Khôi phục và phát triển lúa mùa nổi

UBND huyện An Phú và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa ký kết chương trình hợp tác sản xuất và tiêu thụ hơn 36ha lúa mùa nổi ở xã Phú Hữu. Mô hình sản xuất lúa mùa nổi được xem là giải pháp sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Lúa mùa nổi được nông dân khu vực ĐBSCL trồng cách đây khá lâu, vào mùa nước nổi, hoàn toàn thuận theo tự nhiên, không cần phải tốn nhiều công chăm sóc, không tốn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc trồng, khôi phục và phát triển lúa mùa nổi không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế, mà còn gắn với không gian văn hóa, giá trị bảo tồn, phát triển hài hòa kinh tế - xã hội trong điều kiện phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng giá, ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Trong kế hoạch liên kết sản xuất giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và huyện An Phú, 36 hộ nông dân sẽ được đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của Tập đoàn Lộc Trời cung cấp giải pháp, quy trình kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và quản lý đồng ruộng trong suốt quá trình này; được hỗ trợ giống và tổ chức sản xuất. Lượng giống hỗ trợ 100kg/ha, gieo sạ bằng thiết bị bay không người lái (drone), thay vì sạ bằng tay như thói quen trước đây.

Tập đoàn Lộc Trời ký biên bản thỏa thuận tiêu thụ toàn bộ sản lượng lúa của nông dân sau khi thu hoạch với giá 15.000 đồng/kg tại ruộng. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể, mã số vùng trồng, mã vạch truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng lúa và nâng cao thương hiệu của lúa mùa nổi trên thị trường. Ông Trần Văn Công (ngụ ấp Phú Thạnh) cho biết: “Đây là lần đầu tiên, tôi canh tác 15.000m2 lúa mùa nổi, hy vọng lúa phát triển tốt, cho năng suất cao. Nếu quá trình canh tác thuận lợi, tôi sẽ tiếp tục áp dụng cho mùa vụ sau để có thêm thu nhập” - ông Công nói.

Lúa mùa nổi chủ yếu dựa vào thiên nhiên, hạt gạo có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Cụ thể, hàm lượng vitamin B1 gấp 2 lần so với lúa cao sản, vitamin E gấp 5 lần và lượng protein khoảng 10%, trong khi lúa cao sản chỉ 7,3%. Theo ThS Lê Thanh Phong (Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu, Trường Đại học An Giang), lúa mùa nổi có thể đạt từ 4-90 chồi/bụi, khoảng 75-200 bông/m2, năng suất bình quân 2,5-3 tấn/ha. Do đó, rất phù hợp để phát triển gạo đặc sản vùng lũ, tăng lợi thế cạnh tranh.

Nếu quá trình canh tác thuận lợi, nông dân có thể thu lợi nhuận bình quân từ 20-30 triệu đồng/ha. Ngoài ra, canh tác lúa mùa nổi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho 43 loài thủy sản trú ẩn, sinh sôi và phát triển trong mùa lũ, giúp người dân tăng thêm thu nhập. Lượng phù sa tích lũy trên ruộng lúa mùa nổi từ 0,49-9,36 tấn/ha, giúp cải tạo đất cho vụ sản xuất sau…

Nhằm phát triển mô hình trồng lúa mùa nổi, Tập đoàn Lộc Trời cam kết thu mua dài hạn nếu nông dân đồng ý tiếp tục thực hiện mô hình. Đây là điểm sáng trong chuyển đổi sinh kế nông nghiệp bền vững trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn thiên nhiên. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Phạm Thành Tâm cho biết, trong bối cảnh khí hậu biến đổi bất thường, việc phục hồi hệ sinh thái nông nghiệp phát triển lúa mùa nổi được xem là bước đệm quan trọng để phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, tạo sinh kế ổn định cho nông dân.

Đến nay, địa phương thành lập Tổ hợp tác lúa mùa nổi ấp Phú Thạnh (xã Phú Hữu); đồng thời, khảo sát và lựa chọn vùng trũng trong khu vực để hỗ trợ thả cá giống. Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Trường Đại học An Giang sẽ hỗ trợ kỹ thuật, theo dõi quản lý dịch hại cho mô hình.

Quá trình thực hiện, nông dân ủng hộ rất cao, khả năng mở rộng diện tích sản xuất lúa mùa nổi cho các năm sau sẽ tăng lên, khi hệ thống đê bao hoàn thiện và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời mở rộng thị trường tiêu thụ lúa mùa nổi, tăng thêm diện tích sản xuất.

Lúa mùa nổi có tên khoa học là Floating rice, cơ chế sinh học vô cùng độc đáo: Sản xuất không sử dụng phân bón, không phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo sạ vào tháng 5 (âm lịch)... Cây lúa sinh trưởng và phát triển dựa vào thời tiết tự nhiên; nước đến đâu cây lúa vươn lên đến đó (cao 3-5m), vượt lên mặt nước lũ để phát triển với thời gian sinh trưởng khoảng 6 tháng. Kỹ thuật canh tác truyền thống này là phương pháp sản xuất lúa gạo bền vững, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

HỮU HUYNH - T.ANH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/khoi-phuc-va-phat-trien-lua-mua-noi-a342438.html