Khởi tố hình sự, kiên quyết loại ra khỏi ngành vụ cô giáo phạt học sinh 231 cái tát

Ngày 26/11, Đại tá Đoàn Thanh Tuyên, Trưởng Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết, cơ quan công an huyện đã khởi tố vụ án hình sự trong vụ cháu HLN bị phạt 231 cái tát.

Kiên quyết loại khỏi ngành giáo dục cô giáo chỉ đạo “làm nhục” học sinh

Theo Đại tá Tuyên, quyết định do ông ký khởi tố vụ án về tội hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS. Đại tá Tuyên cho biết quyết định khởi tố vụ án hình sự đã gửi sang VKSND cùng cấp chờ phê duyệt. Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã yêu cầu Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh Phan Mạnh Hùng báo cáo toàn bộ câu chuyện liên quan vì đây là sự việc chấn động cả nước. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết, đang làm quy trình đưa ra khỏi ngành cô giáo này.

Ngôi trường nơi xảy ra vụ bạo hành học đường.

Ngôi trường nơi xảy ra vụ bạo hành học đường.

Theo văn bản chỉ đạo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), trong ngày 26/11, Sở GD&ĐT Quảng Bình phải có báo cáo chi tiết bằng văn bản kết quả xử lý vụ cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo khi yêu cầu học sinh tát bạn 231 cái đến nhập viện.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình đã cung cấp thêm một số thông tin liên quan. Ông Nhân cho rằng, đây là sự việc rất đau lòng và gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới hình ảnh người giáo viên và của toàn ngành giáo dục. Cô Thủy đã có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo rất nghiêm trọng khi yêu cầu học sinh tát bạn 231 cái. Không một ai cho phép giáo viên có quyền được xử phạt, đối xử với học sinh theo cách bạo lực như vậy. "Hiện tại, chúng tôi đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT Quảng Ninh ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với cô Thủy. Trong thời gian này, Sở sẽ cùng với các đơn vị chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc này. Được biết, cơ quan Công an huyện Quảng Ninh đang vào cuộc điều tra vụ việc này, nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành khởi tố để xử lý theo quy định của pháp luật. Cô giáo này đã vi phạm cả Luật Viên chức cũng như đạo đức nhà giáo. Quy trình xử lý kỉ luật là thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh. Sau khi cơ quan Công an có kết quả điều tra, chúng tôi sẽ có ý kiến để đẩy nhanh quá trình xử lý. Quan điểm là sẽ xử lý thật nghiêm khắc để làm gương cho toàn đội ngũ, tuyệt đối không bao che sai phạm", ông Nhân cho hay.

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình, trong việc này, trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường cũng cần phải xem xét để xử lý, bởi đây không phải sự việc lần đầu xảy ra tại trường.

Trước đó một số em học sinh cho biết, cô Thủy cũng có cách xử phạt học trò nếu phạm lỗi với hình thức tương tự như vậy. Ngay trong ngày 26/11, Sở GD&ĐT Quảng Bình cử một đoàn kiểm tra về làm việc tại trường THCS Duy Ninh và Phòng Giáo dục Quảng Ninh. "Hiện tại cô Thủy đang trong thời gian nuôi con nhỏ mới 10 tháng tuổi. Quan điểm của Sở là phải kỉ luật và không thể cho cô Thủy tiếp tục đứng lớp để đảm bảo đúng quy định. Thời hiệu xem xét kỉ luật cô Thủy là 12 tháng", đại diện Sở Giáo dục Quảng Bình cho biết thêm.

Học sinh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về tâm sinh lý

Luật sư Đặng Văn Cường – trưởng đoàn Luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho rằng, giáo viên đến trường để truyền dạy kiến thức cho học sinh. Việc chỉ đạo các học sinh trong lớp tát bạn tới 231 cái, thực sự là một hình phạt khủng khiếp, sẽ khiến tất cả học sinh tham gia hình phạt trong lớp 6.2 và bản thân nam học sinh bị sợ hãi, ám ảnh về cách giáo dục của giáo viên. Các em đến trường để học tập, chỉ trao đổi kiến thức chứ không phải để chứng kiến và hứng chịu những hành vi bạo lực như thế. Trong khi cộng đồng, các nhà chức trách, các cơ quan ban ngành đoàn thể các cấp đều đang ngăn chặn những hành vi bạo lực, thì nữ giáo viên – một đại diện của ngành giáo dục lại lấy lý do "nóng tính", rồi "áp lực thi đua" để "Gieo mầm bạo lực" cho những đứa trẻ mới 11 tuổi. Điều đó thực sự nguy hiểm.

Về góc độ pháp luật, Luật sư Cường cho rằng, cô giáo Thủy có thể phải đối mặt với hành vi làm nhục người khác. Nếu tỉ lệ thương tích của học sinh N. được xác định từ 11% trở lên thì có thể khởi tố vụ án hình sự cố ý gây thương tích. Hành động tát thẳng tay có dấu hiệu của tội Hành hạ người khác. Nếu khởi tố cô giáo này với tội danh Hành hạ người khác thì sẽ rơi vào khoản 2 của điều Luật này, tức là có tình tiết tăng nặng. Đây là một bài học cho cô giáo này cũng như những cô giáo khác".

TS giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng - giảng viên khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, dù lý do gì đi chăng nữa thì việc phạt học sinh phải chịu tát một lúc với 231 cái cũng không thể chấp nhận được. Tình trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa. Ngoài những thầy cô giáo cố gắng kiên trì với nghề thì cũng có một số người nản lòng, đổ thừa lương thấp, không tương xứng với công sức bỏ ra thì không cần cố gắng. Một số người khác lại vin vào những đồng lương ít ỏi để cho rằng nghề này không coi trọng đúng mức nên họ không cần phải giữ gìn. Ngoài ra, thực tế cho thấy không ít người chọn nghề giáo vì họ không còn chọn lựa khác chứ không phải vì yêu nghề, mến trẻ. Nghề giáo là nghề đặc thù nhưng người làm nghề giáo chỉ xem đó như một nghề để kiếm cơm thì khó có được sự kiên nhẫn, trăn trở... trong quá trình giáo dục học sinh. “Tôi chỉ thắc mắc trong thời đại hiện nay, tất cả những vụ việc giáo viên bạo hành học sinh đều được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, chẳng lẽ các giáo viên không tiếp cận được, hoặc không tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình?”, TS Nguyễn Thị Bích Hồng trăn trở.

Để giảm thiểu những trường hợp đau lòng như vừa qua, theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, biện pháp cần làm ngay là ban giám hiệu các trường phổ thông cần rà soát lại ngay đội ngũ trong trường của mình, với những giáo viên thiếu kiểm soát thì phải kề cận họ, giúp đỡ họ nhiều hơn. Ban giám hiệu các trường cũng cần nhắc nhở thường xuyên trong hội đồng sư phạm và yêu cầu giáo viên áp dụng những biện pháp giáo dục mang tính nhân văn. Ngược lại cũng cần đưa ra những quy định chế tài ở cấp trường nếu giáo viên vi phạm.

Ngoài ra, nhà trường cần có những hoạt động giáo dục học sinh về quyền trẻ em, để các em hiểu quyền được bảo vệ thân thể của mình và không cho người khác xúc phạm. Ngay trong vụ học sinh bị 231 cái tát thì có em vừa khóc vừa đánh bạn. Đó là vì học sinh ấy hiểu được rằng làm như vậy là bất nhẫn. Nếu các em được giáo dục tốt, các em sẽ lên tiếng phản ứng với quyết định của cô giáo.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam.

BSCKII Lê Đào Nghĩa, Phó trưởng Khoa Nhi và Tâm lý lâm sàng (Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương – Hà Nội) cho biết, trường hợp của bé N. bị bạo hành nơi đông người, nhiều người cùng bạo hành sẽ khiến cho lòng tự trọng của đứa trẻ bị tổn thương rất lớn. Trẻ sẽ mất đi niềm tin vào những người xung quanh và môi trường trẻ đang sống. Trẻ không còn cảm thấy an toàn khi đến trường và mất niềm tin đối với người đang dạy dỗ trẻ. Đối với một đứa trẻ cô giáo vẫn là một thần tượng hoặc tâm gương để học tập. Khi trẻ bị bạn bè và cô giáo tát như vậy là một "sốc" tâm lý rất mạnh, ảnh hưởng tới trực tiếp đến trẻ ở thời điểm đó. "Sốc" tâm lý mạnh này thường kéo dài về sau vì nó có thể ăn sâu vào trí nhớ.

Nên tạm cách ly trẻ khỏi môi trường đã gây “sốc” tâm lý

Cách tốt nhất hiện nay là cách lý cháu với môi trường đã gây ra "sốc" tâm lý cho cháu. Về tâm lý cha mẹ cần phải ăn ủi vỗ về để tạo niềm tin và động lực cho con. Khi niềm tin ở trường bị sụp đổ để đứa trẻ có sự cân bằng gia đình cần phải có sự hỗ trợ. Trẻ cảm thấy vẫn còn nơi bình an để vượt qua "sốc" tâm lý. Nên nói với trẻ, tất cả mọi người đều có sai lầm con cũng có sai lầm, những người bạn của con cũng có sai lầm, cô giáo cũng có những sai lầm… Khi dạy trẻ về những sai lầm thì trẻ có thể tha thứ và sớm hòa nhập với cuộc sống. Nếu trẻ có những biểu hiện bất thường về tâm lý như ngủ kém, lo sợ, căng thẳng sợ hãi… thì cần phải đi khám tâm lý, thậm chí trẻ cần phải dùng đến thuốc điều trị.

Đồng quan điểm này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, những trẻ em bị bạo hành chắc chắn sẽ bị tổn thương lớn về mặt tâm lý, ngành giáo dục cần phải tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực học đường. Thay vì phải yêu thương, giáo dục học sinh thì giáo viên này lại dùng những học sinh khác trong lớp để bạo hành chính bạn của mình, gây tổn thương lớn về tâm lý của em học sinh bị tát cũng như các học sinh là bạn cùng lớp đã tát em. Làm nghề giáo thì phải gương mẫu hơn, phải yêu thương, kiên trì dạy dỗ các cháu chứ không thể cho mình là giáo viên thì có quyền nóng giận, đánh đập hoặc gây bạo lực cho học sinh.

Do đó, ngành giáo dục cần phải tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực học đường bằng cách thực hiện nghiêm túc Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường) và Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em). Vụ việc này không chỉ có vấn đề ở phương pháp sư phạm, đạo đức nghề giáo mà còn cho thấy tâm lý của giáo viên cũng bất thường. Vì vậy đề nghị ngành giáo dục đẩy mạnh các biện pháp về vấn đề tâm lý trong học đường cho cả giáo viên lẫn học sinh. Xa hơn nữa là hướng tới một môi trường giáo dục lành mạnh.

"Hành vi của cô giáo vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm đã được quy định tại Luật trẻ em 2016. Cùng với các hình thức kỷ luật theo quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo và Luật Viên chức, căn cứ mức độ tổn hại về thể chất, tâm lý của học sinh bị tát và các học sinh khác bị cô giáo bắt ép có hành vi bạo lực bạn học của mình, cơ quan điều tra và cơ quan chức năng khác có thể vào cuộc để xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật", ông Nam đề nghị.

Qua sự việc đáng tiếc xảy ra, rất nhiều ý kiến cho rằng, học sinh cần được dạy cách nói không với những yêu cầu không chính đáng của cô. Nếu tất cả các bạn đều biết về quyền trẻ em, đều mạnh dạn từ chối yêu cầu đánh bạn của cô thì sự việc sẽ không bị đẩy đi quá xa.

Chiều 26/11, Hội LHPN Việt Nam đã chính thức lên án hành vi của cô giáo chủ nhiệm trong vụ “Hành hạ người khác” xảy ra tại trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Việc cô giáo chủ nhiệm chỉ đạo 23 em học sinh tát vào mặt em N. là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hội LHPN VN đề nghị xử lý nghiêm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, dù nguyên nhân là gì thì việc cô giáo phạt tát học sinh là sai và hoàn toàn không chấp nhận được. Vì vậy, nhà trường phải xem xét và xử lý thật nghiêm.

KHÁNH VÂN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/cong-an-da-khoi-to-hinh-su-so-gddt-kien-quyet-loai-ra-khoi-nganh-d86078.html