Khởi nghiệp từ sản phẩm địa phương

Hợp tác phát triển kinh doanh, phát huy tài nguyên bản địa, đó là hướng đi mới của nhiều thanh niên trên con đường khởi nghiệp ngay tại quê nhà.

Phát triển và bảo tồn nguồn rong mơ

Quê ở xã Bình Hải, với Đỗ Thị Tú Trinh (26 tuổi), hương vị của rong mơ gắn bó từ những ngày còn ấu thơ. Trinh cho biết, thay vì chuẩn bị các loại nước uống tăng lực, sữa để ba mang theo khi đánh bắt hải sản trên biển, bà và mẹ của Trinh thường nấu nước rong mơ cho ba. Vì thế, tôi ấp ủ ý tưởng làm nước rong mơ, để góp phần phát huy lợi thế nguồn rong mơ ở quê nhà.

Anh Nguyễn Tấn Phúc sắp xếp những chai nước rong mơ SeRi Choice lên kệ cửa hàng OCOP Thu Ba Food (TP.Quảng Ngãi).

Anh Nguyễn Tấn Phúc sắp xếp những chai nước rong mơ SeRi Choice lên kệ cửa hàng OCOP Thu Ba Food (TP.Quảng Ngãi).

Nhóm của Trinh gồm những người bạn trẻ cùng chí hướng đã cho ra dòng sản phẩm nước rong mơ dinh dưỡng mang tên SeRi Choice. Nhóm của Trinh đã dành thời gian 2 năm để nấu thử nghiệm, cho ra đời sản phẩm đạt chất lượng, có hương vị phù hợp với nhiều người. “Ban đầu, sản phẩm bán lẻ theo cách truyền thống. Sau đó, xác định hướng kinh doanh lâu dài nên chúng tôi tăng cường đầu tư, thiết kế logo, nhãn mác, bao bì. Mỗi người phụ trách mỗi việc khác nhau, gồm sản xuất, kinh doanh và marketing”, anh Nguyễn Tấn Phúc (29 tuổi), chồng của Trinh, chia sẻ.

Hiện nay, nước rong mơ SeRi Choice được bán tại nhiều cửa hàng tạp hóa, quán ăn trong và ngoài tỉnh. Không chỉ là nước uống giải khát, nước rong mơ có nhiều dưỡng chất, tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, chủ một chuỗi các cơ sở sản phẩm không sử dụng chất bảo quản tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu đã kết nối và sẵn sàng mua nước rong mơ SeRi Choice với số lượng lớn, để phân phối trên thị trường. Với thị trường còn nhiều tiềm năng, nhóm của Trinh đang tìm hướng đầu tư máy móc để nâng cao hiệu quả sản xuất, sản phẩm có thời gian sử dụng dài hơn. Để bảo tồn nguồn rong mơ tự nhiên, nhóm bạn trẻ này khuyến khích người dân thu hoạch rong mơ bằng cách cắt chừa lại gốc, thay vì nhổ như trước, để rong mơ sinh trưởng, phát triển trở lại.

Đa dạng sản phẩm từ nông nghiệp

Với các bạn trẻ Phạm Hoàng Huy (33 tuổi), quê xã Bình Hải (Bình Sơn) và Phạm Văn Hùng (29 tuổi), ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), họ dành nhiều tâm huyết để khởi nghiệp từ ngành nông nghiệp. Hai bạn trẻ này vừa cho ra thị trường sản phẩm mới là mía đóng gói. Đây là loại mía tím, sau khi róc sạch, cắt khúc, được đóng gói bao bì, bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 100C. Mía viên ăn liền giúp làm sạch răng miệng, tốt cho sức khỏe. Việc đóng gói trong bao bì giúp dễ sử dụng, vệ sinh hơn.

Anh Phạm Văn Hùng giới thiệu về sản phẩm mía đóng gói SA-ACH.

Công việc này còn góp phần tạo việc làm cho lao động nữ tại địa phương, với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, nhóm đã đầu tư máy móc để thực hiện róc, cắt khúc cung cấp cho các tiệm ép nước giải khát. “Mía là cây trồng quen thuộc ở nhiều địa phương trong tỉnh. Việc đóng gói bao bì, bảo quản lạnh giúp nâng tầm cây trồng truyền thống", Hùng chia sẻ.

Trước đây, hai bạn trẻ Huy, Hùng và cộng sự đã ra mắt sản phẩm dế xào sả ớt đóng gói. Sau một thời gian, nhóm phát triển sản xuất thành viên nén protein từ dế. Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng thuận tự nhiên, các bạn trẻ này xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng, gồm những sản phẩm từ nông nghiệp sạch. Điều mà nhóm bạn trẻ luôn chú trọng, đó là mang đến lợi nhuận cho người nông dân và bảo vệ môi trường. Năm 2021, nhóm đã sản xuất, chế biến thành công bộ sản phẩm vi sinh, vi sinh hữu cơ thương hiệu SA-ACH để cải tạo đất tơi xốp hơn, cây quang hợp mạnh, bộ rễ phát triển nhanh, giảm các loại độc tố cho cây trồng, phòng ngừa nấm mốc và các loại bệnh truyền nhiễm...

Hiện tại, đại diện thành viên của nhóm là anh Phạm Hoàng Huy đã lọt vào tốp 10 của Chương trình Giải thưởng Doanh nhân vì cộng đồng lần thứ 4, do Công ty TV Hub phối hợp Công ty Pernord Ricard Việt Nam tổ chức, với ý tưởng phát triển nông nghiệp thuận tự nhiên.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202203/khoi-nghiep-tu-san-pham-dia-phuong-3107754/