Khơi thông nguồn vốn bằng trái phiếu

Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thay thế Nghị định 90/2011, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN huy động vốn, từng bước mở rộng quy mô của thị trường TPDN, giảm gánh nặng huy động vốn cho kênh tín dụng ngân hàng (NH).

ĐTTC đã trao đổi với TS. BÙI QUANG TÍN (ảnh), CEO Trường DN Bizlight, về các giải pháp thúc đẩy thị trường TPDN phát triển, trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định như thế nào về sự khác biệt giữa huy động vốn qua thị trường chứng khoán (TTCK) và huy động vốn qua kênh NH?

TS. BÙI QUANG TÍN: - Hiện có 4 kênh cung cấp vốn vay cho DN, gồm TTCK, NH, công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư. Xét về chức năng, kênh hỗ trợ vốn trên TTCK, quỹ đầu tư cung cấp vốn trung và dài hạn, các NHTM cung cấp vốn ngắn hạn.

Tuy nhiên, tại Việt Nam sự hỗ trợ vốn của 3 kênh chưa hiệu quả nên cả vốn ngắn, trung và dài hạn của DN đều phụ thuộc các NHTM. Cụ thể, các NH cung cấp trên 75% nhu cầu vốn hoạt động của DN. Trong khi đó, huy động vốn TTCK chỉ chiếm khoảng 15%, số còn lại đến từ các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư. Lâu nay, các DN cũng chuộng kênh vốn từ NH bởi thủ tục hỗ trợ vốn đơn giản hơn, trong khi gọi vốn từ 3 kênh còn lại đòi hỏi thủ tục phức tạp và chi phí cao hơn.

Nghị định 163 của Chính phủ về phát hành TPDN đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho DN. Nhiều DN đã phát hành thành công TPDN với lãi suất chỉ 9,5-10%/năm, thấp hơn so với lãi vay 10-12%/năm của NH. Do đó, những DN đáp ứng được điều kiện nên tính toán phát hành TPDN.

Nếu các DN chuyển hướng huy động vốn từ kênh này, gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế của các NH cũng sẽ giảm. Hơn nữa, hiện ngành NH đang tuân thủ các quy định về an toàn vốn nên chủ yếu đáp ứng dòng vốn ngắn hạn cho DN, không thể đáp ứng được nhu cầu vốn trung và dài hạn.

- Việc phát hành TPDN đã qua giai đoạn khó khăn, thưa ông?

- Việc phát hành TPDN đã qua giai đoạn khó khăn, thưa ông?

- Có thể nói, điều kiện phát hành TPDN đã thông thoáng hơn trước, song cũng còn có một số rào cản. Cụ thể, các DN đang tích cực huy động vốn từ TTCK thông qua các hình thức như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, thủ tục phát hành TPDN để huy động vốn cũng gặp nhiều khó khăn kể cả sau khi được sửa đổi.

Đầu tiên là thủ tục công bố thông tin. Để huy động vốn bằng TPDN thông qua phát hành riêng lẻ, yêu cầu về mức độ công bố thông tin rất đa dạng, vượt quá khả năng đáp ứng của DN. Thí dụ, DN muốn huy động vốn qua hình thức riêng lẻ, số lượng nhà đầu tư (NĐT) không được vượt quá 100, không kể NĐT chứng khoán chuyên nghiệp.

Như vậy, trường hợp NĐT tham gia đợt phát hành riêng lẻ chưa đáp ứng được số lượng vốn theo yêu cầu, DN sẽ không được tiếp cận với NĐT khác ngoài 99 NĐT đang mua TP của DN. Ngoài ra, DN muốn phát hành TPDN phải đáp ứng quy định không có những khoản nợ không thanh toán hoặc thanh toán không đủ trong vòng 3 năm liền kề trước thời điểm phát hành riêng lẻ.

Khó khăn nữa là theo quy định, DN phát hành phải được kiểm toán bởi những tổ chức được chấp thuận thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị, có lợi ích công chúng theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập.

Song hiện mới có 35 công ty kiểm toán đủ điều kiện này, trong khi số lượng công ty niêm yết và công ty đại chúng lên đến 3.000 DN. Theo đó, việc đáp ứng yêu cầu có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán tại những công ty kiểm toán đủ điều kiện cũng sẽ gặp khó khăn.

Điểm tích cực là Nghị định 163 đã bỏ quy định DN phải có lãi 5 năm liền kề mới được phát hành TPDN. Vì thực tế một số DN có thể 2-3 năm chưa có lãi nhưng có phương án hiệu quả, có dòng tiền trả nợ hoặc có những cách thức, tài sản đảm bảo cho quá trình phát hành, vẫn có thể đảm bảo được việc phát hành TPDN.

- NĐT cá nhân đã bắt đầu quan tâm đến sản phẩm TPDN. Theo ông, cần có thêm giải pháp gì để tăng độ hấp dẫn của TPDN đối với các NĐT này để thị trường TPDN phát triển ổn định và bền vững?

- Trước đây, NĐT cá nhân ít tham gia mua TPDN vì thông tin về DN rất thiếu, trong khi phát hành TPDN không có tài sản thế chấp, khiến họ khó thẩm định được hồ sơ của DN phát hành. Còn theo quy định hiện nay, các DN muốn phát hành TPDN riêng lẻ phải đáp ứng được các yêu cầu về công bố thông tin. Đó là điểm tích cực.

Tuy nhiên, có một thực tế là thông tin được DN công bố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu NĐT mong muốn tiếp cận để quyết định đầu tư. Nghĩa là cung - cầu thông tin giữa DN và NĐT chưa gặp nhau. Đây là rào cản cần được tháo gỡ, giúp NĐT tiếp cận được thông tin đầy đủ của DN.

Song song đó, tương tự như tiền gửi tiết kiệm của NH, sản phẩm TPDN phải được đa dạng hóa với nhiều kỳ hạn, hình thức trả lãi, thậm chí những TPDN đó có thể chuyển thành cổ phiếu, được cầm cố thế chấp với các điều kiện ưu đãi, có sự đảm bảo của bên phát hành TPDN… Những ưu đãi này cần được áp dụng để thu hút sự quan tâm của NĐT riêng lẻ.

- Xin cảm ơn ông.

Để thị trường TPDN phát triển cần có công ty định giá uy tín chấm điểm tín nhiệm DN, giúp NĐT nhận định được mức độ rủi ro của từng DN để đưa ra quyết định đầu tư. Ngoài sự thông thoáng của Nghị định 163, các DN cũng cần sự hỗ trợ từ Nhà nước để tạo ra một thị trường thứ cấp giao dịch TPDN, đảm bảo trái phiếu phát hành có thanh khoản cao, từ đó thu hút được nhiều thành phần tham gia mua TPDN.

Yên Lam (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/khoi-thong-nguon-von-bang-trai-phieu-64673.html