Khởi sắc trong lĩnh vực nông nghiệp

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên địa bàn thị trấn Tri Tôn (Tri Tôn) được duy trì và phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương.

Nâng cao giá trị nông nghiệp

Để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng hàng hóa, những năm qua, Hội Nông dân thị trấn Tri Tôn (Tri Tôn) đã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đồng thời thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào đồng ruộng, cơ giới hóa sản xuất… Đặc biệt, hệ thống giao thông nội đồng được đầu tư nâng cấp mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng nông sản của nông dân trong 2 tiểu vùng. Hệ thống kênh mương thủy lợi tiểu vùng 1 cơ bản đáp ứng yêu cầu bơm tưới trong sản xuất, trong đó 90% diện tích sản xuất nông nghiệp được đảm bảo tưới tiêu, 70% diện tích bơm tưới bằng hệ thống điện, 100% diện tích sản xuất, thu hoạch lúa bằng máy cơ giới, khoảng trên 25% diện tích sản xuất gieo trồng bằng giống lúa xác nhận.

Nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả nên đời sống người dân ngày càng được cải thiện

Những kết quả trên đã giúp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị trấn Tri Tôn ngày càng khởi sắc. Nông dân có điều kiện phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng mãng cầu hoàng hậu, bưởi, xoài; nuôi trăn, ba ba… Từ đây, nhiều nông dân đã làm giàu trên chính ruộng đồng, trong đó anh Võ Văn Mới (sinh năm 1977, ngụ khóm II, thị trấn Tri Tôn) là một điển hình. Anh Mới cho biết, để đạt năng suất cao trong quá trình sản xuất lúa, bản thân anh chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các hội viên nông dân tại địa phương, cũng như theo dõi thông tin về nông nghiệp trên hệ thống thông tin đại chúng, từ đó bản thân đã rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp được anh Mới quan tâm thực hiện, nhất là áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng đúng thuốc, phun xịt thuốc đúng cách, đúng liều lượng và đúng thời điểm… Đồng thời, thường xuyên thăm đồng để nắm chắc tình hình phát triển của cây lúa, nếu phát hiện sâu bệnh anh sẽ tìm giải pháp ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh phát sinh. Vì vậy, năng suất lúa mỗi năm đạt từ 6-7,5 tấn/ha. “Hiện nay, tôi canh tác 2,7ha đất, thu nhập hàng năm trên dưới 100 triệu đồng, nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, nên tôi có điều kiện cho con học hành đàng hoàng” - anh Mới chia sẻ. Anh Mới còn cho biết thêm, bản thân anh đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp huyện nhiều năm liền và được UBND thị trấn Tri Tôn xét đạt chuẩn gia đình văn hóa từ năm 2010 đến nay.

Động lực phát triển kinh tế

Theo Hội Nông dân thị trấn Tri Tôn, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng là 1 trong 3 phong trào lớn do Hội Nông dân Việt Nam phát động, đến nay đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống cho nông dân, nhất là nông dân tham gia vận động nhân dân đóng góp để chỉnh trang đô thị theo mô hình dân vận khéo. Những kết quả trên khẳng định phong trào nông dân đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trong tất cả các lĩnh vực, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó lôi cuốn, khích lệ hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Thời gian tới, Hội Nông dân thị trấn Tri Tôn sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới về chất, tập trung vào ngành nghề như: thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao.

Diện tích đất tự nhiên của thị trấn Tri Tôn hiện có 817ha, đất nông nghiệp 533,5ha; hệ thống thủy lợi được đảm bảo phục vụ bơm tưới, nhất là đê bao sản xuất lúa thu đông tiểu vùng 1 và 2 được đảm bảo an toàn...

Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/khoi-sac-trong-linh-vuc-nong-nghiep-a250723.html