Khôi phục những vườn cây thanh trà đặc sản xứ Huế

Sau đợt thiên tai, bão lũ kéo dài, hàng trăm héc-ta thanh trà ở tỉnh Thừa Thiên-Huế bị chết hoặc bị nhiễm nấm bệnh, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với người trồng thanh trà. Hiện các chủ vườn đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục lại những vườn cây ăn quả đặc sản xứ Huế…

Nhiều năm qua, tận dụng lợi thế địa hình gò đồi và các diện tích đất nằm ven sông Bồ, người dân phường Hương Vân (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) đã mở rộng diện tích trồng cây thanh trà để phát triển kinh tế. Toàn phường Hương Vân có 400 hộ dân tham gia trồng thanh trà, thu nhập bình quân mỗi năm từ 150- 200 triệu đồng/1ha, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Thế nhưng, sau đợt mưa bão, lũ lụt liên tiếp vừa qua, rất nhiều cây thanh trà bị chết do ngâm lâu ngày trong nước lũ; một số diện tích thanh trà khác thoát được lũ lụt thì nhiễm dịch bệnh nấm khiến cây rụng lá, khô héo và chết. Bà Nguyễn Thị Đào (50 tuổi, ở tổ dân phố Lại Bằng, phường Hương Vân) không giấu được sự xót xa khi nhìn vườn cây ăn quả đặc sản được trồng 5 năm nay phải nhổ bỏ gần hết để chuẩn bị trồng lại cây giống mới.

Người dân ở tỉnh Thừa Thiên-Huế cải tạo, khôi phục lại vườn cây thanh trà sau bão lũ.

Người dân ở tỉnh Thừa Thiên-Huế cải tạo, khôi phục lại vườn cây thanh trà sau bão lũ.

“Sau nhiều năm bỏ công sức chăm bẵm, vụ mùa vừa rồi vườn cây thanh trà mới ra quả bói. Cứ nghĩ vụ mùa năm sau thanh trà sẽ cho thu hoạch thì không ngờ những trận lụt liên tiếp vừa qua khiến vườn cây bị ngập úng và bị chết. Giờ vợ chồng tôi phải loại bỏ những cây đã chết để trồng lại cây mới nhằm hồi sinh vườn thanh trà”, bà Đào rầu rĩ nói.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hương Vân cho biết, toàn phường có đến 138ha diện tích trồng cây thanh trà từ 3-5 năm tuổi bị chết do mưa lũ, gây thiệt hại vô cùng lớn. Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, người dân địa phương đã dọn vườn, chặt bỏ những cây thanh trà chết, những cây bị nấm được xử lý bằng cách bôi vôi, tỉa bớt cành lá và trồng dặm thêm cây mới để hy vọng sớm khôi phục lại những vườn thanh trà đặc sản của địa phương.

Không chỉ ở Hương Vân mà sau đợt bão lũ, hàng trăm hộ dân dân ở phường Thủy Biều, TP Huế cũng rơi vào cảnh điêu đứng khi các diện tích trồng cây thanh trà nhiều năm tuổi đều bị chết, hoặc bị nhiễm sâu bệnh làm cây yếu sức và chết. Từ năm 2015, vợ chồng anh Võ Bá Dũng (phường Thủy Biều) mạnh dạn vay vốn để trồng gần 100 gốc thanh trà; 2 năm sau, gia đình anh mở rộng diện tích vườn thanh trà lên đến 200 gốc. Tuy nhiên, các đợt mưa lũ xảy ra từ tháng 9 đến tháng 11/2020 khiến vườn thanh trà của gia đình anh và các hộ dân ở địa bàn phường đều bị ngập úng dẫn đến bị chết.

Theo ông Võ Trần Tuấn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều, thời gian qua, người dân ở địa bàn phường đã phát triển diện tích trồng thanh trà lên gần 200ha, sản lượng thu hoạch đạt hơn 900 tấn, doanh thu đạt hơn 30 tỷ đồng/năm; bình quân mỗi ha thanh trà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Sau khi Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế chọn Thủy Biều hỗ trợ mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì đã có hàng chục hộ dân đăng lý tham gia. Với những thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với diện tích thanh trà, hiện chính quyền và người dân địa phương đang nỗ lực khắc phục để hồi sinh lại các vườn thanh trà.

Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên-Huế thông tin, đợt bão lũ vừa qua khiến 540ha cây có múi ở tỉnh bị thiệt hại nặng, trong đó phần lớn là cây thanh trà, tập trung ở các xã, phường như Phong Thu (huyện Phong Điền); Hương Vân (thị xã Hương Trà); Thủy Biều (TP Huế).

Những ngày qua, Chi cục đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương, hợp tác xã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, giúp người dân kiểm tra bệnh chảy gôm, vàng lá, thối rễ ở cây thanh trà để có giải pháp phòng trừ kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh.

Đối với các diện tích trồng mới, trồng dặm lại cây chết sau lũ lụt, Chi cục hướng dẫn người trồng nên sử dụng giống cây nguồn gốc rõ ràng, đắp mô cao và trồng đúng kỹ thuật để hạn chế bệnh phát sinh. Đồng thời theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại nhằm có biện pháp phòng trừ sau khi vườn cây được phục hồi. Có như thế mới hy vọng sớm khôi phục lại được các vườn cây thanh trà đặc sản.

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/khoi-phuc-nhung-vuon-cay-thanh-tra-dac-san-xu-hue-623263/