Khôi phục dòng tranh hoàng kim một thời đã thất truyền 7 thập kỷ

Một nhóm người tâm huyết đã lần tìm trong sách, báo, tư liệu, đi thực địa để tái hiện vẻ đẹp, giá trị, dựng lại những tác phẩm sống động của dòng tranh đỏ Kim Hoàng.

Tranh dân gian Kim Hoàng là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam.

Dòng tranh này có quê hương ở thôn Kim Hoàng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Hiện nay, những người còn chứng kiến cách làm tranh Kim Hoàng tuổi đều đã cao.

Tại làng Kim Hoàng còn lưu lại tranh khổ lớn Đức Lưu Quang, Phúc Mãn Đường cùng vài bức tranh dân gian khác. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu giữ vài bức tranh như Thần kê, tranh lợn Kim Hoàng. Dường như, chính tại quê hương của mình, tranh Kim Hoàng không còn nhiều sản phẩm từng nức tiếng một thời.

Hành trình khôi phục dòng tranh đỏ

Với mong muốn phục hồi và phát huy giá trị di sản này, một dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng đã được thực hiện từ năm 2016. Theo những người thực hiện dự án, dòng tranh này đã vắng bặt trên thị trường khoảng 7 thập niên trở lại đây.

Nhóm dự án đã thực hiện từng thao tác, từ đúc khuôn, nhuộm giấy, in màu làm tranh.

Nhóm dự án đã thực hiện từng thao tác, từ đúc khuôn, nhuộm giấy, in màu làm tranh.

Trong quá trình thực hiện, bà Thu Hòa - người đứng đầu dự án - đã tiếp cận một tài liệu quý: tập sách Tranh dân gian Việt Nam của học giả, nhà nghiên cứu Maurice Durand (xuất bản năm 1960).

Trong cuốn sách này, bên cạnh các dòng tranh dân gian khác của Việt Nam như Đông Hồ, Hàng Trống, còn có cả những bức tranh đỏ Kim Hoàng. Con của Maurice là Marcus đã cùng các nhà khoa học Pháp - Việt chỉnh lý lại kho tư liệu của cha ở Paris, rồi tái bản tác phẩm. Cuốn sách được dịch và xuất bản ở Việt Nam năm 2017, với chất lượng in ấn tốt, màu sắc đẹp.

Từ những bức tranh trong cuốn sách của Durand, những người thực hiện dự án đã lần tìm những bức tranh Kim Hoàng, xác định điều gì làm nên đặc trưng, “chất” riêng, điểm độc đáo của dòng tranh dân gian này. Nhóm nghiên cứu xác định được các màu tạo nên thương hiệu tranh đỏ Kim Hoàng, bố cục tranh, các chữ Hán Nôm thường được đưa vào tranh...

Bên cạnh đó, họ cũng đi thực địa, tới thôn Kim Hoàng tìm gặp những người cao tuổi đã trực tiếp chứng kiến việc làm tranh, bán tranh ở thời hoàng kim. Không chỉ nghe nhân chứng kể lại, những người thực hiện dự án cũng nhờ các cụ cao tuổi giám định màu tranh cơ bản của Kim Hoàng, cách làm, cách phân phối tranh qua hệ thống các chợ ở những miền quê xứ Đoài.

Dựa trên những nghiên cứu đó, nhóm dự án đã khôi phục dòng tranh dân gian này. Sau một thời gian nỗ lực, họ đã phục hồi được 33 mẫu tranh khắc gỗ, 19 mẫu được vẽ tay. Ngoài ra, họ cũng tạo được một số mẫu mới với kỹ thuật, chất liệu tranh Kim Hoàng như: tranh Nghê (lấy mẫu từ đền Vua Đinh - Vua Lê, Ninh Bình), ba bức tranh tạo mẫu theo họa tiết hoa văn trang trí ở đình làng Kim Hoàng là: Em bé bắn cung, Em bé cưỡi phượng, Đấu vật.

Cuốn sách về kỹ thuật, giá trị của tranh Kim Hoàng

Song song với việc khôi phục dòng tranh đỏ, cuốn sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng cũng được thực hiện. Cuốn sách là công trình của ba tác giả: nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - chủ dự án, GS. TS Trịnh Sinh, nhiếp ảnh gia Lê Bích.

Cuốn sách gồm ba chương, với 346 ảnh màu minh họa, 24 tài liệu tham khảo và trích dẫn đã thể hiện sống động vẻ đẹp, giá trị của dòng tranh dân gian Kim Hoàng.

Hình ảnh trong sách đưa ra nhiều góc chụp khác nhau, mang tới người đọc những góc nhìn toàn cảnh về làng Kim Hoàng, cho tới cái nhìn cận cảnh về những họa tiết, chạm khắc trong đình làng. Quá trình khôi phục dòng tranh, in tranh, những cuộc triển lãm, giao lưu, giới thiệu tranh Kim Hoàng với công chúng trong nước và quốc tế cũng được thể hiện trong sách.

Sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng.

Ở phần đầu, cuốn sách giới thiệu cái nôi của dòng tranh Kim Hoàng. Thôn Kim Hoàng vốn là một làng Việt cổ điển hình ở xứ Đoài. Nơi đây có ngôi đình được xây dựng từ hơn 300 năm trước với nhiều hình chạm khắc gỗ, vốn gần gũi với những đề tài tranh dân gian. Điều này khiến những nhà nghiên cứu đặt giả thiết dòng tranh Kim Hoàng xuất hiện từ đầu thế kỷ 18. Những thông tin về phong tục, tập quán xưa của làng Kim Hoàng được đưa vào sách khiến tác phẩm mang bóng dáng của một công trình nghiên cứu về văn nghệ dân gian, dân tộc học.

Quá trình khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng được thể hiện rõ trong phần 2 cuốn sách. Từ những tư liệu của Maurice Durand, khảo sát thực địa, tham khảo các tư liệu, cùng những thao tác như phân tích, liệt kê, đối chiếu, nhóm dự án xác định được có 93 tranh Kim Hoàng. Các bức tranh này đã được những cụ cao niên trong làng Kim Hoàng xác nhận, các họa sĩ phản biện, góp ý.

Không dừng lại ở việc nghiên cứu, tìm hiểu về tranh dân gian Kim Hoàng, nhóm thực hiện dự án còn mong muốn những giá trị của dòng tranh này có sức sống lâu bền hơn. Do vậy, họ nghiên cứu nghề làm tranh Kim Hoàng từ nhiều khía cạnh, đề xuất ứng dụng trong cuộc sống đương đại.

Phần quan trọng nhất của cuốn sách nằm ở chương 3: Tranh dân gian Kim Hoàng. Các tác giả trình bày về những giá trị nghệ thuật và nội dung của tranh Kim Hoàng. Theo đó, dòng tranh này phục vụ tầng lớp bình dân, chủ yếu là nông dân, cụ thể là người dân xứ Đoài, các bức tranh đáp ứng nhu cầu tinh thần của họ mỗi dịp Tết đến xuân về.

Các kỹ thuật làm tranh Kim Hoàng cũng được các tác giả trình bày trong sách. Để có cái nhìn tổng thể, họ khái lược về lịch sử tranh khắc gỗ Việt Nam. Từ đó đi cụ thể vào dòng tranh Kim Hoàng, với giấy in tranh, kỹ thuật làm tranh, các bước tổ chức sản xuất và bán tranh Kim Hoàng…

Tranh dân gian Kim Hoàng không chỉ là cuốn sách về một dòng tranh dân gian quan trọng của Việt Nam, mà nó còn mang tới những hình ảnh đẹp, giá trị, là tinh túy nghệ thuật của cha ông. Qua đó, sách thể hiện nỗ lực, tâm huyết của những người yêu nghệ thuật dân gian đã khôi phục lại dòng tranh đỏ Kim Hoàng.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khoi-phuc-dong-tranh-hoang-kim-mot-thoi-da-that-truyen-7-thap-ky-post913049.html