Khơi thông nguồn lực 'tam nông'

Sau 10 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết 26 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã khẳng định tính đúng đắn, tính khoa học, kịp thời và hợp lòng dân.

Thành tựu to lớn của chủ trương mang tầm chiến lược đối với một khu vực chiếm gần 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động của cả nước thể hiện ở những con số: Tăng trưởng GDP bình quân của toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 2,66%/năm trong giai đoạn 2008-2017, năng suất tăng 6,48%/năm, giá trị sản xuất đạt 90,1 triệu đồng/ha đất trồng trọt và thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng từ 9,15 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017...

Có thể khẳng định, Nghị quyết 26 làm chuyển mình và phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp, làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, giàu đẹp hơn.

Vai trò chủ thể của người nông dân ngày càng được khẳng định, đời sống của đại bộ phận người dân nông thôn được nâng lên. Đến nay, cả nước có 3.069 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã; 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

“Trong thập kỷ tới hay một vài thập kỷ tới đây, Việt Nam đứng ở đâu? Chúng ta đứng trong tốp 15 nước về nông nghiệp được không?” - Câu hỏi của Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, cũng chính là nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương phải nhận diện thật rõ cơ hội và thách thức để đề xuất định hướng chiến lược “tam nông” trong tình hình mới. Trong đó, kịp thời đổi mới tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp và hội nhập sâu rộng là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tư duy chậm trễ dẫn tới không có hành động kịp thời, cản trở sự phát triển của đất nước trong đó có nông nghiệp, nông thôn (NN&NT).

Thực tế, những thành công trong tái cơ cấu quyết liệt nông nghiệp chưa đáp ứng được mục tiêu, kỳ vọng Nghị quyết 26 đặt ra. Chúng ta vẫn chưa giải quyết thấu đáo một nghịch lý: Nông nghiệp là một trụ cột của nền kinh tế nhưng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp rất thấp; huy động vốn tín dụng vào NN&NT vẫn hạn chế. Số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp.

Chính vì sự đầu tư kiểu “chân cao, chân thấp” nên sản xuất nông nghiệp còn nhiều bấp bênh, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn và nâng cao tính cạnh tranh. Năm 2018, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 40 tỷ USD. Tuy nhiên, đóng góp của nông nghiệp cho GDP quốc gia chỉ đạt 17%. Con số khiêm tốn này phản ánh việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao chưa tạo ra đột phá để nâng cao giá trị gia tăng; kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến, bao tiêu sản phẩm còn hạn chế, nên 90% hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu là thô, chưa qua chế biến và phổ biến tình trạng “được mùa rớt giá”.

Đảng ta đã xác định giải quyết vấn đề “tam nông” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhưng để nông nghiệp đi lên cùng công nghiệp, nông thôn đi lên cùng đô thị và nông dân đi lên cùng với các thành phần khác trong xã hội, cần tiếp tục xác định rõ tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp, nội lực làm trụ đỡ ổn định xã hội là nông dân. Theo đó, NN&NT cần được đầu tư nguồn lực xứng đáng hơn cho phát triển; tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững; nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng NN&NT; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Để khơi thông nguồn lực “tam nông”, trước hết, Đảng, Nhà nước phải cùng với nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong NN&NT. Chỉ khi khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, sáng tạo, vươn lên của nông dân và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong sản xuất, chắc chắn kinh tế - xã hội đất nước sẽ có những đột phá và thành tựu mới.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khoi-thong-nguon-luc-tam-nong/