Khởi nghiệp với ngải cứu

Với tinh thần đổi mới sáng tạo, anh Hà Văn Lộc đã khéo léo đưa loại thảo dược quen thuộc vào nhiều sản phẩm như máy hơ ngải cứu và điếu ngải cứu, từng bước khẳng định thương hiệu riêng trên thị trường.

Trước thời điểm những năm 2015-2016, tại Việt Nam chưa thấy xuất hiện sản phẩm nhang ngải cứu nào mà không dùng đến keo kết dính, cũng như được sản xuất với 100% nguyên chất và thành phẩm có khả năng giữ nguyên màu xanh diệp lục.

Hay nói cách khác, vì không được sản xuất nguyên chất nên tất cả nhang ngải cứu hiện bày bán trên thị trường về cơ bản đều rất độc, hại và gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhận ra điều này, anh Hà Văn Lộc và công ty khởi nghiệp Sài Gòn TCS đã nghiên cứu và sản xuất nhang ngải cứu với hàm lượng ngải cứu trong nhang là 100% nguyên chất mà không cần sử dụng chất kết dính và phụ gia. Nhờ kỹ thuật sấy đặc biệt, ngải cứu TCS vẫn giữ được màu xanh diệp lục và hàm lượng tinh dầu tự nhiên.

Người có sáng kiến khởi nghiệp này là anh Hà Văn Lộc, vốn là kỹ thuật viên của một công ty chuyên sản xuất đệm. Ý tưởng bắt đầu khi một người bạn của anh nhờ chế tạo một chiếc máy hơ ngải cứu, bởi các loại máy hơ ngải cứu có sẵn trên thị trường lúc này có giá khá đắt - khoảng hơn 3 triệu đồng. Sau một thời gian nghiên cứu, anh đã thiết kế ra chiếc máy hơ ngải cứu thân gỗ (thay vì thân nhựa như những chiếc máy khác), kích thước nhỏ gọn, dễ sử dụng, với giá cơ bản 1,6 triệu đồng.

Cuối năm 2016, anh Lộc đã đem máy hơ ngải cứu và viên ngải cứu tham gia và đạt giải nhất cuộc thi Nhà sáng tạo xuất sắc nhất (Best Innovator Award) năm 2016. Đây là cuộc thi do Đại học Leipzig (Đức) phối hợp với Đại học Việt Đức và Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM tổ chức dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cá nhân và nhóm khởi nghiệp.

Từ đây, Lộc trở thành thành viên vườn ươm Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM và thành lập Công ty TNHH Sài Gòn TCS.

TCS cũng đã được Chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020 (SpeedUp 2017) thuộc Sở KHCN TP.HCM tài trợ 700 triệu đồng để tiếp tục thực hiện dự án về máy hơ ngải cứu và điếu ngải cứu.

Hiện nay, TCS đang phát triển cây ngải cứu với kỹ thuật đặc biệt là trồng trên nền thảm sinh học kháng sâu bệnh, tạo độ ẩm cho đất, tạo hệ sinh thái cho côn trùng dưới lòng đất và thiên địch, hạn chế tưới nước và không dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Nhờ vậy, cây ngải cứu do TCS trồng có chất lượng cao. Cây khỏe, thơm, và hàm lượng dược chất cao hơn.

Được biết, hiện công ty Sài Gòn TCS và các giải pháp, sản xuất chiết xuất từ ngải cứu của TCS đang tham gia bình xét Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (I-Star) năm 2018.

Giải thưởng I-Star được xem là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng kết quả nghiên cứu phát triển vào sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo ra những đột phá mới cho sự tăng trưởng bền vững của TP.HCM và cả nước.

Thông qua giải thưởng , Sở KHCN TP.HCM muốn xây dựng văn hóa về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong mọi lĩnh vực, đồng thời lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.

Đối tượng và tiêu chí của giải thưởng:

• Đối tượng 1: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã thực hiện ý tưởng kinh doanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, có thành tích nổi bật, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho Thành phố.

• Đối tượng 2: Tổ chức, cá nhân có giải pháp đổi mới sáng tạo, giải quyết những vấn đề của cộng đồng và mang lại hiệu quả thiết thực cho Thành phố.

• Đối tượng 3: Các tác phẩm truyền thông có nhiều tác động đến hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng.

• Đối tượng 4: Các tổ chức ươm tạo, tổ chức hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, các chuyên gia tư vấn,... có đóng góp tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Nguồn PC World: http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/nha-nuoc/2018/08/1257262/khoi-nghiep-voi-ngai-cuu/