KHƠI THÔNG MẠCH NGUỒN ĐẠO ĐỨC VIÊN CHỨC

Làm thế nào để chọn được viên chức có năng lực, có đạo đức, có văn hóa trong ứng xử với nhân dân, biết trọng dân, gần dân, vì dân? Làm thế nào để loại bỏ dần những kẻ cơ hội, yếu kém, chây ỳ, ngại đổi mới?

Những câu hỏi khó suốt bao năm qua bước đầu đã có lời giải khi mà tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong đó nội dung được dư luận quan tâm: Đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 1-7-2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

 Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ảnh: HNM

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ảnh: HNM

Hiểu nôm na việc sửa đổi, bổ sung này sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chế độ biên chế suốt đời đối với viên chức. Điều này, vừa tránh được tình trạng chây ỳ, lười đổi mới, vừa nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng đội ngũ viên chức trong các cơ sở giáo dục và các cơ quan hành chính sự nghiệp. Quyết định xóa bỏ "viên chức suốt đời" quan trọng hơn giúp xóa bỏ tư tưởng "chạy" bằng được để vào biên chế. Và khi “ấm chỗ” thì nảy sinh tâm lý "trung bình chủ nghĩa", không có chí tiến thủ. Thực tế kéo dài nhiều năm là dù mức lương trong biên chế thấp nhưng một bộ phận viên chức vẫn chấp nhận làm việc theo cách an phận thủ thường, thiếu sáng tạo, lảng tránh trách nhiệm cá nhân về những sai phạm trong công việc; thậm chí luôn dựa dẫm vào tập thể để lấp liếm chỗ sai, chỗ yếu, chỗ lười của mình.

Số đông những người này được xã hội miêu tả bằng cụm từ quen thuộc "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Cả đời chả cần phấn đấu, không lo thất nghiệp, đến hẹn lại lên, hay sống lâu lên lão làng... chờ thăng tiến và cuối cùng thì an tâm đã có một khoản lương hưu kha khá để an hưởng tuổi già. Những điều này đã "ủ" quá lâu và tạo ra đội ngũ viên chức ít chịu phấn đấu, từ đó dẫn tới năng suất làm việc thấp. Đây là câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi: Nguyên nhân năng suất lao động thấp là do ý thức hay kỹ năng?

Chắc chắn quyết định xóa bỏ “viên chức suốt đời” sẽ giúp bộ máy công quyền hoạt động tốt hơn. Công sở, trụ sở công quyền ở địa phương sẽ bớt đi những tiếng quát tháo, những khuôn mặt cau có, thầy cô giáo cũng sẽ "mềm" tính hơn với học trò còn nghịch dại... Nhiều nhà quản lý, các luật sư và không ít công chức, viên chức thể hiện sự đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung kịp thời này. Đây là quyết định rất đúng mà nhiều nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới đã làm. Chuyển sang hợp đồng là quyết định tiến bộ phù hợp với xu thế chung, cũng như thanh lọc để bộ máy công quyền vận hành tốt hơn.

Có thể thấy rõ quyết định của các đại biểu Quốc hội giúp tạo ra môi trường làm việc tăng tính cạnh tranh trong chính đội ngũ viên chức. Với con số khoảng 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách, trong đó có khoảng 2,8 triệu người thuộc công chức, viên chức nhà nước, quyết định này sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, xây dựng được môi trường làm việc trong lành, cạnh tranh, có văn hóa, tránh được bệnh "trung bình chủ nghĩa", "gia đình trị" hay "hậu duệ".

Bỏ biên chế suốt đời với viên chức không chỉ giúp những viên chức có năng lực thực sự được cống hiến, được trả lương đúng với giá trị lao động họ đã bỏ ra, mà ý nghĩa hơn, đây được xem là khâu đột phá trong tinh giản bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả nhiều năm qua. Có thanh "bảo kiếm" này, những kẻ cậy quyền cậy thế, chạy chức chạy quyền, chạy biên chế, chạy tuyển dụng, hách dịch, lười làm chăm đòi quyền lợi... sẽ dần mất đất sống.

Như một nhà nghiên cứu chính sách nói, quyết định bấm nút của 426/454 đại biểu tán thành (chiếm 88,20%) để thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, giống như chúng ta vừa bẩy được hòn đá tảng chặn dòng "trì trệ", khơi thông mạch nguồn đạo đức, sáng tạo, yêu nghề... của những viên chức chân chính.

NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/khoi-thong-mach-nguon-dao-duc-vien-chuc-603915