Khôi phục áo dài nam giới - tại sao không?

Vừa qua, việc nam - nữ cán bộ, công chức Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế mặc áo dài đi làm đã được dư luận chú ý.

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, nếu muốn trở thành quốc phục, lễ phục, các nhà thiết kế thời trang cần biến hóa áo dài nam vẫn giữ được truyền thống, nhưng tiện dụng hơn.

Các thành viên của Câu lạc bộ Áo dài nam truyền thống.

Các thành viên của Câu lạc bộ Áo dài nam truyền thống.

Tìm về nguồn cội áo dài nam giới

Nhắc đến áo dài Việt Nam, người ta thường chỉ nghĩ đến hình ảnh duyên dáng, nhẹ nhàng của người phụ nữ thướt tha trong tà áo dài truyền thống, mà ít ai nhớ rằng bộ “áo dài, khăn đóng” cũng từng là trang phục truyền thống, đặc trưng của đàn ông Việt.

Theo sử sách ghi lại, ngay từ Thời vua Lý Thái Tông, nhà vua đã bắt đầu có ý định thể hiện đất nước tự cường thông qua trang phục. Đến thời chúa Nguyễn, vấn đề này càng được chú trọng. Chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công khai sáng và định hình cho chiếc áo dài Việt Nam ở xứ Đàng Trong.

Kể từ năm 1802 thời vua Gia Long trở đi, nhà Nguyễn đã hoàn thiện tà áo dài nam hoàn chỉnh. Không được may mắn như áo dài của nữ giới, trải qua nhiều biến cố lịch sử, tà áo dài ngũ thân của nam giới có lúc lại dường như bị quên lãng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường chia sẻ: “Sau năm 1945, đất nước rất nghèo, để may áo ngũ thân như thế này rất tốn vải vóc. Sau đó chúng ta đối mặt những cuộc chiến chinh trường kỳ, đó là lý do áo dài nam bị mai một.

Phong trào Tây hóa, thay đổi khiến người ta có cái nhìn mới hơn cũng là lý do áo dài nam bị ảnh hưởng. Đất nước lại tiếp tục chiến tranh và tà áo dài không có cơ hội được tiếp tục nối liền. Một điểm rất oan cho tà áo dài nam là hình ảnh áo dài này gắn liền với hình ảnh cụ lý trưởng, cường hào ác bá làm người ta có cái nhìn sai lệch về tà áo dài nam giới”.

Thực chất, chiếc áo dài nam đã vô cùng tối giản. Nó mang tính giáo dục rất cao, khi ta mặc bộ trang phục lên người, nó buộc chúng ta phải có phong thái nghiêm trang, đĩnh đạc. Bộ trang phục của người đàn ông Việt cũng luôn có một chiếc khăn quấn chứ không phải một chiếc khăn đóng sẵn. Bởi chính thao tác quấn khăn thể hiện sự chỉn chu của đàn ông Việt.

Áo dài nam truyền thống nguyên vẹn ban đầu có 5 thân và 5 cúc nên thường được gọi là áo dài ngũ thân. Đặc biệt nói đến 5 thân phải nói đến chắp tà bào gồm 2 tà trước, 2 tà sau và 1 tà ở giữa. Tà áo phải rộng và tay phải nhỏ búp. Đến sau này, tà áo dài được cải biên rất nhiều trên sân khấu. Đến khi mở cửa hội nhập, các nhà thiết kế đã cách tân khiến áo dài không có hình ảnh 5 thân nguyên gốc...

Cần cải tiến áo dài nam

Sinh thời, cố GS Trần Văn Khê từng nêu quan điểm: “Áo dài của nam và nữ là quốc phục của Việt Nam. Hình ảnh chiếc áo dài cũng đã trở thành biểu tượng của Việt Nam trong lòng bạn bè các nước. Tôi thích mặc áo dài vì hình thức không chỉ phù hợp trong việc biểu diễn âm nhạc dân tộc mà mặc bộ trang phục đó còn chứng tỏ mình đang tham dự một lễ hội quan trọng...”.

Nhưng nhiều năm trở lại đây, nam giới ở nước ta hiếm sử dụng áo dài, khăn đóng, thay vào đó là những trang phục quần âu, áo sơ mi, veston mỗi khi có sự kiện quan trọng hay đi ra đường. Áo dài, khăn đóng dần bị quên lãng.

Một số ý kiến cho rằng, hạn chế của áo dài, khăn đóng gần như không được cải tiến trong suốt trăm năm qua, trong khi áo dài của nữ giới lại phát triển không ngừng nghỉ. Theo họ, khác với hồi xưa các cụ ngồi lọng và đi bộ, hiện nay, hầu hết đàn ông đi xe máy, số ít đi ô tô.

Nếu đi xe máy mà mặc áo dài thì vạt áo “treo” ở đâu? Nếu cầm vạt áo sau để theo tay lái thì lại bị biến thành “ẻo lả” nhưng phụ nữ, nếu để vạt áo tự tung bay thì sẽ vướng víu, dễ gây tai nạn. Chưa kể tới, áo dài phải có khăn đóng, mà khăn đóng thì không đội được mũ bảo hiểm? Nếu “cắp nách”, hoặc treo khăn đóng vào xe máy nom rất…lủng củng!

Để áo dài nam cùng với áo dài nữ trở thành quốc phục, lễ phục, rất nhiều ý kiến cho rằng các nhà thiết kế thời trang nên cải tiến áo dài nam. Quốc phục phải có hơi hướng đương đại, không chỉ đơn thuần mang tính dân tộc. Khi đã là quốc phục thì từ người 18 tuổi đến 80 tuổi đều thích được mặc. Do vậy, nếu muốn trở thành quốc phục, lễ phục, các nhà thiết kế thời trang cần biến hóa áo dài nam vẫn giữ được truyền thống nhưng tiện dụng hơn.

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Việt cho rằng, ngoài các nhà thiết kế chắt lọc tinh hoa bản sắc Việt, các cơ quan chức năng, truyền thông cần tăng cường tuyên truyền, tôn vinh áo dài nam. Có vậy, không chỉ áo dài nữ mà áo dài nam sẽ sớm trở thành quốc phục, lễ phục vào một ngày không xa.

Hãy nhận diện áo dài nam như một nét văn hóa cha ông

Trong vài năm trở lại đây, kể từ khi CLB áo dài nam của nhóm Đình làng Việt được thành lập, nhóm đã quy tụ được nhiều thành viên yêu thích và thể nghiệm áo dài. Thành viên trong nhóm phần lớn là những nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ – những người góp phần tích cực quảng bá hình ảnh áo dài và vận động mọi người mặc áo dài trong dịp lễ Tết.

Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam thuộc NXB Thế giới, cũng là một thành viên của nhóm Đình làng Việt bày tỏ: “Nhóm Đình làng Việt chúng tôi không chủ trương kêu gọi nam giới thay đổi bộ y phục hiện tại bằng áo dài. Mà chúng tôi kêu gọi nam giới hãy mặc áo dài nam giới trong những dịp trọng đại và đặc biệt.

Tết nếu chúng ta ra hồ Hoàn Kiếm thấy chị em mặc áo dài rất đẹp. Vậy thì nam giới cũng mặc áo dài càng đẹp hơn. Hãy quay trở lại nhận diện áo dài nam và coi nó như là một thứ quốc hồn quốc túy. Giữa truyền thống và hiện đại có một gạch nối, gạch nối ấy là điều rất tế nhị, chúng ta cần kế thừa truyền thống và chuyển biến thành hiện đại”.

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/khoi-phuc-ao-dai-nam-gioi--tai-sao-khong-d135348.html