Khởi tố, bắt giam ông Tất Thành Cang: Không có vùng cấm… cái kết thế nào?

Việc khởi tố, bắt tạm giam để điều tra đối với ông Tất Thành Cang cho thấy sự 'Kiên quyết xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền…'. Vậy ông Cang sẽ bị xử lý như thế nào?

Không bất ngờ

Ngày 16/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA TP.HCM ban hành Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Tất Thành Cang - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2015- 2020). Các quyết định và lệnh đã được phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố.

Ông Tất Thành Cang bị khởi tố, bắt giam do có các dấu hiệu sai phạm liên quan việc phát hành cổ phiếu tại Công ty phát triển Công nghiệp Tân Thuận và Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). Quá trình điều tra, cơ quan công an nhận thấy các dấu hiệu và hành vi vi phạm của ông Tất Thành Cang đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm “vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Ông Tất Thành Cang nhận quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam để điều tra. Ảnh: SGGP

Ông Tất Thành Cang nhận quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam để điều tra. Ảnh: SGGP

Việc ông Cang bị khởi tố, bắt giam để điều tra các hành vi sai phạm liên quan vụ án trên dư luận không bất ngờ. Bởi trước đó, Thanh tra TP.HCM khi thanh tra hoạt động của Công ty Tân Thuận (IPC) đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan các vụ chuyển nhượng cổ phần có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, không đảm bảo lợi ích cổ đông của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Cụ thể, năm 2015, IPC có vốn sở hữu tại Công ty Sadeco là 44%. Tháng 6/2017, Công ty Sadeco đã chuyển nhượng cho Công ty Nguyễn Kim 9 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu vốn của Công ty IPC tại Công ty Sadeco từ 44% xuống 28,8%. Thanh tra TP.HCM cho rằng chỉ riêng phần thiệt hại về chênh lệch cổ phiếu đã lên tới 153 tỷ đồng.

Thời điểm đó, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang đã chấp thuận chủ trương để Văn phòng Thành ủy TP.HCM được biểu quyết chấp thuận phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại Sadeco, gây thiệt hại tiền của nhà nước.

Cuối năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Tất Thành Cang đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ TP.HCM. Sau đó, Ban chấp hành Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020.

Liên quan đến việc phát hành, bán 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là công ty Nguyễn Kim tại công ty Công ty SADECO, cùng với ông Tất Thành Cang, đến nay Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố tổng cộng 20 bị can trong vụ việc này và đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Một lần nữa, việc khởi tố, bắt tạm giam để điều tra đối với ông Tất Thành Cang cho thấy đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng : “Kiên quyết xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền…”.

Ông Tất Thành Cang đối mặt mức án nào?

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc khởi tố, bắt giam ông Tất Thành Cang để điều tra về một trong các tội danh về chức vụ có lẽ không bất ngờ với nhiều người, bởi trước đó ông này đã có kết luận là có vi phạm đến mức phải kỷ luật.

Theo kết luận của cơ quan chức năng, kết quả điều tra ban đầu cho thấy các dấu hiệu và hành vi vi phạm của ông Tất Thành Cang đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm “vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định như sau:

“1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Luật sư Cường cho rằng, để buộc tội ông Tất Thành Cang, cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh ông này được giao quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước nhưng đã có hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng trở lên.

Hành vi cấu thành tội phạm khi cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy ông Cang được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước nhưng do động cơ cá nhân hoặc do động cơ vụ lợi mà ông này đã vi phạm các quy định về chế độ quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên thì cấu thành tội phạm.

Trường hợp hành vi gây thất thoát lãng phí từ 1.000.000.000 đồng trở lên, ông Cang sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 10 năm đến 20 năm tù.

Ngoài hành vi sai phạm đã được cơ quan chức năng chỉ rõ, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những nội dung đơn thư tố cáo, tố giác liên quan đến hành vi sai phạm của ông này, đặc biệt là các sai phạm liên quan đến các dự án trong thời gian ông này còn giữ chức vụ lãnh đạo tại UBND TP Hồ Chí Minh.

Về nguyên tắc, sai phạm đến đâu phải xử lý đến đó, hành vi nào cấu thành tội phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những hành vi sai phạm có tổ chức, có đồng phạm phải xử lý tất cả những người có liên quan theo quy định pháp luật.

Luật sư Cường cho rằng, đây chỉ là khởi đầu của một vụ án hình sự, trong quá trình điều tra cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng hành vi vi phạm, mỗi hành vi vi phạm mà thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội danh nào sẽ xử lý hình sự về tội danh đó. Có hành vi vi phạm không cấu thành một tội độc lập có thể xác định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Với những hành vi phạm tội có chức vụ thường sẽ có đồng phạm, có người chủ mưu, người giúp sức, người xúi giục. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để cùng xử lý trong vụ án này.

Ngoài ra nếu phát hiện ra những sai phạm đối với những nhiệm vụ khác, các dự án trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của vị cựu lãnh đạo này, cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Hi vọng, quan điểm chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý nghiêm minh sẽ được thực hiện triệt để, nhằm lấy lại niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước. Hoạt động tố tụng kịp thời, công minh, đúng pháp luật sẽ loại bỏ những cán bộ kém phẩm chất, kém năng lực, gây thiệt hại thất thoát cho nhà nước và làm giảm sút niềm tin của người dân đối với chính quyền.

Mời độc giả xem video Ông Tất Thành Cang bị khởi tố, bắt giam:

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/khoi-to-bat-giam-ong-tat-thanh-cang-khong-co-vung-cam-cai-ket-the-nao-1475170.html