Khởi sắc vùng biên Bát Mọt

Cứ mỗi chuyến về với xã vùng biên, trong tôi lại dâng lên niềm cảm xúc khác lạ bởi mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm rất thú vị. Dịp giáp tết, chúng tôi về thăm xã Bát Mọt (Thường Xuân), con đường cua tay áo từ xã Yên Nhân về xã khúc khuỷu, càng lên cao, sương mù càng dày. Dừng chân ở trung tâm xã cũng là lúc trời tạnh ráo, có ánh nắng. Bữa cơm trưa thật vội, sắp xếp đồ cũng thật nhanh để còn kịp đến thăm một số mô hình kinh tế của bà con nơi đây. Những mô hình này đã giúp nhiều hộ có thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Mô hình nuôi vịt bầu của hộ chị Lang Thị Mai, thôn Khẹo, xã Bát Mọt (Thường Xuân).

Đến thăm hộ chị Lang Thị Mai, thôn Khẹo, là một trong 40 hộ của thôn được Đồn Biên phòng Bát Mọt và Hội LHPN huyện trao 50 con vịt bầu sinh sản/hộ, chị Mai phấn khởi cho biết: “Sau thời gian nhận 50 con vịt bầu giống chúng tôi đều duy trì đàn tốt. Một số hộ đã bán thịt vịt và lựa chọn những con to khỏe hơn làm giống nhân đàn. Trước đây, chị em trong thôn thiếu việc làm nên thời gian rảnh rỗi nhiều, nay được hỗ trợ con giống đã biết làm chuồng, thái rau, chuối và trồng thêm ngô, sắn làm thức ăn chăn nuôi, chúng tôi đã chủ động hơn trong sản xuất để tăng thu nhập”.

Chúng tôi được chị cán bộ hội LHPN xã dẫn vào thôn Vịn, thôn xa nhất cách trung tâm xã 19km. Xa trung tâm xã nhưng thôn Vịn đã đạt chuẩn thôn nông thôn mới (NTM). Nghe có chút hoài nghi vì thường thôn ở xa điều kiện rất khó khăn nhưng thôn Vịn đã đạt chuẩn NTM hẳn phải có sự phát triển vượt bậc hơn các thôn khác. Lý giải những băn khoăn của chúng tôi, đồng chí cán bộ hội LHPN xã cho biết: Thôn Vịn có 180 hộ sinh sống, là người Thái, được thiên nhiên ban tặng với nhiều cảnh đẹp hoang sơ và có tiềm năng du lịch sinh thái. Người dân ở đây nhận thức rất tiến bộ và tích cực lao động sản xuất.

Minh chứng những điều chị nói, chúng tôi quan sát thấy đường vào thôn Vịn đã được rải nhựa hoàn toàn, việc đi lại thuận lợi hơn, hai bên đường là những cánh rừng xanh thẳm ngút ngàn và những cung đường uốn lượn khiến chúng tôi nhận ra vùng biên đang khoác lên mình tấm áo mới. Sự đổi thay ở đây là các dãy nhà sàn được bố trí rất đẹp mắt, gọn gàng. Khu chăn nuôi gia súc, gia cầm bố trí xa nơi ở, hai bên đường trồng hàng rào xanh, cây hoa hồng leo, cây trạng nguyên đỏ rực và cả những cành đào đang lấm tấm nụ hoa. Hiếm có thôn giáp biên ở miền núi cách xa trung tâm xã mà lại có sự phát triển như thôn Vịn.

Đồng chí Lang Hồng Tuyên, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Vịn đón chúng tôi bằng nụ cười niềm nở, thân mật rồi giới thiệu về những đổi thay của thôn NTM. Đồng chí cho biết, đó là cả quá trình thực hiện các nghị quyết chuyên đề của chi bộ và gương mẫu đi đầu là cán bộ, đảng viên. Nay dân trong thôn rất có ý thức trong lao động sản xuất, không những tự cung tự cấp mà còn xuất bán một số sản phẩm như lợn nái đen, bò, các loại rau, quả, mật ong và đặc biệt là có 10 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng; 100% trẻ em trong độ tuổi đều đến trường.

Chị Vi Thị Khăm, thôn Vịn cho biết: “Tôi được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 2 con lợn nái đen bản địa, sau 3 năm nhân đàn, gia đình tôi đã bán được 12 con lợn thịt và lợn giống, hiện trong chuồng còn 17 con, trong đó có 2 nái sinh sản. Từ 15 hộ được trao lợn nái đen, đến nay có thêm 6 chị tham gia và được chị em trong tổ giúp con giống và cùng sinh hoạt trong tổ liên kết chăn nuôi lợn nái đen. Nay tổ đã có 13 hộ thoát nghèo”.

Bát Mọt là xã khó khăn nhất của huyện Thường Xuân, nhiều năm gần đây được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân nên xã Bát Mọt có nhiều chuyển biến về mọi mặt. Các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường trạm đều được hỗ trợ xây mới, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, giao thương hàng hóa thuận lợi, trẻ em đến trường đúng độ tuổi. Nổi bật ở xã Bát Mọt là nhận thức của bà con nơi đây đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Bà con rất tha thiết cho con em đến trường học. Xã có 4 thôn giáp biên, giao thông đi lại khó khăn nhưng các hộ vẫn động viên con em đến trường đầy đủ. Nhiều em theo học nghề và có việc làm tại công ty, doanh nghiệp. Trước đây, xã có 3/8 thôn cấy lúa 1 vụ còn lại bỏ hoang, nhưng nay được sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, hội LHPN các cấp và cán bộ xã nên các hộ dân đều tích cực sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi, phát triển lâm nghiệp. Nhiều hộ còn ý thức làm giàu từ các loại cây trồng, vật nuôi.

Theo báo cáo của lãnh đạo xã Bát Mọt, năm 2020 thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 19,4 triệu đồng; hộ nghèo giảm từ 10,06% năm 2019 còn 5,29% năm 2020. Xã có 4 mô hình kinh tế tập thể chăn nuôi hiệu quả từ các con nuôi, như: bò, vịt, lợn nái đen, dê, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân vùng biên. Công tác xây dựng Đảng được đảng bộ xã quan tâm chú trọng. Việc phân chia công việc rõ ràng, bám nắm địa bàn đã phát huy được vai trò của cán bộ, đảng viên. Tuy là xã vùng biên còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều năm nay, công tác phát triển đảng viên của đảng bộ xã luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao. Đảng viên tích cực, nhiệt tình, gương mẫu trong mọi việc.

Đồng chí Lương Thị Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Bát Mọt cho biết: “Đồng bào dân tộc Thái nơi đây đa phần biết tiếng Kinh và trình độ dân trí, văn hóa khá nên việc tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương tương đối thuận lợi. Nhân dân đoàn kết, phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hăng hái thi đua lao động, sản xuất và tích cực tham gia các phong trào của địa phương, cùng chung tay góp sức với lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc vùng biên của Tổ quốc”.

Bài và ảnh: Hà Lê

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/khoi-sac-vung-bien-bat-mot/130789.htm