Khơi thông bế tắc trong quan hệ Mỹ - Triều

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong - un sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 – 28/2. Đây là một trong những sự kiện nhận được sự quan tâm đặc biệt của thế giới đối với cuộc gặp 'lịch sử', thời điểm mang tính quyết định.

Kỳ vọng vào cuộc gặp “lịch sử”

Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên trong lịch sử được chính thức diễn ra tại Singapore vào tháng 6/2018, sự kiện đã thổi luồng gió hòa dịu và hòa giải lên bán đảo Triều Tiên vốn bao phủ bởi băng giá thù địch, đối đầu và căng thẳng suốt hơn 70 năm qua. Và đó là cuộc gặp gỡ có tính chất “phá băng” trong việc giải quyết quan hệ hai nước.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh Internet

Tại buổi gặp gỡ đầu tiên, hai nhà lãnh đạo đã bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Sau cuộc gặp, tình hình bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể, song việc triển khai tuyên bố chung của Hội nghị đến nay gần như không có tiến triển. Chính vì thế, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong - un tại Việt Nam được kỳ vọng, có thể khơi thông bế tắc cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, mang lại hòa bình và ổn định cho Triều Tiên.

Do đó, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2, các quan chức phía Mỹ đều thể hiện thái độ tích cực. Trong khi các chuyên gia vẫn nghi ngờ khả năng phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, đặc phái viên Mỹ tại Triều Tiên Stephen Biegun khẳng định, Triều Tiên đã thực hiện các bước sơ bộ để phá dỡ hai địa điểm thử nghiệm hạt nhân là Tongchangri và Punggye-ri, mặc dù không có sự chứng kiến của thanh tra quốc tế, và sẵn sàng tháo dỡ tất cả các cơ sở làm giàu plutonium và uranium...

Cũng liên quan đến Hội nghị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2, trong bài phát biểu tại Liên bang vào tuần trước, Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ rất hy vọng đạt được một thỏa thuận khả quan hơn với Triều Tiên. Trong khi đó, về phía Triều Tiên, sau một thời gian im ắng, truyền thông Bình Nhưỡng ngày 12/2 đã kêu gọi Washington giảm hoặc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, Hàn Quốc, nước đóng vai trò quan trọng trong việc dàn xếp đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên, đã hoan nghênh quyết định tổ chức cuộc gặp gỡ của hai nước. Tổng thống Moon Jae-in trong cuộc họp với các thư ký và trợ lý hôm 11/2 bày tỏ hy vọng, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 sẽ là cơ hội để Triều Tiên và Hàn Quốc nâng cao quan hệ, thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa, chấm dứt xung đột và mang lại hòa bình cho hai miền Triều Tiên.

Có thể thấy, cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai không chỉ nhận được sự quan tâm sát sao của các nhà lãnh đạo trên thế giới, mà theo giới quan sát, cuộc gặp lần này còn nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân trên toàn thế giới về một thỏa thuận hòa bình, phát triển. Trong đó, người dân Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ … là những người kỳ vọng hơn cả.

Theo báo Nhật Kyodo News, người dân Bình Nhưỡng ngày càng hy vọng về một bước đột phá kinh tế trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 diễn ra tại Việt Nam. Theo đó, một số người dân địa phương bày tỏ hy vọng rằng nền kinh tế Triều Tiên sẽ được hồi sinh, nhờ sự cải thiện mối quan hệ với Mỹ. Tại Bình Nhưỡng, những khẩu hiệu thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo cũng như phản đối "chủ nghĩa đế quốc Mỹ" từng thịnh hành giờ đây không còn phổ biến.

Cũng giống như người dân Triều Tiên, theo kết quả khảo sát từ hãng tin Reuters ,tại Mỹ hơn một nửa số người được khảo sát nói rằng, họ ủng hộ cách Tổng thống Donald Trump xử lý vấn đề với Triều Tiên; ¼ số người được khảo sát tin tưởng rằng Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Và hơn hết, tất cả người dân trên thế giới hiện đều hướng về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Việt Nam với kỳ vọng, Hội nghị sẽ đạt được những thỏa thuận cần thiết và mang lại hòa bình, ổn định cho bán đảo Triều Tiên.

Nâng tầm vị thế Việt Nam

Bên cạnh sự kiến chính là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2, một trong những vấn đề được giới quan sát đề cập đó chính là địa điểm tổ chức. Vì sao chọn Việt Nam? Đó là câu hỏi được rất nhiều quốc gia, người dân trên toàn thế giới đặt ra. Với câu hỏi này nhiều chuyên gia nhận định và cho rằng, việc quan hệ giữa Việt Nam - Triều Tiên - Mỹ có vai trò hết sức quan trọng và là chất xúc tác cho hòa bình trong khu vực và thế giới.

Bởi lẽ, trong quá khứ, Việt Nam và Mỹ đã vượt qua quá khứ xung đột và thiết lập được mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ, phản ánh triển vọng hòa bình và thịnh vượng sau khi Việt Nam trỗi dậy từ những khó khăn và bị cấm vận trong nhiều thập niên để đạt được tiến bộ như hiện nay. Ngược lại, Việt Nam và CHDCND Triều Tiên có những nét tương đồng về mô hình kinh tế, hệ thống chính trị và định hướng đối ngoại… Tuy nhiên, Việt Nam đã tiến hành cải cách, phát triển thể chế kinh tế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa và đa phương hóa chính sách ngoại giao để phát triển…

Trong khi đó, quan hệ Mỹ - Triều nếu tiến triển xấu sẽ tạo ra bất ổn lớn cho hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Nhiều hệ lụy dai dẳng về kinh tế, chính trị và quân sự sẽ diễn ra như cấm vận, thử tên lửa, hạt nhân, cũng như nghi kỵ và đối đầu leo thang giữa hai miền Triều Tiên, và giữa Trung Quốc và Mỹ. Vì vậy, nếu Triều Tiên xem Việt Nam là mô hình kinh tế chính trị để có thể phát triển theo nhằm giảm thiểu các rủi ro bất ổn nêu trên, thì Việt Nam sẽ là chất xúc tác cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Hình ảnh của Việt Nam nhờ vậy, cũng sẽ được nâng cao hơn nữa trên trường quốc tế.

Ngược lại, nếu tổ chức tốt sự kiện này, Việt Nam có thể một lần nữa minh chứng cho cộng đồng quốc tế về năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế lớn. Bởi trước đây, Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quốc tế cấp cao trong đó có Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) tại Hà Nội vào tháng 9/2018, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) tháng 1/2018, Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng năm 2017 và Ðại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới năm 2015.

Đặc biệt hơn, như chia sẻ của Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyon với báo chí hôm 20/2 vừa qua cho thấy, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam là cơ hội này mở rộng vị thế địa chính trị của Việt Nam. Sự kiện lớn này tạo động lực mới cho Việt Nam để bắt đầu tiến trình tham gia vào chính trường thế giới; củng cố và nâng cao vị thế của mình tại khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để Việt Nam quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và chứng minh với thế giới rằng Việt Nam là điểm đến an toàn, hòa bình, ổn định và có nền kinh tế hội nhập, phát triển với thế giới.

Việc cả Mỹ và Triều Tiên lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho Hội nghị thượng đỉnh lần 2 cũng cho thấy con đường đúng đắn mà Việt Nam đang lựa chọn. Trước đây có thể vẫn có những ý kiến hoài nghi về mô hình mà chúng ta theo đuổi, qua sự kiện này, Việt Nam một lần nữa khẳng định chúng ta đã phát triển, là quốc gia năng động, có lợi thế quan trọng trong quan hệ quốc tế.

Đắc Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khoi-thong-be-tac-trong-quan-he-my--trieu-post57315.html