Khởi tranh vòng loại U23 châu Á 2018: U23 Việt Nam và áp lực ngôi đầu

Với tư cách á quân của giải đấu, việc vượt qua vòng bảng với U23 Việt Nam là nhiệm vụ bắt buộc để hướng tới mục tiêu xa hơn, đó là suất tham dự Olympic Tokyo vào năm 2020. Nhưng với bóng đá trẻ, rất khó để nói trước điều gì.

Quang Hải và đồng đội trong một trận đấu của U23 Viêt Nam năm 2018

Quang Hải và đồng đội trong một trận đấu của U23 Viêt Nam năm 2018

Khó vì lá thăm nghịch

Trong lần thứ 4 tổ chức (bắt đầu vào năm 2013, sau đó là các năm 2016 và 2018), thay đổi lớn nhất của giải U23 châu Á lần này là gắn với vòng loại môn bóng đá nam Olympic Tokyo 2020 của khu vực. Theo điều lệ, 3 đội đứng đầu giải U23 châu Á năm sau sẽ giành quyền tham gia Olympic và nếu Nhật Bản, quốc gia đăng cai Thế vận hội 2020 vào đến bán kết, thì đội xếp thứ 4 cũng giành suất.

Chính vì vậy, vòng loại giải U23 châu Á năm nay nhận được sự quan tâm của các quốc gia trong khu vực. Theo đó, có đến 44 đội tuyển dự tranh được chia thành 11 bảng thi đấu theo 2 khu vực: Tây Á và Đông Á, chọn ra 11 đội nhất bảng cùng 4 đội hạng nhì có thành tích tốt nhất vào vòng chung kết tổ chức tại Thái Lan vào 1 năm sau.

Lịch thi đấu bảng K vòng loại giải vô địch
U23 châu Á 2020
Ngày 22/3:
- 17h00: U23 Thái Lan vs U23 Indonesia
- 20h00: U23 Việt Nam vs U23 Brunei
Ngày 24/3:
- 17h00: U23 Brunei vs U23 Thái Lan
- 20h00: U23 Indonesia vs U23 Việt Nam
Ngày 26/3:
- 17h00: U23 Indonesia vs U23 Brunei
- 20h00: U23 Việt Nam vs U23 Thái Lan
* Các trận đấu được tường thuật trực tiếp trên VTC1, VTC3, VTV5.

Tuy nhiên, vòng loại U23 châu Á 2020 trở nên rắc rối khi Thái Lan với tư cách chủ nhà được quyền vào thẳng vòng chung kết, nhưng vẫn thi đấu vòng loại ở bảng K cùng U23 Việt Nam, U23 Indonesia và U23 Brunei. Rắc rối hơn là nếu U23 Thái Lan nhất bảng, thì bảng đấu này cũng mất luôn 1 suất dự thẳng vòng chung kết.

Dài dòng như thế để thấy cái khó của U23 Việt Nam dù được đá vòng loại trên sân nhà Mỹ Đình. Để chắc suất tham dự vòng chung kết, thầy trò HLV Park Hang Seo đương nhiên phải chiếm ngôi đầu bảng K, đồng nghĩa với việc phải đánh bại cả 2 kình địch là U23 Thái Lan và U23 Indonesia lẫn chiến thắng trước đối thủ yếu hơn - U23 Brunei, thay vì phải bấp bênh với vị trí thứ 2 để so sánh với 10 bảng còn lại.

Và khó với dòng máu mới

Cũng bắt đầu từ giải U23 châu Á 2018, bằng một lứa cầu thủ tài năng mới, dưới sự dẫn dắt của ông thầy ngoại tài năng, bóng đá Việt Nam đã làm nên những kỳ tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Đầu tiên là ngôi á quân U23 châu lục, rồi đến suất chơi bán kết ASIAD đầu tiên và đỉnh cao là chức vô đich AFF Cup 2018. Gần nhất đội tuyển Việt Nam còn gây được ấn tượng mạnh khi vào đến tứ kết ASIAN Cup 2019.

Nhưng sân chơi trẻ với những quy định về lứa tuổi hoàn toàn khác với đội tuyển quốc gia. Cụ thể, lứa cầu thủ từng giành ngôi á quân U23 châu Á 2018 hiện chỉ còn lại 7 cái tên được HLV trưởng Park Hang Seo kết hợp cùng 16 cầu thủ ở lứa tuổi U22 để tạo ra một dòng máu mới.

Nhìn vào bản danh sách này, không khó để nhận thấy nhiều nỗi lo tiềm ẩn khi ông Park Hang Seo không thể có được những lựa chọn ưng ý nhất. Nếu những Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Văn Hậu, Hà Đức Chinh... đã được thử lửa ở mọi cấp độ suốt 1 năm qua, thì các gương mặt U22 chưa để lại nhiều ấn tượng, khi vừa thất bại tại giải vô địch U22 Đông Nam Á. Đó là còn chưa kể đến những trường hợp chấn thương đáng tiếc như của chân sút được nhiều kỳ vọng Tiến Linh.

Sự thiếu hụt về nhân sự, cộng với quá trình chuẩn bị khá gấp gáp sẽ tác động như thế nào tới chất lượng lối chơi của đội tuyển U23 Việt Nam? Đáp án cho câu hỏi sẽ có trong những ngày tới đây nhưng vẫn hi vọng, mọi chuyện sẽ diễn ra đúng như tuyên bố của nhà cầm quân người Hàn Quốc - Giành vé dự vòng chung kết và hướng tới suất tham dự Olympic Tokyo 2020.

Ngọc Minh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/khoi-tranh-vong-loai-u23-chau-a-2018-u23-viet-nam-va-ap-luc-ngoi-dau-101549.html