Khởi sắc trên quê hương mới

Rời quê cũ ở huyện Tương Dương về xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An theo diện tái định cư, nhường đất để xây dựng thủy điện Bản Vẽ, bà con người Thái nơi đây không tránh khỏi những khó khăn ban đầu trong việc tìm hướng phát triển kinh tế. Để người dân yên tâm ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, BĐBP Nghệ An luôn đồng hành với bà con trong lao động sản xuất và triển khai nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm tích cực giúp dân phát triển cây chè. Ảnh: Hải Thượng

Kinh tế mới nơi đất mới

Năm 2006, gia đình ông Lương Văn Phượng cùng nhiều hộ gia đình thuộc diện tái định cư chuyển về xã Ngọc Lâm, nhường đất để xây dựng thủy điện Bản Vẽ. Những ngày mới về đây, mọi thứ đều lạ lẫm, từ đất đai, khí hậu đến cách thức sản xuất. Giữa bộn bề khó khăn của cuộc sống, ông Phượng thấy nản lòng vì ông chưa biết bắt đầu xây dựng cuộc sống mới từ đâu, như thế nào. Không ít lần ông từng có ý nghĩ bỏ về quê cũ để làm ăn, sinh sống. Trong lúc khó khăn nhất ấy, chính quyền các cấp đã kịp thời vào cuộc. Trên cơ sở phân tích điều kiện đất đai, khí hậu, đặc điểm một số loại cây trồng cho thấy, cây chè là cây phù hợp nhất, lại dễ trồng và có thị trường tiêu thụ ổn định, nên huyện Thanh Chương đã triển khai đề án phát triển và trồng mới chè vùng tái định cư giai đoạn 2013-2017, với diện tích hơn 500ha chè nguyên liệu.

Nhận thấy đây chính là cơ hội để phát triển kinh tế gia đình, ông Phượng đã xung phong tham gia đề án. Vậy là, những ngày cây chè bén rễ trên vùng đất này cũng là lúc gia đình ông Phượng và nhiều gia đình khác bắt đầu có sự gắn bó với quê hương mới. Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương thì người dân nơi đây cũng nhận được sự tận tình giúp đỡ của cán bộ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm. Người cán bộ Biên phòng thường xuyên gắn bó và giúp đỡ gia đình ông Phượng chính là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lý, nhân viên Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ngọc Lâm. Từ cách trồng cũng như kỹ thuật chăm sóc ở từng thời kỳ phát triển của cây chè đều được “người khuyến nông viên” quân hàm xanh này hướng dẫn cụ thể, nên ông Phượng rất yên tâm làm theo.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lý cho biết: “Chúng tôi đã tìm tòi học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè của người dân trên địa bàn, sau đó hướng dẫn gia đình mới về cùng làm. Bước đầu cũng có những khó khăn vì người dân chưa quen với phương pháp canh tác mới. Nhưng với sự cần cù, chịu khó, gia đình ông Phượng đã phát triển thành công 1ha chè. Đây là mô hình làm điểm cho các hộ dân trên địa bàn học tập và làm theo”.

Hơn 4 năm gắn bó với cây chè, không ít vất vả nhọc nhằn, nhưng càng làm càng thấy phấn khởi, gắn bó, đến nay gia đình ông Phượng mỗi năm thu hoạch từ 10 đến 12 tấn chè. Với giá bán lẻ trên thị trường hiện nay từ 32.000 đến 38.000 đồng/kg, thì mỗi tháng gia đình ông thu về 6,5 triệu đồng từ việc trồng chè. Ông Phượng cho biết: Bên cạnh vườn chè đã cho thu nhập ổn định, ông còn trồng lúa nước, trồng thêm keo lấy gỗ, nuôi cá để tăng thêm thu nhập. Nhờ thành công với mô hình vườn, ao, chuồng, ruộng mà gia đình ông Phượng đã có cuộc sống khá đủ đầy ở quê hương mới này.

Cũng như gia đình ông Phượng, gia đình ông Lương Văn Thân, ở bản Muộng, cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc phát triển cây chè. Nhờ chịu khó học hỏi tiếp thu kiến thức, ông Thân còn xây dựng thành công vườn ươm chè với hàng ngàn bầu chè giống.

Đa dạng hóa sản xuất

Với những nơi có địa hình phù hợp chăn nuôi, người dân vùng tái định cư còn tập trung phát triển chăn nuôi. Điển hình như gia đình anh Lương Quản Đường, bản Cha Luân, xã Ngọc Lâm. Tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và sự cần cù, chịu khó, anh Đường xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố để chăn nuôi dê. Nhờ biết áp dụng kỹ thuật trong lao động, sản xuất, bình quân mỗi năm, gia đình nhà anh Đường xuất chuồng 2-3 lứa dê, có lứa bán gần 100 con.

Ngoài phát triển đàn dê, gia đình anh Đường còn nuôi thêm lợn và gia cầm. Thấy gia đình anh Đường chăn nuôi hiệu quả, nhiều hộ dân trong bản đến học hỏi. Bất kể lúc nào, anh Đường cũng luôn sẵn sàng hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cho bà con cùng làm để phát triển kinh tế gia đình.

Để góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu giúp người dân tái định cư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm đã tích cực bám dân, bám bản tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như gần gũi lắng nghe nguyện vọng của bà con để kịp thời có sự sẻ chia, giúp đỡ. Nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè công nghiệp do những chiến sĩ quân hàm xanh hướng dẫn đã mang lại hiệu quả rất tích cực.

Thượng tá Phan Minh Tân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ngọc Lâm cho biết: Sau hơn 10 năm bà con về tái định cư tại vùng đất mới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm đã giúp bà con tin tưởng, gắn bó với mảnh đất mới này, coi đây là quê hương thứ 2 của mình. Từ đó, người dân đã triển khai các phương thức sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời, chung tay cùng với BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Hải Thượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khoi-sac-tren-que-huong-moi/