Khởi tố cho vay nặng lãi: Tín hiệu tốt

Một nhóm cho vay nặng lãi bị khởi tố ở Phú Quốc, Kiên Giang, LS Trương Văn Tám nhận định đây là tín hiệu tốt.

Mới đây, Công an huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang cho biết, cơ quan này vừa khởi tố, bắt tạm giam 3 người để điều tra hành vi cho vay nặng lãi. Nhóm đối tượng bị khởi tố gồm Nguyễn Đình Hiếu (26 tuổi, ngụ Hà Nội), Hoàng Văn Trung (27 tuổi, ngụ Lạng Sơn) và Dương Phú Lễ (39 tuổi, ngụ Lạng Sơn). Nhóm đối tượng trên được xác định đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất cao gấp 5 lần trần lãi suất tối đa theo quy định, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Bị can Hoàng Văn Trung tại CQĐT - Ảnh do CQĐT Công an huyện Phú Quốc cung cấp. Ảnh: TTO

Theo LS Trương Văn Tám, hành vi cho vay nặng lãi được khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật khi xác định hành vi cho vay lãi nặng gấp 5 lần và có thu lợi bất chính trên 30 triệu đồng trở lên.

Cụ thể, quy định tại điều 468, Bộ Luật dân sự cho phép các bên thực hiện vay với mức lãi thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20% một năm (tương đương khoảng 1,66%/tháng). Còn tại điều 201, Bộ Luật Hình sự quy định với hình thức cho vay lãi nặng với lãi suất gấp 5 lần trở lên (cao hơn mức quy định tại điều 468 Luật Dân sự) và thu lợi bất chính từ 30 triệu trở lên là đủ cơ sở để khởi tố xử lý theo Luật Hình sự.

Thậm chí, nếu thu lợi bất chính dưới 30 triệu nhưng đối tượng đã có hành vi phạm pháp như từng bị xử phạt hành chính hoặc đã có tiền án... đều có thể khởi tố, xử lý hình sự.

"Trong trường hợp này, nhóm đối tượng trên được xác định đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất cao gấp 5 lần trần lãi suất tối đa theo quy định, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng thì hoàn toàn đủ cơ sở để khởi tố vụ án trên", LS Trương Xuân Tám phân tích.

Vị LS cho biết thêm, việc nhận diện và phát hiện các hành vi cho vay lãi nặng trái pháp luật không khó nhưng lại khá phức tạp.

Trên thực tế, ông cho biết có một số đối tượng hoạt động rất ngông nghênh, khi cho vay đã thực hiện thỏa thuận thẳng trong văn bản cho vay với con số cụ thể lãi suất bao nhiêu phần trăm trong một ngày và nhân lên với thời gian kéo dài thì có thể các đối tượng này đã thực hiện cho vay lãi nặng lên tới hàng trăm phần trăm trong một năm. Với những trường hợp này chỉ cần căn cứ vào số tiền vay, thời gian vay và mức lãi suất trả là đã xác định được ngay hành vi cho vay trên có vi phạm hay không.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không thể hiện trong văn bản mà thỏa thuận miệng, thậm chí những đối tượng cho vay nặng lãi còn yêu cầu người vay phải trả lãi qua trung gian, những trường hợp như vậy để xác định được chứng cứ là rất khó khăn.

Theo ông Tám, trong trường hợp này, các cơ quan chức năng chủ yếu phải dựa vào những nguồn tin tố cáo từ người dân, hoặc phải thu thập thông tin dựa trên những người làm chứng... nếu có đủ cơ sở cũng có thể khởi tố, yêu cầu xử lý hình sự.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Nhận định chung về hoạt động cho vay nặng lãi, LS Trương Xuân Tám cho biết, vay nặng lãi hay còn gọi là "vay tín dụng đen", là loại hình kinh doanh tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Bốn người trong gia đình treo cổ: Những lời trái ngược...

Vị LS cho biết, sự phát triển của loại hình tín dụng đen là do hình thức vay nhanh gọn, không cần thủ tục phức tạp, rườm rà, trong khi, người dân muốn vay ngân hàng thì phải trải qua quá nhiều khâu đoạn, thậm chí còn có tiêu cực, yêu cầu trích phần trăm mới được vay khiến nhiều người e ngại phải tìm đến tín dụng đen.

"Nhưng khi khó khăn lại gặp những khó khăn trong việc trả nợ khiến người vay luôn chìm ngập trong cảnh nợ nần, tình trạng siết nợ, đòi nợ cũng vì thế xảy ra nhiều hơn rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, nhiều thủ đoạn thu hồi nợ mang tính chất uy hiếp và khủng bố nạn nhân khi không trả nợ đúng hạn gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người lao động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, cần phải được xử lý", ông Tám nêu rõ.

Từ những phân tích trên, ông LS Tám cho rằng, việc siết chặt quản lý cho vay nặng lãi là rất cần thiết, bên cạnh đó, những cơ chế xử lý cũng phải thực hiện thật nghiệm nhằm răn đe, hạn chế các hoạt động ngầm có nguy cơ gây bất ổn cho xã hội.

"Lâu nay trong xã hội luôn tồn tại một quan niệm, cái gì đã là thỏa thuận thì ít bị xử lý hình sự. Quan niệm này cần phải được thay đổi. Vay nặng lãi đã được Luật pháp quy định rất cụ thể, nếu có hành vi sai trái thì cần phải khởi tố, xử lý thật nghiêm", ông Tám nói.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/lan-dau-tien-khoi-to-vay-nang-lai-tin-hieu-tot-3369459/