Khôi phục lại sản xuất sẽ là phương án tối ưu nhất

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, khôi phục lại sản xuất sẽ là phương án tốt nhất trong việc tiếp tục xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ. Đây là một nội dung quan trọng sẽ được đề cập tới tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tổ chức ngày 28/9/2018 tới đây.

Ngoài thảo luận các giải pháp tiếp tục xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DNNN nói chung cũng sẽ được hội nghị nêu trên tập trung mổ sẻ. Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, đến nay, đã có 161 kiến nghị của 18 bộ, cơ quan ngang bộ, 44 DNNN và 46 địa phương gửi đến hội nghị, tập trung vào các vấn đề lớn về hoạt động của các DNNN, công tác săp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn.

Sản xuất tại Nhà máy DAP số 1 Hải Phòng

Theo ông Tiến, gần 2 năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tất cả 12 dự án yếu kém, thua lỗ đã triển khai các phương án khắc phục theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra. Các doanh nghiệp (DN) đã quyết liệt rà soát chi phí, đổi mới quản trị, tái cơ cấu sản xuất. Sau khi cơ cấu lại, hiện đã có 2 nhà máy hoạt động có lãi là Gang thép Lào Cai và DAP số 1 Hải Phòng, 4 nhà máy đã bắt đầu giảm lỗ gồm các Nhà máy đạm Hà Bắc, Ninh Bình, DAP số 2 Lào Cai và Đóng tàu Dung Quất; nhóm 3 dự án phải dừng hoạt động cũng đã sản xuất trở lại (Nhà máy Sơ sợi Đình Vũ); nhóm 3 dự án xây dựng dở dang, trong đó Nhà máy Bột giấy Phương Nam theo chủ trương sẽ bán để thu hồi vốn, dự án năng lượng ở Phú Thọ và dự án gang thép ở Thái Nguyên sẽ tính toán cơ cấu lại và tìm nhà đầu tư.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp:

Chính phủ sẽ vẫn nhất quán xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ theo cơ chế thị trường. Trong đó, dự án bột giấy Phương Nam nếu không bán được sẽ cho phá sản, những dự án khác không khôi phục lại được sản xuất sẽ phải chuyển đổi hình thức hoạt động.

Tuy nhiên, việc xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ theo cơ chế thị trường trong thời gian tới được cho là vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, khó khăn, vướng mắc lớn nhất là vấn đề pháp lý, đặc biệt là việc xác định giá trị doanh nghiệp, vấn đề quyền sử dụng đất, giá đất, mối quan hệ chủ đầu tư với tổng thầu EPC các dự án có tranh chấp…, nếu không giải quyết được những vấn đề này rất khó triển khai các giải pháp tiếp theo, khó tìm được nhà đầu tư.

Thực tế, một số dự án yếu kém, thua lỗ chưa hoạt động trở lại được không phải là không có tiềm năng để tiếp tục phát triển. Chẳng hạn, dự án Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy đóng tàu Dung Quất cũng đã có nhà đầu tư tư nhân quan tâm bỏ vốn nếu Nhà nước bán. Vấn đề đặt ra là cần phải tìm được nhà đầu tư đích thực, phải tổ chức bán công khai, không bán theo kiểu chỉ định thiếu tính minh bạch được. Ngoài ra, để xử lý hiệu quả các dự án này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng: Cần phải tính đúng, tính đủ các chi phí mới có thể đưa ra được phương án xử lý chính xác, hiệu quả, kể cả việc đầu tư để DN hoạt động có hiệu quả sau đó mới bán. Điều quan trọng hiện nay là các DN cần phải công khai, minh bạch, báo cáo thường xuyên theo tiến độ một cách chính xác tình hình hoạt động để các Bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội đưa ra các giải pháp xử lý căn cơ.

Ở góc độ chuyên gia, ông Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, lợi nhuận trên vốn chung của các DNNN hiện nay là 4,4%, nếu nâng được 1% lợi nhuận trên vốn của khu vực DNNN có thể tăng thêm được 0,7% GDP. Mặc dù 12 dự án yếu kém, thua lỗ không thuộc những lĩnh vực Nhà nước cần phải nắm giữ, song các dự án này đều sản xuất ra các sản phẩm quan trọng phục vụ cho các ngành công nghiệp cơ bản của nền kinh tế, ông Lưu Bích Hồ khuyến nghị, nên có phương án xử lý theo hướng cố gắng làm sao khôi phục lại được sản xuất của các dự án là tốt nhất./.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/khoi-phuc-lai-san-xuat-se-la-phuong-an-toi-uu-nhat-109169.html