Khơi nguồn giá trị văn hóa truyền thống du lịch ở Hà Giang

Một trong những bản sắc riêng làm nên sức hấp dẫn của du lịch Hà Giang chính là giá trị văn hóa truyền thống. Cộng đồng dân cư ở đây không chỉ là chủ thể tạo nên các sản phẩm du lịch mà còn luôn giữ gìn, bảo tồn các giá trị tự nhiên và nhân văn được khai thác phục vụ cho du lịch. Để tìm hiểu rõ hơn về tiềm năng này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc trao đổi với đồng chí Triệu Thị Tình, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang.

Phóng viên (PV): Đồng chí cho biết những nét riêng biệt, đặc sắc về du lịch của tỉnh Hà Giang?

Đồng chí Triệu Thị Tình: Hà Giang có vị trí thuận lợi, là điểm cực Bắc của Tổ quốc, là nơi giao thoa tiếp giáp giữa 2 vùng văn hóa Đông Bắc-Tây Bắc, đồng thời là điểm trung chuyển giữa cung đường du lịch Đông-Tây-Bắc và tiếp giáp với thị trường du lịch tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

 Phó giám đốc Sở VHTT&DL Hà Giang Triệu Thị Tình.

Phó giám đốc Sở VHTT&DL Hà Giang Triệu Thị Tình.

Những năm qua, Hà Giang ngày càng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của du khách trong và ngoài nước, bởi sự phong phú và hấp dẫn của nguồn tài nguyên du lịch. Là vùng đất có lịch sử văn hóa nhân văn lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc với những đặc trưng riêng có như Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo… Cùng với đó là những di tích lịch sử văn hóa, danh thắng đã được xếp hạng quốc gia, tiêu biểu như: Phố cổ Đồng Văn; khu di tích kiến trúc nhà Vương; cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn); chùa Sùng Khánh, chùa Bình Lâm (Vị Xuyên); Di tích cách mạng Tiểu khu Trọng Con (Bắc Quang); Căng Bắc Mê (Bắc Mê); bãi đá cổ Nấm Dẩn (Xín Mần); danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì...

Ngoài ra, sự phức tạp về địa hình chính là lợi thế đã tạo cho Hà Giang những điều kiện tự nhiên vùng cảnh quan đặc thù, mang lại nguồn lợi lớn về du lịch. Đó là vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ. Ví dụ như ở vùng cao núi đá phía Bắc, nơi những đỉnh đèo, vách núi nổi tiếng như Mã Pì Lèng (Mèo Vạc) được mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan”; cổng trời, Núi Đôi (Quản Bạ), hoang mạc đá, rừng đá (Đồng Văn, Mèo Vạc)...

Với những giá trị đặc biệt đó, năm 2010 Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Hội đồng tư vấn mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) của Tổ chức UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đây cũng là Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam.

Múa Ngựa dân tộc Nùng. Ảnh: Hồ Sơn.

PV: Để mỗi học sinh, mỗi người dân là hướng dẫn viên du lịch, tỉnh Hà Giang đã có những giải pháp gì?

Đồng chí Triệu Thị Tình: Năm 2016, tỉnh Hà Giang đã ban hành Đề án Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông, giai đoạn 2016-2020. Đề án không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Đây là cơ sở để giúp các em học sinh hiểu hơn về quê hương, văn hóa cũng như phong tục tập quán của mình. Bên cạnh đó, khi tỉnh có chủ trương, mọi cấp, mọi ngành và người dân là một hướng dẫn viên du lịch, đại sứ du lịch. Theo đó, Báo Hà Giang và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh đã mở Chuyên mục Du lịch Hà Giang mời gọi phóng viên, cộng tác viên, các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên trong toàn quốc tham gia.

Thông qua đó, khơi nguồn tiềm năng, khai thác mọi thế mạnh của tỉnh từ văn hóa, ẩm thực, tập tục, phong cảnh, lễ hội... Đồng thời, chuyên mục văn hóa và du lịch trên báo in được ưu tiên đăng tải các bài viết về Hà Giang. Do vậy, thu hút được nhiều du khách đến Hà Giang.

Đặc biệt, hằng năm chúng tôi đều phối hợp với các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực du lịch, mở các lớp hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.

PV: Làm thế nào để bảo tồn giá trị truyền thống các dân tộc trong quá trình hội nhập và phát triển du lịch, thưa đồng chí?

Đồng chí Triệu Thị Tình: Để bảo tồn giá trị truyền thống các dân tộc trong quá trình hội nhập và phát triển du lịch trong thời gian qua, chúng tôi đã triển khai đồng bộ một số giải pháp đó là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa. Xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với những hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người nơi đây.

Tiếp tục giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng,... trong các lễ hội văn hóa; tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch.

Nam thanh, nữ tú dân tộc Pà Thẻn. Ảnh: Hồ Sơn.

Cùng với đó chúng tôi chú trọng bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt quy hoạch thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; tập trung đầu tư, hỗ trợ công tác sưu tầm, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống; các làng văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ các địa phương xây dựng và tổ chức tập huấn nghiệp vụ; xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát.

Đặc biệt, hằng năm chúng tôi đều tham mưu với lãnh đạo, chính quyền tỉnh tôn vinh các nghệ nhân và những người am hiểu văn hóa truyền thống, có công trong việc bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, luôn thực hiện các chương trình phục hồi, bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một.

PV: Để hội nhập và phát triển bền vững, theo đồng chí thời gian tới ngành du lịch của tỉnh Hà Giang cần phải làm gì?

Đồng chí Triệu Thị Tình: Mới đây, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh Hà Giang (nhiệm kỳ 2020-2025) nhấn mạnh, phát triển du lịch, nông nghiệp, nông thôn mới là một trong ba khâu “đột phá”. Chúng tôi xác định, đây là một trong những chương trình trọng tâm lớn của tỉnh, là cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả, khẳng định vị trí trong bản đồ du lịch Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện các Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt như: Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang tham quan sản phẩm đặc trưng của huyện Hoàng Su Phì. Ảnh: Đình Hiệp.

Trong xây dựng và phát triển du lịch phải có trọng tâm, trọng điểm, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Phát triển phải đi đôi với gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của địa phương. Cùng với đó, xác định chủ thể phát triển là văn hóa. Trong đó, gắn kết với việc đa dạng hóa các loại hình du lịch sinh thái, lịch sử, địa chất và tâm linh; khai thác tốt các lợi thế và tiềm năng sẵn có trên cơ sở định hướng một cách khoa học về giá trị tài nguyên văn hóa nhân văn, coi đây là yếu tố quan trọng để cấu thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc thù của tỉnh. Bên cạnh đó, phát triển văn hóa du lịch phải gắn với phát triển kinh tế xã hội của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh và phù hợp với chiến lược phát triển của khu vực và cả nước để có bước phát triển toàn diện, bền vững.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm đến việc thu hút đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng và an tâm cho các doanh nghiệp khi đến với Hà Giang, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ cũng như cơ sở hạ tầng phục vu cho ngành du lịch.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

KIÊN THÁI (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/khoi-nguon-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-du-lich-o-ha-giang-643026