Khơi thông 'khâu thực thi'

Vài năm gần đây, Chính phủ liên tiếp có những động thái “mạnh tay” nhằm dọn đường, mở lối cho cộng đồng DN phát triển.

Dễ thấy nhất chính là sự ra đời liên tiếp của ba Nghị quyết 19 gồm: Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Mới hơn cả, ngày 16-5-2016, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.

Có thể nói, hai Nghị quyết 19 năm 2014 và 2015 đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cho DN so với thời gian trước đó. Điều này thể hiện qua chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên; thời gian nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội giảm mạnh; các thủ tục hành chính, điển hình là trong lĩnh vực tài chính, hải quan… có sự cải thiệt rõ rệt. Đối với Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết 35, dù chưa thể đánh giá kỹ càng, song hầu hết DN đều thừa nhận tính tích cực, như tạo một “luồng gió” mới trong môi trường kinh doanh, giúp DN thêm vững niềm tin.

Mặt được đã khá rõ, song đến nay nhiều chuyên gia, đại diện DN vẫn bày tỏ sự lăn tăn, “đau đáu” bởi, Chính phủ tiên phong, kiến tạo với tinh thần chỉ đạo thông qua các Nghị quyết rất tốt, song khâu thực thi, cụ thể hóa tại các bộ, ngành, địa phương còn sự chậm trễ, còn những ùn ứ khiến những nội dung chỉ đạo của Chính phủ chưa sớm tạo chuyển biến mạnh mẽ. Thậm chí, có vị lãnh đạo DN còn bức xúc bày tỏ: Nhiều khi DN cảm thấy chính sách đang rơi vào tình trạng “trên rải thảm, dưới vẫn rải đinh”. Vị này dẫn chứng, Nghị quyết 35 đã nêu rõ những việc mà các bộ, ngành phải làm để tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, hiện vẫn không ít đơn vị làm theo tính chủ quan, chưa hết trách nhiệm. Để giải quyết, Chính phủ cần đi sâu sát hơn vào hoạt động của các bộ, ngành, thậm chí có những quy chế thưởng, phạt phân minh. Điển hình như, chiếu theo nội dung của các Nghị quyết, nếu bộ, ngành nào làm tốt, tích cực cần kịp thời khen thưởng và ngược lại, đơn vị nào làm chưa tốt phải kiển trách, thậm chí xử lý nghiêm.

Đương nhiên, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Sòng phẳng mà nói, ngoài trông chờ vào sự nỗ lực từ phía Chính phủ và các bộ, ngành, bản thân DN cũng cần thực sự đồng hành, cố gắng để hoàn thiện, nâng cao năng lực, tận dụng tốt nhất những hỗ trợ mà chính sách đưa ra. Có như vậy, DN mới mong sớm bứt phá, đủ sức cạnh tranh trong một môi trường hội nhập kinh tế sâu rộng.

Đức Quang

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/khoi-thong-khau-thuc-thi.aspx