Khối trường ngành Công Thương: Hiệu quả lớn từ nghiên cứu khoa học

Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) trong các trường học không chỉ là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn góp phần tạo ra sản phẩm mới, cải tiến quy trình công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm áp dụng vào thực tế.

Nghiên cứu khoa học đã trở thành niềm đam mê của rất nhiều sinh viên

“Nở rộ” phong trào nghiên cứu

Ngành Công Thương có gần 50 trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề. Thời gian qua, một trong những “điểm sáng” từ khối trường ngành Công Thương là hoạt động nghiên cứu KH&CN của cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên đã phát triển đáng kể về số lượng và chất lượng, ở nhiều lĩnh vực đào tạo.

Chẳng hạn, tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, qua ghi nhận, số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, năm sau tăng hơn năm trước từ 20 - 30%. Hoạt động nghiên cứu khoa học của trường đã gặt hái những thành công đáng kể; doanh thu từ tư vấn, chuyển giao công nghệ hàng năm đạt gần 2 tỷ đồng. Nhà trường được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý về KH&CN như: Nhân tài Đất Việt 2012, Sao Khuê 2016…

Tương tự, Đại học Điện lực đã thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và cấp trường. Các kết quả nghiên cứu của cán bộ, giảng viên nhà trường đã được công bố thông qua hàng trăm bài báo KH&CN, trong đó phải kể đến 350 bài báo tiêu biểu đăng tại các tạp chí, hội nghị chuyên ngành uy tín quốc tế và trong nước.

Cùng đó, Đại học Sao Đỏ đã có 260 công trình được công bố trên các tạp chí KH&CN, hội nghị khoa học trong và ngoài nước; Đại học Nguyễn Tất Thành tiến hành hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm Việt Trì đã triển khai thực hiện 30 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và ký nhiều hợp đồng thực hiện sản xuất thử nghiệm…

Hiệu quả ứng dụng cao

Phong trào nghiên cứu khoa học ở các trường học đã góp phần tích cực cho việc phát triển và ứng dụng KH&CN của đơn vị; đồng thời, giúp chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao. Các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghiệp Hà Nội đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy ấp trứng gia cầm sử dụng năng lượng mặt trời áp dụng cho quy mô hộ gia đình và trang trại. Thiết bị này có quy mô 1.000 quả trứng/mẻ, làm việc hoàn toàn tự động theo nguyên lý năng lượng mặt trời tạo nguồn điện để cung cấp nhiệt, bên trong buồng ấp có các thiết bị cảm biến nhiệt độ, độ ẩm…, duy trì nhiệt độ buồng ấp từ 37,5 - 380C.

Hay sản phẩm công tơ điện tử của Đại học Điện lực đã được ứng dụng rộng rãi trong dân dụng và công nghiệp, trở thành sản phẩm thương mại trên thị trường Việt Nam. Sản phẩm này có giá thấp hơn khoảng 30% so với các sản phẩm tương tự do nước ngoài sản xuất, có độ chính xác cao, khả năng tự động tính toán giá cước theo chương trình được cài đặt, khả năng đọc thông số tự động từ xa, truyền số liệu về trung tâm và lưu trữ, góp phần giảm thiểu tiêu cực trong công tác ghi chỉ số, an toàn lao động và cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng.

Ngoài ra, có thể kể đến Công trình “Nghiên cứu sự ảnh hưởng của chế độ công nghệ hàn SMAW đến thành phần, cơ tính và khả năng chịu mài mòn của lớp đắp trên bề mặt trục vít ép đùn” của Đại học Sao Đỏ đã chuyển giao thành công cho Công ty Cổ phần Viglacera Đông Triều (Quảng Ninh); “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất giá thể hữu cơ sạch từ phế phụ liệu nông nghiệp phục vụ nhu cầu trồng hoa và rau sạch tại tỉnh Tiền Giang” của Đại học Nguyễn Tất Thành… Thành quả từ các nghiên cứu đã minh chứng sự thành công của việc gắn đào tạo lý thuyết với nghiên cứu khoa học và thực tế ứng dụng.

Khối các trường ngành Công Thương được đánh giá là đơn vị đào tạo hàng đầu về kỹ thuật công nghiệp, đồng thời là cơ sở nghiên cứu khoa học giàu tiềm năng.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khoi-truong-nganh-cong-thuong-hieu-qua-lon-tu-nghien-cuu-khoa-hoc-97228.html