Khởi nghiệp từ món quà quê

Với ý tưởng sản xuất trái cây sấy dẻo, chị Nguyễn Minh Thy - CEO Công ty Bamofood đã góp phần giải quyết đầu ra cho các loại trái cây tươi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, hình thức kinh doanh này còn giúp chị có một khoản thu nhập khá mỗi năm.

Bỏ phố về vườn

Là một phụ nữ thành đạt với cơ sở sản xuất nấm linh chi và cửa hàng cà phê sân vườn tại TP Hồ Chí Minh, nhưng năm 2017, chị Minh Thy quyết định sang nhượng tất cả để về quê khởi nghiệp với trái cây sấy dẻo. Quyết định này của chị khiến bạn bè và người thân khá bất ngờ. Bởi đối với một người phụ nữ ngoài 40 tuổi như chị, chọn con đường khởi nghiệp lại từ đầu là một quyết định mạo hiểm và nhiều gian nan.

Chia sẻ về quyết định này, chị Minh Thy tâm sự: Tôi vốn sinh ra tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang – quê hương của những miệt vườn cây trái. Đặc biệt, quê tôi còn nổi tiếng với đặc sản xoài cát Hòa Lộc, ngon trứ danh.

Tuy nhiên, quanh năm người dân nơi đây phải loay hoay với bài toán tiêu thụ, có những năm được mùa lại phải bán đổ, bán tháo cho thương lái. Trong khi đó nhiều nơi ở xa không có cơ hội thưởng thức đặc sản. Điều này khiến tôi luôn canh cánh trong lòng và muốn tìm ra hướng đi mới cho những đặc sản của quê mình. Tình cờ, tôi nhớ lại những món quà quê mà bà nội thường để dành mỗi khi tôi về thăm quê, hay gói cho tôi mang lên TP. Đó là những gói chuối xiêm, xoài khô do chính tay bà phơi.

 Chị Nguyễn Minh Thy - chủ thương hiệu trái cây sấy dẻo Bamofood.

Chị Nguyễn Minh Thy - chủ thương hiệu trái cây sấy dẻo Bamofood.

“Từ đó tôi đã nảy ra ý tưởng sẽ sấy khô những loại trái cây này, nhưng không phải theo cách thủ công, mà là sản xuất theo dây chuyền hiện đại” – chị Thy nhớ lại.

Từ ý tưởng đó, năm 2017 chị Minh Thy bắt tay xây dựng cơ sở chuyên sản xuất trái cây sấy dẻo mang thương hiệu BamoFood. Chia sẻ về tiềm năng của thị trường trái cây sấy dẻo, chị Thy cho biết: Khác với trái cây tươi dễ bị dập nát khi di chuyển và chỉ có theo mùa, thì hoa quả sấy khô có thể tiêu thụ được quanh năm. Với phương pháp sấy khô hiện đại, tách nước nên sản phẩm vẫn giữ được vị ban đầu, hàm lượng dinh dưỡng, bảo quản được rất lâu và được người tiêu dùng vô cùng ưa chuộng.

“Theo tôi khảo sát trên thị trường, các loại hoa quả sấy khô có nguồn gốc nước ngoài có giá rất cao. Như hồng dẻo Hàn Quốc, Nhật Bản, cherry sấy… được bán với giá lên tới vài triệu đồng/kg. Trong khi đó, hàng sấy khô nội địa Việt Nam chỉ có giá từ vài trăm nghìn đồng/kg, dù sở hữu chất lượng tương đương. Sự chênh lệch cực lớn của các loại hoa quả sấy nội địa và nhập khẩu cho thấy thị trường của sản phẩm này rất khả thi” – chị Thy phân tích.

Một vốn bốn lời với thương hiệu Bamofood

Sau 3 năm gây dựng phát triển, thương hiệu trái cây sấy Bamofood đang sản xuất 8 loại trái cây khô như dứa, chuối xiêm, ổi, cóc, thanh long, xoài cát… Hiện sản phẩm đã có mặt tại hệ thống siêu thị Aeon, các trạm dừng chân, sân bay... và các sàn thương mại điện tử. Với giá dao động từ 300.000 – 400.000 đồng/kg.

Riêng sản phẩm xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo có giá 600.000 đồng/kg. Cơ sở sản xuất có công suất trung bình từ 3 – 4 tấn thành phẩm/tháng, tương đương 30 – 40 tấn quả tươi.

Theo chị Thy, việc kinh doanh hoa quả theo phương pháp sấy khô còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Ví dụ như xoài Cát Hòa Lộc đang được người dân bán ra với giá 22.000 đồng/kg, nhưng khi sấy khô lên với tỷ lệ 10kg xoài tươi, sẽ thu được 1kg xoài sấy dẻo, có thể bán được với giá 600.000 đồng/kg.

Tương tự, quả dứa có thời điểm giá chỉ 3.000 – 4.000 đồng/kg, nhưng khi sấy lên có giá trị trên 300.000 đồng/kg. Như vậy, giá trị sản phẩm đã tăng lên gấp 4 lần. Trừ hết chi phí, lợi nhuận chị thu lại được 30% tổng doanh thu.

Tuy nhiên, để có được thành công này là cả một quá trình vượt khó và chiến lược kinh doanh khôn khéo của CEO BamoFood. Thời điểm Bamofood ra đời, trên thị trường đã có một số DN sản xuất những sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm đều mang tính công nghiệp, sử dụng nhiều đường, phẩm màu và chất bảo quản.

Là một thương hiệu ra đời sau, chị Thy chọn tiêu chí sản xuất hàng chất lượng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Chị quyết định chọn cho mình hướng đi riêng bằng việc sử dụng công nghệ sấy mộc. Tránh tối đa sử dụng các loại hóa chất, để trái cây giữ được trọn vị ban đầu, tươi ngon và an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, muốn sấy trái cây mộc, thì yêu cầu trái cây phải tươi ngon, phải là hàng loại 1. Như vậy, đồng nghĩa với việc giá thành sẽ cao hơn các sản phẩm đại trà. Do đó, đối tượng khách hàng mục tiêu Bamofood hướng tới là phân khúc khách hàng trung và cao cấp. Hiện công ty vừa ký hợp đồng với một số Hợp tác xã sản xuất trái cây để ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị Thy cho biết, khi hệ thống điện ở địa phương được nâng cấp, chị sẽ đầu tư thêm máy móc, nâng cao công suất của xưởng lên trên 10 tấn/tháng, góp phần giải quyết đầu ra cho các loại trái cây trong vùng.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khoi-nghiep-tu-mon-qua-que-376169.html