Khởi nghiệp từ niềm đam mê với hạt gạo

Mô hình trồng lúa, đặc biệt là lúa thảo dược trên những cánh đồng rươi, sản xuất ra những hạt gạo an toàn, giàu dưỡng chất - là mong muốn của Phạm Thị Kiều Oanh khi bắt đầu dự án khởi nghiệp Gạo Ruộng Rươi.

Chị Phạm Thị Kiều Oanh trên cánh đồng ruộng rươi - nơi cho ra loại gạo giàu chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe.

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là đối với 1 người ngoại đạo như chị Phạm Thị Kiều Oanh. Chị vốn tốt nghiệp cử nhân kinh tế và từng làm kế toán tại nhiều doanh nghiệp. Nhưng “Niềm đam mê với nông nghiệp, đam mê với hạt gạo đã đưa tôi biết tới; và dừng chân ở ruộng rươi. Rươi vốn chỉ sống được trong môi trường tự nhiên không hóa chất; nên ruộng rươi là vùng đất hoàn toàn không sử dụng bất cứ loại phân bón hóa học; hay thuốc bảo vệ thực vật, có thể gây hại cho rươi. Những cây lúa được trồng trên những ruộng rươi như vậy; đạt tiêu chuẩn canh tác tự nhiên và an toàn cho sức khỏe”, chị Oanh chia sẻ.

Dự án Gạo Ruộng Rươi chính thức ra đời vào 2016. Khi bắt tay vào dự án, chị Oanh đã gặp phải nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc lựa chọn và đưa trồng giống lúa để cho sản phẩm gạo lứt ngon không phải là dễ dàng vì không phải loại lúa nào cũng phù hợp với điều kiện nước lợ.

Bên cạnh đó, làm nông nghiệp theo phương pháp canh tác tự nhiên thật không đơn giản chút nào. Trước hết, đó là thời gian sinh trưởng tự nhiên của cây lúa ở đây kéo dài tầm 6 tháng mới cho thu hoạch và mỗi năm cũng chỉ có một vụ. Vụ còn lại là thời gian để cho đất nghỉ cũng là để chuẩn bị cho việc thu hoạch con rươi.

Đến khi ra sản phẩm, hạt gạo trồng theo tự nhiên nên chất lượng hạt to, hạt nhỏ không đồng đều; giá bán cao hơn giá hiện tại trên thị trường cũng là một trở ngại khi giới thiệu đến khách hàng. Nhưng những khó khăn đó không làm nhụt chí người phụ nữ này.

Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, gạo Ruộng Rươi của Phạm Thị Kiều Oanh đã được nhiều người biết đến và có một lượng khách ổn định. Hạt gạo được trồng tại ruộng rươi chứa nhiều dưỡng chất như vitamin A, B1, B6, B12, Omega 3-6-9…, đặc biệt phù hợp và tốt hơn cho bệnh nhân tiểu đường, người ăn chay, trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi.

Các sản phẩm chị làm ra là gạo lứt tím thảo dược; gạo trắng xát dối; cám gạo ruộng rươi; cốm gạo; sữa gạo; dấm gạo; bánh gai và bánh chưng gạo ruộng rươi.

Trong tương lai, chị Phạm Thị Kiều Oanh cũng mong muốn đưa sản phẩm của mình ra thế giới để nhiều bạn bè quốc tế biết đến, mà trước hết là Nhật Bản – vốn được coi là một quốc gia bảo hộ đặc biệt về nông nghiệp và các tiêu chuẩn họ đưa ra đều rất khắt khe.

Ngọc Ly

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/khoi-nghiep-tu-niem-dam-me-voi-hat-gao-d2055101.html