Khối ngoại ưu tiên cổ phiếu ngân hàng, hóa chất trong năm 2022

Với giá trị mua ròng hơn 29.000 tỷ đồng trong năm 2022, khối ngoại tập trung gom các nhóm cổ phiếu ngân hàng, hóa chất, bán lẻ, dầu khí.

Số liệu thống kê trong năm 2022 cho thấy nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tổng cộng 29.130 tỷ đồng trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Số tháng mua ngang bằng số tháng bán ròng. Riêng hai tháng cuối năm nay, nhà đầu tư ngoại giải ngân khoảng 30.250 tỷ đồng mua ròng trên thị trường. Tháng 11 ghi nhận quy mô mua ròng kỷ lục với hơn 16.900 tỷ đồng.

Về nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng là nhóm khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị gần 7.700 tỷ đồng trên sàn HOSE, theo sau là nhóm hóa chất (6.644 tỷ đồng), bán lẻ (4.880 tỷ đồng), chứng khoán (3.135 tỷ đồng). Chiều ngược lại, cổ phiếu thép dẫn đầu về quy mô bán ròng của khối ngoại trên sàn HOSE với 4.270 tỷ đồng.

Theo từng mã chứng khoán, DCVFM VN Diamond ETF được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị trên 3.900 tỷ đồng trong năm 2022. Chiều ngược lại E1VFVN30 ETF bị bán ròng 1.390 tỷ đồng.

Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, mã STB của Sacombank dẫn đầu về giá trị mua ròng trong năm 2022 với gần 4.600 tỷ đồng. Dragon Captial là một trong những tổ chức đầu tư ngoại gom cổ phiếu STB mạnh nhất. Nhóm quỹ này công bố thông tin họ trở thành cổ đông lớn của Sacombank trong năm nay.

Một cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận giá trị mua ròng lớn là CTG của VietinBank với hơn 3.000 tỷ đồng. Ngược lại, khối ngoại bán ròng 4.620 tỷ đồng đối với cổ phiếu EIB.

Cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đứng thứ hai về giá trị mua ròng trên toàn thị trường với hơn 3.140 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu ưa thích của nhóm quỹ Dragon Capital, VinaCapital. Ngoài ra, dòng tiền ngoại còn hướng đến các cổ phiếu như DPM (2.487 tỷ đồng), DCM (1.292 tỷ đồng).

Trong một năm khởi sắc của giá dầu thô, dòng tiền ngoại cũng tìm đến hai mã là PVD (1.455 tỷ đồng), PVS (1.271 tỷ đồng).

Ở nhóm bán lẻ, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động được mua ròng mạnh nhất với 2.348 tỷ đồng, theo sau là PNJ của Phú Nhuận (1.041 tỷ đồng).

Với cổ phiếu bất động sản, dòng tiền hướng tới các mã như VHM (2.210 tỷ đồng), NLG (1.939 tỷ đồng), VRE (1.177 tỷ đồng). Trong khi ở chiều bán ròng có NVL (3.511 tỷ đồng) và VIC (2.933 tỷ đồng).

Hoạt động mua ròng đạt giá trị trên 1.000 tỷ đồng còn có các cổ phiếu như FPT (1.936 tỷ đồng), VNM (1.916 tỷ đồng), GMD (1.274 tỷ đồng).

Tùng Lâm

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/khoi-ngoai-uu-tien-co-phieu-ngan-hang-hoa-chat-ban-le-trong-nam-2022-d35670.html