Khơi thông dòng tiền: Cổ đông không muốn cắt lỗ

Không được sự đồng thuận của các cổ đông khi quyết định 'cắt lỗ' để khơi thông dòng tiền, CEO vẫn đang loay hoay tìm lời giải.

Lẽ đương nhiên, thiếu chiến lược quản trị tài chính hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với những sai lầm trong quản trị dòng tiền ngắn hạn. Tùy theo sai sót mà hậu quả cũng có nhiều mức độ khác nhau như nguồn lực tài chính sử dụng kém hiệu quả, thất bại về chiến lược cạnh tranh, mất cân đối tài chính (sử dụng nợ ngắn hạn tài trợ tài sản dài hạn), không chi trả đúng hạn các khoản nợ, mất khả năng thanh toán…

Ông Nguyễn Tuấn Việt, CEO Công ty cổ phần Kinh doanh Ô tô Thủ đô tiếp tục bước lắng nghe tư vấn của chuyên gia

Nhìn chung, các doanh nghiệp (DN) có khả năng thanh toán yếu sẽ tập trung vào các mục tiêu tiền mặt ngắn hạn nhằm cân bằng lại khả năng thanh toán. Trong khi đó, các DN có khả năng thanh toán mạnh sẽ hướng đến việc đạt được các mục tiêu mang tính chất dài hạn như chiếm lĩnh thị phần hay định vị trở thành những DN dẫn đầu ngành. Đây là việc mà những CEO được đào tạo cơ bản và có kinh nghiệm đều hiểu và tuân thủ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hiện nay, số DN thường xuyên phải loay hoay trong các quyết định tài chính ngắn hạn lại khá phổ biến.

Vì vậy, tại thời điểm khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là kết thúc năm 2014, hàng loạt DN đang bước vào cuộc đua nước rút để giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính và sơ bộ đánh giá kết quả của một năm kinh doanh xem được hay mất.

Tuần vừa qua, Chương trình CEO - Chìa khóa Thành công cũng đã đưa lên sóng VTV1 cuộc họp của CEO (đồng thời là cổ đông của DN) với đại diện các cổ đông liên quan về giải pháp dòng tiền cuối năm. Cuộc họp kết thúc bất thành, vì CEO không tìm được tiếng nói chung với các cổ đông.

Theo đó, CEO có ý kiến nghiêng về giải quyết dòng tiền ngắn hạn, “cắt lỗ” để khơi thông dòng tiền, trả được các khoản nợ. Nhưng hai cổ đông thì cho rằng, việc bán hàng như vậy sẽ khiến DN lỗ lớn, và quan trọng hơn về lâu dài giá trị sản phẩm DN bị hạ thấp, khó lấy lại…

Khi nội dung này được công bố rộng rãi trên Facebook và Fanpage, chương trình đã nhận được nhiều ý kiến. Hầu hết các quan điểm đều cho rằng, việc bán hàng tồn kho sẽ giải quyết đuợc dòng vốn của DN, nhưng giảm giá như vậy sẽ không có lợi nhuận, mà chưa chắc thu lại được vốn.

Bạn Trần Nguyên Hà đồng ý với quan điểm của CEO về việc DN phải đặt ra mục tiêu giải phóng hàng tồn kho. “Trong trường hợp này, CEO cần phải bình tĩnh phân tích xem hàng đang bán chậm do chất lượng, giá bán, kênh phân phối, hay nhân viên kinh doanh có vấn đề. Không thể để quyết định của CEO bị dẫn dắt bởi giám đốc kinh doanh và khách hàng”, bạn Hà cho biết. Trong khi đó, bạn Phạm Hảo nhận xét, phương án giảm giá bán là hợp lý, vừa có đủ tiền để trang trải chi phí cuối năm, vừa giải phóng được số lớn hàng tồn kho.

Bạn Hồ Quân có ý kiến, DN vẫn giảm giá, nhưng sẽ không đồng ý với mức 17% - 20% như vậy.

Để “bát gạo” của các cổ đông không bị ảnh hưởng nghiêm trọng và vẫn đảm bảo DN sẽ phát triển lâu dài, CEO trong chương trình đã mời hai chuyên gia tài chính có tên tuổi là TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM và ông Dương Hải, Phó giám đốc CLB thường trực Giám đốc Tài chính Việt Nam tư vấn cho DN của mình.

Anh Vũ

Anh Vũ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khoi-thong-dong-tien-co-dong-khong-muon-cat-lo-d16794.html