Khơi nguồn sáng tạo

Những năm qua, Trường Đại học Phạm Văn Đồng luôn tạo điều kiện để sinh viên được trải nghiệm với những cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật lớn. Niềm đam mê của sinh viên, dưới sự hướng dẫn tận tình của các thầy, cô giáo đã mang về nhiều giải thưởng đáng khích lệ. Mới đây nhất, nhóm sinh viên của trường đã đoạt giải Ba Cuộc thi 'Ý tưởng sinh viên bảo vệ chủ quyền và phát triển biển, đảo Tổ quốc' do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức.'Các em là những sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, các em còn ít kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu. Do vậy, các thầy, cô giáo đã định hướng và đồng hành để giúp các em nghiên cứu thành công. Trong thời gian tới, các giảng viên và nhóm tác giả sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu, đưa đề tài vào ứng dụng trong thực tiễn'.

“Người dân Lý Sơn phải sử dụng lớp cát san hô hút từ biển để phủ lên lớp đất mặt ruộng tỏi trước khi xuống giống. Việc khai thác cát từ biển để trồng tỏi không chỉ làm tăng giá thành sản xuất mà còn đe dọa sự bền vững, đa dạng của khu bảo tồn biển và tác động đến tiềm năng phát triển ngành du lịch của Lý Sơn, đồng thời gây ra nguy cơ sạt lở, xói mòn trên đảo.

Do đó, chúng em đã đưa ra ý tưởng nghiên cứu bổ sung khoáng chất nhằm thay thế việc sử dụng cát san hô trong quá trình canh tác tỏi ở Lý Sơn", em Nguyễn Hồng Sơn, sinh viên năm 3 Khoa Hóa - Sinh - Môi trường (Trường Đại học Phạm Văn Đồng), chia sẻ về đề tài vừa đoạt giải.

Nhóm tác giả luôn được các thầy, cô giáo tận tâm hướng dẫn thực hiện đề tài. ẢNH: T.PHƯƠNG

Trước đây, có nhiều tác giả đã nghiên cứu đề tài liên quan đến trồng tỏi ở Lý Sơn, nhưng chỉ tập trung vào phần phân hữu cơ, hoặc các khoáng đa lượng. Còn nhóm ba sinh viên gồm: Nguyễn Hồng Sơn, Tạ Thị Cẩm Ngân, Bùi Thu Thảo - những sinh viên năm 3 của Khoa Hóa - Sinh - Môi trường (Trường Đại học Phạm Văn Đồng) tập trung vào việc bổ sung cả khoáng đa lượng và vi lượng có liên quan đến lớp cát biển, vì các thành phần này có vai trò quan trọng trong việc tạo các hợp chất thứ cấp tạo nên chất lượng và hương vị đặc trưng của củ tỏi.

Tiến sĩ Trương Thị Bích Hồng (Trường Đại học Phạm văn Đồng), giảng viên hướng dẫn đề tài nhận xét: “Các em là những sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, các em còn ít kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu. Do vậy, các thầy, cô giáo đã định hướng và đồng hành để giúp các em nghiên cứu thành công. Trong thời gian tới, các giảng viên và nhóm tác giả sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu đưa đề tài vào ứng dụng trong thực tiễn”.

Tiến sĩ TRƯƠNG THỊ BÍCH HỒNG (Trường Đại học Phạm văn Đồng)

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng Trần Thị Mai Đào, trước đây, có rất nhiều cuộc thi được tổ chức, nhưng khi dự án đoạt giải thì chỉ dừng lại ở việc trao giải. Còn lần này, Ban tổ chức đã yêu cầu tác giả gửi lại bản dự toán kinh phí triển khai ý tưởng với số tiền tối đa 50 triệu đồng để Hội đồng Ban giám khảo làm căn cứ họp để xét chọn ý tưởng, cấp kinh phí triển khai thực tế. Để đưa vào nghiên cứu trong thực tiễn đòi hỏi chi phí rất cao, nhà trường sẽ tìm nguồn hỗ trợ cho các em trong quá trình thực hiện đề tài.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Cần, giảng viên Khoa Hóa - Sinh - Môi trường, đồng hướng dẫn đề tài, cho biết: Trường có lợi thế về kỹ thuật với chiếc máy quang phổ phát xạ nguyên tử plasma ICP- AES. Các em phân tích được các hàm lượng của nguyên tố khoáng trước và sau khi trồng tỏi để biết được sau vụ tỏi thì lớp cát đã mất đi những lớp khoáng gì.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu các chế phẩm phân vi lượng bón bổ sung khoáng chất để phục hồi lại công thức khoáng cho lớp cát như mới lấy dưới biển lên. Hàm lượng phân vi lượng được sử dụng rất thấp, với giá thành rẻ nên chi phí sản xuất tỏi sẽ được giảm đáng kể. Lợi ích lớn nhất của ý tưởng lần này là giảm việc khai thác cát biển vốn gây ảnh hưởng đến môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên; tăng năng suất và chất lượng tỏi, góp phần nâng cao thương hiệu tỏi Lý Sơn; giảm giá thành sản xuất do giảm chi phí thay thế, bổ sung lớp cát biển nhằm hướng đến việc phát triển bền vững ngành sản xuất tỏi ở huyện đảo Lý Sơn.

T.PHƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2027/202009/khoi-nguon-sang-tao-3023527/