Khơi thông sông Cổ Cò: Mở lối phát triển đô thị Điện Bàn và các dự án ven biển

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, sau khi khơi thông, sông Cổ Cò sẽ có tác dụng kích thích cho sự phát triển đô thị và du lịch ở khu vực lân cận như khu đô thị Điện Bàn (thuộc Điện Nam - Điện Ngọc) và các dự án du lịch ven biển Điện Bàn, Hội An, Đà Nẵng bởi vì các đô thị hiện đại, các đô thị đẹp thường có xu hướng bám theo dòng sông.

Khơi thông sông Cổ Cò: Mở lối phát triển đô thị Điện Bàn và các dự án ven biển

Khơi thông sông Cổ Cò: Mở lối phát triển đô thị Điện Bàn và các dự án ven biển

Dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò bắt đầu chuyển động từ năm 2003, khi Công ty Tư vấn giao thông đường thủy (thuộc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế, Bộ GTVT) tổ chức khảo sát và lập dự án sau khi chính quyền hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng ngồi lại tìm giải pháp tháo gỡ cho con sông nhiều thăng trầm này.

Tuy nhiên, đến tận năm 2019, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam mới tiếp cận được các nguồn vốn để thực hiện chủ trương khơi thông sông Cổ Cò.

Nhiều chuyển biến trong công tác tổ chức thi công đang được thực hiện, mở ra thời cơ mới cho dòng sông Cổ Cò hồi sinh. Theo đó, dự án khơi thông sông Cổ Cò có tổng chiều dài 28km, gồm nạo vét lòng sông, trên tuyến sông xây dựng 15 cầu và quy hoạch kiến trúc cảnh quan dọc hai bên bờ sông.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã bố trí 178,7 tỷ đồng để nạo vét đoạn sông qua Đà Nẵng dài 8,3km và xây dựng 3 cầu.

Đoạn sông qua tỉnh Quảng Nam dài 19,7km, xây dựng 12 cây cầu với tổng mức đầu tư hơn 1.230 tỷ đồng được chia làm 2 đoạn từ Km0 đến Km14+00 và Km14 đến Km19+500 đã được triển khai lập quy hoạch kiến trúc cảnh quan dọc hai bên bờ sông phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông, du lịch và quy hoạch chung của 2 địa phương.

Trên toàn tuyến sông Cổ Cò còn tồn tại ba đập ngăn mặn chưa được phá dỡ do chưa giải quyết được quá trình xâm nhập mặn vào nhà máy nước Cầu Đỏ (thành phố Đà Nẵng) và ảnh hưởng 227ha đất sản xuất nông nghiệp tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam).

Hai địa phương cùng thống nhất tiếp tục phối hợp thực hiện dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò để phát triển du lịch, văn hóa xã hội và đô thị; phối hợp giải quyết vấn đề nhiễm mặn nước sông Cầu Đỏ ở Đà Nẵng khi tháo dỡ đập Hà My trên sông Cổ Cò ở Quảng Nam.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết việc khơi thông sông Cổ Cò có rất nhiều ý nghĩa.

Thứ nhất, khơi thông sông Cổ Cò sẽ kết nối hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam. Vì Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, Hội An là một đô thị cổ và sông Cổ Cò đi ngang qua vùng thị xã Điện Bàn là vùng đô thị biển. Do đó, dự án này sẽ hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch đường sông.

Thứ 2, khi khơi thông sông Cổ Cò, sẽ tạo thêm giao thông đường thủy, phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa, đi lại, giảm tải cho đường bộ.

Thứ 3, dự án hoàn thành sẽ tăng cường khả năng thoát lũ khu vực phía Đông của thị xã Điện Bàn. Khu vực này sẽ có cơ hội thoát lũ về hai cửa sông Thu Bồn và sông Hàn nhanh hơn.

Thứ 4, sau khi khơi thông sẽ có tác dụng kích thích cho sự phát triển đô thị và du lịch ở khu vực lân cận như khu đô thị Điện Bàn (thuộc Điện Nam - Điện Ngọc) và các dự án du lịch ven biển Điện Bàn, Hội An, Đà Nẵng bởi vì các đô thị hiện đại, các đô thị đẹp thường có xu hướng bám theo dòng sông.

Sông Cổ Cò không quá dài và chảy song song với biển theo hướng Bắc - Nam, không chảy xiết, chỉ phụ thuộc vào chế độ thủy triều của hải cửa sông (sông Hàn và sông Thu Bồn) nên sông Cổ Cò rất bình yên.

Mặt sông Cổ Cò cũng không quá rộng (từ 90-150m) nên dễ dàng tổ chức không gian kiến trúc đỡ tốn kém; không gian kiến trúc hòa quyện, gắn kết với nhau, không bị loãng bởi dòng sông nhỏ. Do đó, hiện nay đang có nhiều dự án đô thị và du lịch ôm dọc theo sông Cổ Cò, kết hợp hài hòa và độc đáo giữa biển và sông.

Thứ 5, khi dòng sông Cổ Cò được khơi thông, sẽ trả lại giá trị về văn hóa, lịch sử của dòng sông. Sông Cổ Cò trước đây có tên Lộ Cảnh Giang, một thời dòng sông này có tiếng tăm ở miền trong. Sau đó, do nhiều yếu tố nên bị bồi lấp, giờ được khơi thông sẽ mang lại các giá trị lịch sử và văn hóa của thương cảng ngày xưa, trong đó có thương cảng Hội An.

Cùng đó, để đồng bào người Chăm dễ đi lại trên sông. Đã có những di tích của đồng bào Chăm được trục vớt và đưa vào các bảo tàng tại TP. Hội An. Do đó, khơi thông sông Cổ Cò là khơi dòng khát vọng để phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng và Quảng Nam.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho rằng đối với Đà Nẵng và Quảng Nam, dự án khớp nối sông Cổ Cò có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đó là vừa xây dựng đô thị mới, hình thành mối liên kết vùng vững chắc, vừa dịch chuyển mạnh nền văn hóa du lịch lên những con sông. Dòng chảy vô hình này đồng thời đem đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế giữa một bên là áp lực mà đô thị cổ Hội An đang cần được chia sẻ, một bên là đô thị mới Đà Nẵng đang muốn bứt phá.

Theo định hướng phát triển, sông Cổ Cò có vai trò quan trọng không chỉ về mặt cảnh quan mà còn thúc đẩy phát triển đô thị, du lịch nghỉ dưỡng. Nhiều khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, biệt thự ven sông, làng du lịch cộng đồng sẽ sớm được hình thành dọc theo 28km đường sông.

Như vậy, các chủ đầu tư cũng có cơ hội để thúc đẩy thị trường này và tạo ra những sản phẩm chất lượng. Những đô thị có quy hoạch hạ tầng, tiện ích đồng bộ, kiến trúc độc đáo, dựa vào dòng sông sẽ mở ra cơ hội kinh doanh du lịch, lưu trú, quảng bá văn hóa đầy tiềm năng.

Từ thực tế đó, tạp chí Nhà đầu tư cùng với sự phối hợp của UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức hội thảo: "Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng" vào chiều nay (8/1) diễn ra tại Quảng Nam.

Lệ Chi

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/khoi-thong-song-co-co-mo-loi-phat-trien-do-thi-dien-ban-va-cac-du-an-ven-bien-20180504224248098.htm