc lại mỗi ngày. Con biết không phải ba mẹ không thích mua quần áo đẹp mà muốn tiết kiệm tiền và dành tất cả điều tốt đẹp nhất cho con. Vì thế, con luôn cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người và chăm sóc cho ba mẹ".

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-8

Bài và ảnh: MAI CHI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/khong-dau-hang-nghich-canh-20180830214350799.htm