Khởi nghiệp, truyền cảm hứng thôi chưa đủ

Sáng 16/12 tại ĐH Kinh tế quốc dân, lần đầu tiên Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên 2018 (SV.Start-up) được tổ chức. Đã có hơn 200 ý tưởng tham gia cuộc thi 'Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp', song làm thế nào để khởi nghiệp không còn là phong trào? Làm thế nào để mỗi trường ĐH đều có quỹ đầu tư mạo hiểm cho sinh viên khởi nghiệp?

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng khởi nghiệp của sinh viên các trường ĐH tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia sáng qua 16/12. ảnh: Nghiêm Huê

Trong khuôn khổ ngày hội, buổi tọa đàm nghiên cứu khoa học, ươm tạo khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục ĐH thu hút sự chú ý của các chuyên gia và của sinh viên. Theo ông Nguyễn Anh Thi, giám đốc khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TPHCM cho biết có 5 yếu tố ảnh hưởng đến khởi nghiệp gồm: con người, mạng lưới kết nối, văn hóa, nguồn vốn, luật pháp.

Trong 5 yếu tố này, trường ĐH có thể đóng góp 2 yếu tố là con người và văn hóa. Mục tiêu của ĐH là phát hiện và bồi dưỡng các doanh nhân khởi nghiệp. “Như vậy, mục tiêu của các trường ĐH là hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp chứ không phải “đẩy” tất cả sinh viên đi khởi nghiệp. Vì các trường chỉ là nơi cung cấp kiến thức và đào tạo tinh thần khởi nghiệp” - ông Nguyễn Anh Thi chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Đại diện trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết từ kết quả nghiên cứu đến sản phẩm là một khoảng cách rất xa, phải có một lộ trình đầu tư thời gian, công sức. Thông thường sản phẩm nghiên cứu khoa học có nhiều loại, tạo ra tri thức mới, tạo ra sản phẩm mới, tạo ra công nghệ mới. Đối với việc tạo ra tri thức, các trường ĐH mới hoàn toàn có thể chuyển giao dưới dạng dịch vụ khoa học công nghệ.

Vấn đề này không quá phức tạp, không đòi hỏi nhiều nguồn lực nhưng chỉ là sản phẩm công nghệ đơn chiếc chưa chín muồi. Do đó, cần giai đoạn hoàn thiện công nghệ, hoàn thiện sản phẩm, tức là phải ươm tạo để có thể chuyển giao sản phẩm hoàn thiện.

Thiếu hành lang pháp lý

Tuy nhiên, đại diện của trường ĐH Bách khoa Hà Nội nêu một thực tế, đó là các giảng viên, cán bộ nghiên cứu thường tư duy hàn lâm. Sản phẩm của họ có đặc tính kỹ thuật rất hay, nhưng tính thị trường trong nghiên cứu lại chưa có. Muốn làm được điều này đòi hỏi phải có đầu tư từ nhà nước, doanh nghiệp. Các trường ĐH rất cần mạng lưới nhà đầu tư mạo hiểm. Nhưng doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thường công nghệ không hiện đại tiên tiến và không có đủ nguồn lực để đầu tư.

Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn đa quốc gia đang đầu tư vào Việt Nam có sẵn trung tâm nghiên cứu nhưng họ lại muốn bảo hộ ý tưởng sáng tạo. Các nhà nghiên cứu có sản phẩm được bảo hộ, nhưng lợi ích giữa doanh nghiệp với nhà nghiên cứu đôi khi không song hành. Nhà nghiên cứu sợ mất quyền sở hữu. Do đó rất khó để triển khai nghiên cứu. “Có hiện tượng các thầy cô hiện nay hay ngồi trong tháp ngà nên thích làm những việc mình thích chứ không làm điều xã hội cần”, đại diện trường ĐH Bách khoa Hà Nội nói.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương, có hai cái vướng hiện nay là chính sách pháp luật và gọi vốn đầu tư. Hiệu trưởng trường ĐH không thể mang tiền của mình để hỗ trợ các dự án đầu tư mạo hiểm vì luật không cho phép. Hiện nay các trường đều kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm tới để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của sinh viên. “Nhưng tôi nghĩ để phát triển, bền vững thì các trường cần phải có quỹ đầu tư mạo hiểm của chính mình. Đòi hỏi phải có chính sách pháp luật cho phép về vấn đề này” - ông Bùi Anh Tuấn nói.

Ông Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GD&ĐT cho biết khởi nghiệp trong sinh viên đã không còn là phong trào mà đã đi vào thực chất. Tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp trong các trường khoảng 15%. Đặc biệt, tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tỷ lệ này là 25%. Bộ cũng đang nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ cho sinh viên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng : Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Chính phủ không chỉ dừng ở mục tiêu trang bị kiến thức khởi nghiệp cho mỗi sinh viên mà còn cho cả giảng viên, lãnh đạo trường đại học. Phó Thủ tướng nêu thực tế có thời gian dài, hoạt động nghiên cứu trong các trường ĐH ít hơn nhiều so với thế giới, việc dạy và học theo giáo trình sẵn có. Giảng viên truyền thụ kiến thức một chiều, tự đặt mình cao hơn sinh viên về trí tuệ, hiểu biết. Các trường ĐH thụ động nhận bao cấp. Tất cả những điều này đã bắt đầu thay đổi nhưng cần mạnh mẽ hơn nữa.

Phó thủ tướng khẳng định, hai mục tiêu trên chính là nền tảng “ươm mầm” các ý tưởng sáng tạo cùng những biện pháp hỗ trợ, kết nối cần thiết “nuôi dưỡng” các ý tưởng đó thành nguồn để có nhiều doanh nghiệp start-up thành công. Bên cạnh đó, Nhà nước, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp sẽ là ‘bà đỡ’ cho những ý tưởng khởi nghiệp. Nhắc lại mục tiêu cả nước phải có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trong đó cần có ngày càng nhiều DN start-up, Phó Thủ tướng tin tưởng nếu có bước đi đúng, chiến lược đúng và khơi dậy tinh thần cả dân tộc thì sẽ làm được nhiều điều mà trước đây gặp vô vàn khó khăn, tưởng chừng không thể làm được.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/khoi-nghiep-truyen-cam-hung-thoi-chua-du-1357421.tpo