Khơi thông điểm nghẽn, tạo động lực phát triển

Năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016 - 2020, Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai đồng bộ các lĩnh vực công tác, từ tham gia hoạch định những vấn đề vĩ mô đến giải quyết các công việc cụ thể, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước, của từng địa phương về phát triển kinh tế - xã hội.

Đó là nhận định của các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021 – 2025 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 23/12, tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đẩy mạnh kiểm tra, rà soát văn bản

Báo cáo của Bộ Tư pháp chỉ rõ, năm 2020, mặc dù đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế - xã hội nói chung tác động lớn đến việc triển khai công tác, nhưng toàn ngành đã kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch; chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được cải thiện; công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được các bộ, ngành triển khai quyết liệt.

Ngành Tư pháp đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp phiếu lý lịch tư pháp, gắn với việc hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được duy trì ở mức cao...

Năm 2021, ngành Tư pháp sẽ tập trung quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Kết luận mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của ngành. Bộ, ngành Tư pháp tham gia nghiên cứu, xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, ban hành và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045...

Ngành Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn; tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018 - 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế sau khi được ban hành... Đặc biệt, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục chủ động tham mưu, phối hợp tham mưu cho các cấp, các ngành về khía cạnh pháp lý trong các quyết sách, chỉ đạo, nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các ý kiến đến từ các đại biểu bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ kết quả phối hợp, triển khai công tác tư pháp và đề xuất các phương hướng cần tập trung triển khai trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng của Ngành.

Phối hợp hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước của ngành Nội vụ

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao kết quả công tác Tư pháp thời gian qua. Ngành có nhiều đổi mới, sáng tạo, sát sao với địa phương, cơ sở, phối hợp với các bộ, ban, ngành để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, người dân. Vai trò, vị thế của ngành Tư pháp được nâng lên rõ rệt.

Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ: Tư pháp - Nội vụ đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật quản lý nhà nước của ngành Nội vụ.

Vừa qua, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 4 luật quan trọng, gồm: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức; Luật Thanh niên (sửa đổi). Bộ Nội vụ cũng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều nghị quyết; ban thành theo thẩm quyền các thông tư… nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý của ngành.

Theo Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, chất lượng văn bản được nâng lên, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, tạo hành lang pháp lý, động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành Nội vụ. Nhiều chương trình góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như Chương trình tổng thể Cải cách hành chính, cải cách tư pháp, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính sự nghiệp của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương… Hai Bộ phối hợp chặt chẽ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khơi thông “điểm nghẽn”, tạo động lực phát triển.

Xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ đột phá của năm tới, lãnh đạo Bộ Nội vụ mong muốn Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, đồng hành với Bộ Nội vụ để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đáp ứng yêu cầu phát triển chung.

Củng cố lòng tin của nhân dân đối với các cấp chính quyền

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đánh giá cao kết quả tư pháp trong năm qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết, năm 2020, tỉnh Lai Châu đã hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch. Trong thành công chung đó có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự tỉnh.

Theo đó, các cơ quan đã tham mưu ban hành quy trình nội bộ giữa cơ quan nhà nước, giúp giảm 50% thời gian xử lý công việc. Vì vậy, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh tăng 7 bậc – cao nhất từ trước đến nay. Các cơ quan tư pháp tham mưu cho UNBD tỉnh xử lý các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài, từ đó củng cố lòng tin của nhân dân đối với các cấp chính quyền. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, tỉnh đã đạt kết quả vượt cả về vụ việc và tiền so với năm trước.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ, ngành. Đáng chú ý là việc Nghị định số 120/2020/NĐ-CP về thành lập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có quy định số người tối thiểu trong một đơn vị sự nghiệp phải là 15 người. Theo ông Trần Tiến Dũng, đây là vấn đề khó khăn đối với các cơ quan tư pháp địa phương. Tuy nhiên, vẫn có quy định ngoại lệ đối với các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công ích cơ bản, thiết yếu. Do vậy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đề nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành danh mục để tỉnh có căn cứ để sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Phan Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/khoi-thong-diem-nghen-tao-dong-luc-phat-trien-20201223175520724.htm