Khôi phục VFS

Mấy ngày nay, dư luận lại ồn ã xung quanh câu chuyện hậu Kết luận thanh tra cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Có những nội dung Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ VHTTDL thực hiện xử lý nhưng mới đây, Bộ lại có văn bản số 4974/BVHTTDL-KHTC ngày 29/10/2018 đùn đẩy trách nhiệm cho những người đã về hưu, hoặc những người tuy là đại diện vốn nhà nước tại Công ty này nhưng lại không có thẩm quyền, không chính danh để giải quyết sự việc.

Vivaso vẫn chưa thoái vốn khỏi Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Mạnh Thắng.

Nội dung được kiến nghị xử lý đầu tiên của Kết luận là Bộ VHTTDL “xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty vận tải thủy – CTCP xin rút vốn trước thời hạn”.

Tại sao phải thực hiện điều này? Bởi vì công việc tiến hành cổ phần hóa đã có nhiều sai phạm. Trong đó, sai phạm nghiêm trọng của Ban Chỉ đạo cổ phần hóa là: Không thực hiện việc lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa, để Công ty lựa chọn là chưa thực hiện đúng thủ tục theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo Luật Đấu thầu 2013 về chỉ định thầu được hướng dẫn thực hiện tại Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014.

Còn vi phạm của Bộ VHTTDL trong việc này là: Phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) thành Công ty cổ phần khi chưa có Quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất. Trong khi đó, tại phương án cổ phần hóa và chuyển VFS thành Công ty cổ phần, VFS xây dựng phương án sử dụng đất trong đó bao gồm cả toàn bộ diện tích 1.208 m2 tại khu đất số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP Hồ Chí Minh và toàn bộ khu đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc xác định giá trị doanh nghiệp VFS trước cổ phần hóa bị thấp.

Về câu chuyện định giá trị doanh nghiệp của VFS ta thấy có những điều thú vị khi so sánh với việc định giá AVG trước khi Mobifone mua lại cổ phần. Trong khi AVG được định giá cao hơn 7.000 tỷ đồng thì VFS lại bị định giá quá thấp vì bị gạt bỏ việc xác định giá trị thương hiệu, không tính đến yếu tố về lợi thế vị trí địa lý của các cơ sở nhà, đất.

Trước khi cổ phần hóa, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo phải đưa giá trị thương hiệu của VFS vào nhưng Bộ VHTTDL đã không thực hiện. Trong cả hai việc định giá trị doanh nghiệp nêu trên, phần thiệt thòi vẫn là Nhà nước. Và tất nhiên, sau khi nhà đầu tư chiến lược (Vivaso) thoái vốn, việc cổ phần hóa phải làm lại thì việc xác định giá trị doanh nghiệp VFS phải được tính toán lại. Và ai là người sẽ có thẩm quyền để xác định giá trị doanh nghiệp này? Tất nhiên không thể là những người trong Ban Giám đốc VFS qua các thời kỳ đã nghỉ hưu.

Và có nên trao quyền xác định lại giá trị doanh doanh nghiệp cho ông Vương Đức – nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam (đã nghỉ hưu) – người mắc nhiều sai phạm trong việc xác định giá trị VFS trước khi cổ phần hóa? Vậy mà Bộ VHTTDL lại giao cho vị nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam này có trách nhiệm phối hợp với những người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam và Công ty cổ phần thực hiện việc lập hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần trình lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt.

Trong khi đó, Kết luận của Thanh tra Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo cổ phần hóa VFS điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần. Việc đề nghị của Thanh tra Chính phủ là đúng vì trách nhiệm định giá trị doanh nghiệp là của Ban Chỉ đạo cổ phần hóa. Do đó thật khó hiểu khi Bộ VHTTDL đã sai khi để Công ty lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa, nay lại giao tiếp trách nhiệm cho họ xây dựng hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp.

Sau khi Vivaso thoái vốn, cổ phần còn lại thuộc về Nhà nước và một số cá nhân cán bộ nghệ sĩ của Hãng đã mua cổ phần. Tuy nhiên, vì việc xác định giá trị doanh nghiệp sẽ phải tính lại nên chưa thể khẳng định số lượng nắm giữ cổ phần giữa Nhà nước và các cán bộ nghệ sĩ là bao nhiêu?

Có ý kiến thậm chí cho rằng cần trả lại tiền mua cổ phần cho các cá nhân để Nhà nước nắm 100% cổ phần. Và khi đó mô hình sẽ trở lại như trước khi cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam. Khi đó, Bộ VHTTDL sẽ bổ nhiệm lãnh đạo mới. Và chính những lãnh đạo mới này sẽ bắt tay vào việc thực hiện lại quy trình cổ phần hóa đúng quy định pháp luật.

Nếu thực hiện việc khôi phục lại VFS sẽ hạn chế được nhiều việc rối rắm phức tạp như để cho công ty Cổ phần – một công ty mà có phần vốn của Vivaso phải rút đi được kiện toàn bộ máy của Công ty và lên kế hoạch phát triển Công ty trong thời gian tới.

Và còn một điều quan trọng nữa là cho đến nay, Bộ VHTTDL vẫn chưa tiến hành xử lý hành chính, kỷ luật những đơn vị, cá nhân có sai phạm như: Trưởng ban và các thành viên có liên quan của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ VHTTDL; Ban chỉ đạo và tổ giúp việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam theo từng thời kỳ; Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu VFS trong thời kỳ để xảy ra vi phạm; Công ty THHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam.

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/khoi-phuc-vfs-tintuc422804