Khơi thông nguồn vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp

Với quy mô tín dụng ngân hàng (NH) lên tới 130% GDP, nhiều chuyên gia cho rằng để tránh sự lệ thuộc vào kênh NH, quan trọng nhất phải có giải pháp đồng bộ hóa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trước hết phải phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Loanh quanh vốn NH
Theo chuyên gia tài chính NH Nguyễn Thị Mùi, dù NHNN đã có những giải pháp điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng từ năm 2016, nhưng đến nay vốn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu từ kênh tín dụng NH. Trong khi đó, quy mô thị trường TPDN còn quá nhỏ bé.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, quy mô thị trường TPDN đã phát triển khá mạnh, dư nợ của thị trường này từ 3,21% GDP năm 2011 đã tăng đến 6,19% GDP vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, nếu so với quy mô dư nợ tín dụng NH lên tới 130% GDP, việc tăng này quá nhỏ bé.

Nếu không phát triển thị trường TPDN để khơi thông nguồn vốn phát triển cho doanh nghiệp, cho kinh tế tư nhân, chúng ta sẽ chậm chân và rơi vào chu kỳ đi xuống của thế giới. Doanh nghiệp lại rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu vốn.

Ông Vũ Bằng ,
nguyên Chủ tịch UBCKNN

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các NH và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), chia sẻ hiện nay hệ thống NH cung ứng 85% vốn cho nền kinh tế; tài sản của hệ thống NH chiếm đến 96% tài sản của khu vực tài chính; dư nợ tín dụng đến nay bằng 130% GDP. Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài chính rất quyết tâm phát triển thị trường vốn, thị trường TPCP và TTCK đã có những bước phát triển mạnh mẽ, về đích sớm hơn chiến lược đặt ra.

Tuy nhiên, kênh huy động vốn đắc lực của doanh nghiệp thay vì phải đi vay NH là TPDN hiện nay chiếm chưa đến 7% GDP. Nếu trừ vốn do các NHTM huy động cấp vốn, quy mô thị trường TPDN chỉ khoảng 1,7% GDP, rất thấp và hầu như chưa có gì.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN, chức năng chính của TTCK hiện nay là huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Trong khi đó, việc cung ứng vốn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn tập trung ở hệ thống NH. Để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, đòi hỏi sự cân đối hơn giữa cung ứng vốn của hệ thống NH và chứng khoán. Hiện nay trong các nước ASEAN, TTCK cung ứng cho phát triển kinh tế khoảng 60-70% vốn. Vấn đề đặt ra thời gian tới là làm sao phải phát triển TTCK để thực sự đây là kênh huy động vốn trung và dài hạn.

Phát triển thị trường TPDN
Theo ông Dương, việc quá phụ thuộc vào kênh tín dụng NH sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn là nợ xấu tăng cao, trong khi chúng ta đang trong giai đoạn dọn dẹp nợ xấu của nền kinh tế, rồi bất ổn về kỳ hạn khi dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Tuy nhiên, việc phụ thuộc này cũng có nguyên nhân do yếu tố lịch sử, khi hệ thống NH đã phát triển 70 năm còn thị trường tài chính mới 20 năm.

Về chính sách, hiện nay cũng có những quy định thiếu công bằng. Thủ tục vay vốn NH đơn giản hơn so với việc phải công bố thông tin công khai minh bạch khi doanh nghiệp muốn huy động vốn bằng phát hành trái phiếu. Thực tế này cũng liên quan đến cơ sở NĐT khi các công ty bảo hiểm chỉ đầu tư vào TPCP, chưa lựa chọn doanh nghiệp tín nhiệm cao để mua trái phiếu. Ngoài ra cũng phải kể đến cơ sở hạ tầng cho TPDN chưa phát triển, chưa có nơi cung cấp thông tin về thị trường TPDN.

Để khắc phục những hạn chế trên, ông Dương cho biết Bộ Tài chính đang đề nghị sửa nghị định về TPDN với những quy định nới lỏng hơn, tập trung vào đối tượng là NĐT có tổ chức, không phải NĐT cá nhân. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đang dự thảo Luật Chứng khoán thế hệ 2 và bổ sung quy định về phát hành TPDN. Trong đó có những điều khoản liên quan đến định mức tín nhiệm, giúp NĐT có công cụ để ra quyết định bỏ vốn.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã cho phép mở rộng kênh đầu tư của Quỹ Bảo hiểm xã hội, không chỉ đầu tư vào các tài sản là TPCP. Nếu làm được điều này, cùng với NĐT có tổ chức khác, sẽ là nguồn cầu đầu tư lớn với trái TPDN. “Chừng nào chính sách tín dụng NH còn nới lỏng, còn cho phép sử dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn để đầu tư vào trái phiếu, đầu tư vào các công cụ dài hạn, còn nới lỏng giới hạn tín dụng với khách hàng trên mức quy định 15%, chừng đó doanh nghiệp sẽ vẫn lựa chọn kênh nào dễ hơn và cần vốn là nghĩ đến NH” - ông Dương nhận định.

Còn theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, tái cấu trúc thị trường tài chính phải làm sao doanh nghiệp tìm vốn trên thị trường vốn, để người dân đưa tiền vào doanh nghiệp qua thị trường vốn hơn là gửi NH. Như vậy sẽ bớt đi định chế trung gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp và hệ thống NH không phải làm hết như hiện nay.

“Các NH Việt Nam đang vừa hoạt động trên thị trường tiền tệ, vừa tham gia thị trường trái phiếu, như thế rủi ro là bình thường, không rủi ro mới là lạ” - TS. Lịch nói và cho rằng cần tạo ra công cụ đầu tư để người dân tin tưởng đưa tiền vào quỹ, đừng để nhà nhà đi kinh doanh bất động sản. Có quỹ đầu tư dân sẽ bỏ tiền. Muốn đầu tư phải có công cụ và chính các công cụ mới huy động được nguồn vốn từ dân, từ đó phát triển thị trường vốn.

Quang Minh

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/khoi-thong-nguon-von-bang-trai-phieu-doanh-nghiep-61727.html