Khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao

Chị Nguyễn Thị Mai Khương, sinh năm 1986, ngụ khóm Tây Khánh 6, phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang đã đầu tư thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao và đạt kết quả khả quan về kinh tế. Mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp này còn tạo điểm tham quan du lịch lý thú cho TP Long Xuyên.

Chị Nguyễn Thị Mai Khương tại vườn dưa lưới công nghệ cao ở TP Long Xuyên.

Chị Nguyễn Thị Mai Khương tại vườn dưa lưới công nghệ cao ở TP Long Xuyên.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thực phẩm, trải qua nhiều thử thách, tâm huyết với ngành nông nghiệp, chị Nguyễn Thị Mai Khương đã đầu tư vườn dưa lưới 1.000 m2 tại quê nhà (phường Mỹ Hòa). Vườn dưa được trồng trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao (CNC), sản xuất theo quy trình VietGAP. Nói về dự án khởi nghiệp của mình, chị Mai Khương cho biết, đã trăn trở và suy nghĩ rất nhiều, phải trồng loại cây gì vừa có hiệu quả kinh tế, vừa độc đáo, mới lạ và có thể ứng dụng CNC để có thể làm du lịch nông nghiệp ngay trong thành phố. "Qua thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường, tôi đã quyết định chọn cây dưa lưới. Ðược sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang, tôi bắt tay vào viết dự án "Ứng dụng công nghệ nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất dưa lưới Taki tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang". Chương trình hỗ trợ dự án nông nghiệp ứng dụng CNC được ngành chức năng tỉnh An Giang hỗ trợ từ 30 đến 50% kinh phí. Ðây là khích lệ rất lớn cho những người trẻ khởi nghiệp về lĩnh vực nông nghiệp CNC, sau này", chị Mai Khương tâm sự.

Dự án do chị Mai Khương làm chủ nhiệm và được triển khai từ tháng 1-2018 với vốn đầu tư hơn 540 triệu đồng. Mục tiêu của dự án là sản xuất dưa lưới Taki đạt năng suất 3.200 kg/vụ/1.000 m2, thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP... Sau khi thẩm định hồ sơ, tính khả thi của dự án, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang hỗ trợ 237 triệu đồng, tương đương 30% kinh phí, UBND TP Long Xuyên hỗ trợ 100 triệu đồng, tương đương 20% kinh phí, phần còn lại là đầu tư cá nhân của chị Mai Khương. Với diện tích 1.000 m2 của nhà màng, chị gieo trồng 2.200 gốc, sau 80 ngày, giống dưa Taki của Nhật đã cho thu hoạch, năng suất đạt từ 3,7 - 4 tấn. Theo chị Mai Khương, sản phẩm được đơn vị phối hợp Công ty TNHH MTV nông nghiệp công nghệ cao Trang trại Việt, TP Hồ Chí Minh bao tiêu với giá 30.000 đồng/kg. Ngoài ra chị còn bán lẻ với giá 55.000 đồng/kg.

Vườn dưa lưới của chị Mai Khương đã góp phần cung cấp sản phẩm chất lượng cho thị trường, từ đó mang lại giá trị kinh tế lớn cho chủ đầu tư. Mùa vụ đầu tiên trồng thử nghiệm thành công, chị tiếp tục trồng vụ thứ hai, hơn 2.600 cây dưa lưới Taki. Theo tính toán của chị Khương, mô hình này đạt lợi nhuận ròng hơn 33%/năm và thu hồi vốn trong gần ba năm. Ðể sản phẩm đứng vững trên thị trường, có thương hiệu, bên cạnh sản xuất dưa đạt chất lượng, chị Mai Khương đăng ký thương hiệu dưa lưới Giving’s Farm với Cục Sở hữu trí tuệ. Mục tiêu của chủ đầu tư khi sử dụng tên tiếng Anh là để sau này mở rộng diện tích, đưa sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Chị Mai Khương cho biết, ngoài hiệu quả kinh tế thu được từ bán dưa lưới cho đối tác đã ký kết hợp đồng, vườn dưa còn thu hút khá đông khách tham quan, muốn thưởng thức dưa tại vườn. Nhận thấy nhu cầu của khách khá lớn, chị Mai Khương tiếp tục mở rộng đầu tư thêm vườn dưa lưới 1.000 m2
nữa, tổng số là 2.000 m2 vừa tạo cảnh quan cho khách tham quan vườn dưa vừa phục vụ ăn uống, vui chơi. Ðể thu hút khách và quảng bá thương hiệu, ban đầu chủ vườn không thu tiền vé tham quan mà chỉ tính tiền khi khách mua dưa về nhà, với giá từ 55.000 đồng/kg. "Sau này lượng khách tham quan quá đông cho nên tôi phải làm dịch vụ và bán vé vào vườn với giá 30.000 đồng/người. Khách sẽ được tự do tham quan nhà màng trồng dưa lưới chụp ảnh và ăn thử dưa tại vườn hoặc thưởng thức một ly nước bạc hà chanh, bạc hà sữa, hoặc đá bào mát mẻ", chị Mai Khương giải thích.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang, mô hình sản xuất trong điều kiện nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo quy trình VietGAP, nông dân có thể sản xuất 4 vụ/năm, năng suất trung bình đạt từ 3,5 - 4 tấn/vụ/1.000 m2. Mô hình thí điểm thành công bước đầu từ dự án trồng dưa lưới của chị Mai Khương là điều kiện lý tưởng để dự án tiếp tục được đầu tư, mở rộng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Ðề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020". Mô hình góp phần tạo điều kiện cho nông dân trong tỉnh tiếp cận ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng và hiệu quả kinh tế cao.

Bài và ảnh: BÙI QUỐC DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/39442602-khoi-nghiep-tu-nong-nghiep-cong-nghe-cao.html