Khơi thông xuất khẩu cho ngành dệt may

Đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến; chủ động nguồn nguyên liệu trong nước với xuất xứ rõ ràng; tận dụng các hiệp định thương mại để xuất khẩu… chính là những giải pháp để doanh nghiệp ngành dệt may trong nước vượt qua những khó khăn trong thời gian tới.

Doanh nghiệp dệt may tham quan, tìm hiểu máy móc hiện đại để nâng giá trị sản phẩm tại triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may-thiết bị và nguyên phụ liệu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Doanh nghiệp dệt may tham quan, tìm hiểu máy móc hiện đại để nâng giá trị sản phẩm tại triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may-thiết bị và nguyên phụ liệu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trái ngược với sự khởi sắc nửa đầu năm 2022 khi đơn hàng dệt may dồn dập, doanh nghiệp làm việc xuyên đêm cho kịp tiến độ thì hiện nay, gần như mọi hoạt động đang chững lại khi nguyên liệu tăng giá, đầu ra ở nhiều thị trường xuất khẩu chính đều bị nghẽn. Tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean (thành phố Thủ Đức), không khí lao động vẫn nhịp nhàng khi công nhân liên tục hoàn thành sản phẩm cho đơn hàng chuẩn bị xuất đi Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc công ty Phạm Văn Việt vẫn bộn bề lo lắng cho những tháng kinh doanh sắp tới. "Khi dịch bệnh xuất hiện, doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu; sau khi nguồn cung nguyên liệu ổn định thì doanh nghiệp lại gặp khó về đầu ra. Theo thống kê, việc xuất khẩu dệt may vào châu Âu, Mỹ đang giảm từ 30% đến 40%; đồng thời sắp tới, thị trường Nhật Bản cũng sẽ giảm mua và dự báo giảm mạnh vào quý I/2023. Trước tình hình nêu trên, nhiều doanh nghiệp trong ngành phải cắt giảm hoạt động sản xuất xuống còn năm buổi/tuần, khả năng sắp tới cắt giảm còn ba, bốn buổi/tuần", ông Việt cho hay.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Minh Vũ, tình hình tiêu dùng tại một số thị trường suy giảm do lạm phát tăng cao ở các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU... Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của xung đột Nga-Ukraine khiến nguyên phụ liệu đầu vào trong ngành dệt may tăng cao. Nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 bởi những biến chủng mới vẫn đang hiện hữu ở nhiều quốc gia và trên toàn cầu. Cùng với đó, những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản... vẫn đang áp dụng biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam. Đáng chú ý, ngành dệt may cũng bị ảnh hưởng do biến động tỷ giá trong hoạt động xuất khẩu, tình trạng thiếu lao động sau dịch bệnh..., cũng như những yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi và xanh hóa dệt may từ hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đồng quan điểm, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Trưởng Văn phòng đại diện VITAS tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai thông tin: Ngành dệt may còn đang đối mặt với những thách thức như thiếu vải, chưa chủ động nguồn nguyên phụ liệu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong ngành cũng thiên về xuất khẩu với tỷ lệ khoảng 80%, chưa chú trọng thị trường nội địa và chưa bán B2C (mô hình kinh doanh, sử dụng riêng trong lĩnh vực thương mại điện tử); dệt may còn làm gia công nhiều với tỷ lệ 60%, FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán) khoảng 25%-30%, ODM (nhà sản xuất thiết kế gốc) khoảng 9%. "Ngoài ra, logistics của ngành cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu container rỗng, giá cước tăng cao và phụ thuộc vào các hãng tàu. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 80% toàn ngành nên hạn chế tiếp cận vốn để đầu tư chuyển đổi và đầu tư sản xuất xanh", bà Mai nhìn nhận.

Trước những khó khăn tiếp nối, để tự cứu mình, doanh nghiệp dệt may chỉ còn cách kiểm soát chi phí đầu vào bằng việc tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ; nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn của nhãn hàng, nhu cầu thị trường để đầu tư có chọn lọc, không đầu tư dàn trải. Riêng các doanh nghiệp trong nước vốn có nội lực yếu có thể liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác để mở rộng quy mô, tự chủ sản xuất, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu. Để doanh nghiệp ngành dệt may có thêm cơ hội mở rộng thị trường tìm kiếm đối tác, nâng cấp công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu cao của các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), giữa tuần qua, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may-thiết bị và nguyên phụ liệu. Tại đây, hàng trăm loại máy móc hiện đại, thiết bị phụ liệu của nhiều quốc gia đã tiếp thị đến doanh nghiệp dệt may Việt Nam; đồng thời đối tác từ các nước cũng tìm hiểu doanh nghiệp Việt đặt vấn đề hợp tác. Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công thương, ông Lê Hoàng Tài khẳng định: Dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Ngành này không chỉ đóng vai trò là ngành sản xuất công nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu cao, mà góp phần ổn định an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động. Hiện tại, ngành dệt may đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 40 tỷ USD, thu nhập trung bình của lao động trong lĩnh vực dệt may khoảng 3.800 USD/người/năm. Tuy nhiên, ông Tài cho rằng, kim ngạch xuất khẩu dệt may dù cao nhưng giá trị gia tăng còn ở mức thấp, ngành chưa chủ động được nguyên phụ liệu, chưa đáp ứng được các công đoạn thượng nguồn chuỗi cung ứng mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng thấp hơn các nước trong khu vực, trình độ công nghệ ở mức trung bình khá. "Ngành dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Đặc biệt, tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất", ông Tài nhấn mạnh.

Bài và ảnh: PHƯƠNG VY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khoi-thong-xuat-khau-cho-nganh-det-may-post708348.html