Khởi nghiệp vì cộng đồng – cuộc đua của người trẻ

Cuộc thi 'Nhà khởi nghiệp của năm 2018 – 2019' đã thu hút hơn 600 startup trẻ tham gia cải thiện đời sống xã hội. Tại chung kết, 13 dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất đã gây ấn tượng mạnh mẽ bằng sự thông minh, sáng tạo và sức ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng.

“Nhà khởi nghiệp của năm 2018 – 2019” là một trong những sân chơi khởi nghiệp xã hội mang tầm cỡ quốc tế lớn nhất hiện nay. Là nhà tổ chức, Tập đoàn năng lượng Total (Pháp) mong muốn khuyến khích văn hóa khởi nghiệp toàn cầu bằng cách truyền năng lượng cho những ý tưởng khởi nghiệp đột phá, khả thi và có ích cho xã hội. Chương trình còn là cầu nối giữa cộng đồng khởi nghiệp trẻ và các chuyên gia kinh tế, xã hội trong nước. Từ đó, các startup sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm hữu ích để ứng dụng cho dự án cá nhân.

 Buổi lễ khai mạc (15/2) cho ngày thi tài giữa 13 thí sinh xuất nhất

Buổi lễ khai mạc (15/2) cho ngày thi tài giữa 13 thí sinh xuất nhất

Cọ sát và đối đầu

Đãi cát tìm vàng từ hơn 600 bài dự thi, ban giảm khảo và cộng đồng đã chọn ra 13 dự án sáng tạo, giải quyết các vấn đề xã hội hiệu quả nhất. Trong vòng thi chung kết ngày 15/2/2019 để dành giải thưởng lên tới 335 triệu đồng, họ đã luân phiên trình bày ý tưởng kinh doanh của mình và trải qua phần hỏi đáp hồi hộp mà bổ ích cùng ban giám khảo. Dự án đoạt giải nhất sẽ đại diện Việt Nam, tiếp tục tranh tài cùng các startup trẻ khu vực châu Á Thái Bình Dương. Sau đó, người thắng giải cấp khu vực sẽ được đưa đến Paris (Pháp) để tham gia vòng thi toàn cầu vào tháng 3/2019. Đây là cơ hội để các nhà khởi nghiệp trẻ làm quen và cọ sát với môi trường cạnh tranh quốc tế.

Các thí sinh chụp hình lưu niệm cùng chương trình

Các startup dự thi đến từ nhiều vùng miền trên cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… đem đến sân chơi một cái nhìn đa dạng về toàn cảnh startup Việt Nam. Một số điểm sáng tiêu biểu thuộc các lĩnh vực như:

Công nghệ: Dự án iNut Platform của anh Đoàn Vĩnh Phú cung cấp nền tảng công nghệ cho việc lập trình, phát triển các ứng dụng của IoT; app đọc kết quả xét nghiệm của chị Trần Ngân giúp chăm sóc sức khỏe cá nhân; anh Dương Ngọc Hùng giúp kết nối người tham gia giao thông có cùng điểm đến… đều gây ấn tượng với giải pháp công nghệ giàu tính ứng dụng.

Giáo dục: Hệ thống trường mầm non tư thục cho người thu nhập thấp của của anh Trương Hoàng Huỳnh Long; trại hè bổ sung kỹ năng mềm và kiến thức xã hội cho tuổi teen của bạn Nguyễn Hạnh Nguyên; anh Đinh Minh Quyền với dự án Phổ cập tiếng Anh giao tiếp, Talks cafe 100% English… đã thể hiện tính đột phá trong việc truyền tải kiến thức.

Bảo trợ xã hội: Trung tâm bảo trợ xã hội tư nhân Hoa Sao của chị Bùi Kiều Chinh đưa ra hệ thống giáo dục và hướng nghiệp toàn diện cho trẻ khuyết tật. Dự án bảo đảm tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em kém may mắn và giải quyết vấn đề việc làm cho xã hội.

Sức khỏe cộng đồng: Nhiều sản phẩm sáng tạo giải quyết bất cập trong đời sống đã được giới thiệu như sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật MultiGlass của anh Lê Hoàng Anh, kính gắn mũ bảo hiểm khắc phục tật khúc xạ Gmet của chị Nguyễn Hồng Anh.

Danh sách chiến thắng chung cuộc sẽ được công bố tại lễ trao thưởng diễn ra vào đầu tháng 3/2019. Rất nhanh, những ý tưởng khởi nghiệp này sẽ không chỉ tồn tại trên trang giấy, mà được hiện thực hóa trong đời thường.

Chinh phục dàn giám khảo khó tính

Ngoài các đại diện từ phía Total, cuộc thi còn có sự góp mặt của đội ngũ chuyên gia trong nước với vai trò vừa là giám khảo, vừa là cố vấn đồng hành hướng dẫn thí sinh. Họ là những người “cầm cân nảy mực”, chọn ra ý tưởng kinh doanh xuất sắc nhất. Ông Xavier Pinatelle, tổng giám đốc của Total Vietnam, tỏ vẻ bất ngờ trước sự can đảm tiên phong và tầm nhìn sâu rộng của các thí sinh. Toàn ban giám khảo đều đặt kỳ vọng vào khả năng thành công và tầm ảnh hưởng tới cộng đồng của các dự án.

Dàn giám khảo tâm đắc trước ý tưởng xuất sắc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khoi-nghiep-vi-cong-dong-cuoc-dua-cua-nguoi-tre-116422.html