Khởi nghiệp thương mại điện tử đừng ngại 'đập đi làm lại'

Theo ông Phí Vĩnh Quý, nhà sáng lập Offers.vn, khởi nghiệp với thương mại điện tử, giới trẻ phải vạch ra kế hoạch tương lai một cách rõ ràng, kiên trì và nỗ lực thực hiện, thậm chí là không ngại đập đi làm lại đến khi nào tốt thì thôi bởi không có ai có thể hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên.

Buổi tọa đàm thu hút gần 200 sinh viên đến từ trường Đại học Ngoại thương Hà Nội

Theo thông tin trao đổi tại tọa đàm “Care4career: Làm chủ hay làm thuê - khác biệt từ vấp ngã” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Interspace khẳng định: Affilate Marketing (tiếp thị liên kết) đã chứng minh hiệu quả về tăng trưởng hiệu quả kinh doanh và tiết kiệm chi phí so với các kênh quảng cáo khác.

Theo con số thống kê, cứ 10 đơn hàng đặt online thì 4 đơn hàng được đặt mua qua kênh Affiliate Marketing. Hiện nay các đơn hàng được đặt mua rất đa dạng trong tất cả các lĩnh vực từ ẩm thực, du lịch, thời trang, dịch vụ…

Ông Đỗ Hữu Hưng cũng cho rằng, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng ngành thương mại điện tử nhanh hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Dự kiến từ năm 2016 đến hết 2017 số lượng các publisher (những người chạy quảng cáo và tiếp thị sản phẩm) sẽ tăng trưởng khoảng 300% và con số cần thiết để phục vụ cho thương mại điện tử tối thiểu là 200.000 người.

Tuy nhiên, hiện nay con số publisher của Việt Nam mới có khoảng 80.000 người. Điều đó có nghĩa con đường và cơ hội dành cho những người yêu thích thương mại điện tử và kiếm tiền trên Internet vẫn đang rất rộng mở.

Cơ hội khởi nghiệp với thương mại điện tử đang rất lớn, tuy nhiên ông Trần Trung Hiếu, Founder - CEO của Top CV cho rằng giới trẻ cần có đam mê, khởi nghiệp khi có mong muốn được đổi đời.

Khi đã quyết định theo đuổi đam mê thì phải có niềm tin, vạch ra kế hoạch tương lai một cách rõ ràng để đưa ra lộ trình để mình thực hiện được kế hoạch đó. Chỉ khi bắt tay vào làm mới mang lại thành công, thay vì chỉ đứng nhìn mà không làm.

Còn theo sáng lập viên của Offers.vn Phí Vĩnh Quý, các sinh viên khởi nghiệp với thương mại điện tử thường gặp khó khăn về kỹ thuật làm web, ứng dụng, online marketing.

Tuy nhiên trong thực tế tất cả những người khởi nghiệp đều phải chấp nhận những vấn đề mình không biết, phải lao vào học hỏi, tìm nguồn lực từ bên ngoài. Những việc nhỏ có thể tự làm, còn lại các vấn đề chuyên sâu về công nghệ nên nhờ sự trợ giúp hoặc thuê người có kinh nghiệm.

Từ kinh nghiệm làm tiếp thị liên kết bản thân, ông Phí Vĩnh Quý cho hay khách hàng chỉ mua hàng qua website của doanh nghiệp khi nội dung thực sự gần gũi và hữu ích với họ. Và để làm được điều đó, phải kiên trì và nỗ lực không ngại đập đi làm lại đến khi nào tốt thì thôi bởi không có ai có thể hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên.

Các chuyên gia cũng khẳng định, đối với khởi nghiệp không bao giờ là muộn để bắt đầu mà quan trọng là có ý tưởng tốt, hướng đi rõ ràng. Các ý tưởng cần đáp ứng được nhu cầu thị trường và phù hợp với thực tế thì mới thành công được. Người thành công là người dám nghĩ và dám làm.

Khởi nghiệp để làm "ông chủ" không phải là một điều gì quá xa vời khi nhu cầu mua sắm trực tuyến đang trở thành xu hướng “nóng” hiện nay. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể làm chủ được, những người không thành công họ sẽ lại trở về làm thuê.

Ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Inter Space cũng cho rằng trong thời đại thế giới phẳng, khi Internet kết nối vạn vật (IoT) thì dù ở Việt Nam hay bất kỳ đâu trên thế giới, giới trẻ đều có thể khởi nghiệp và cơ hội dành cho họ là như nhau.

Khởi nghiệp luôn luôn có nhiều khó khăn và cạnh tranh. Nhưng khi xác định đúng hướng đi phù hợp với đam mê, sở trường và sẵn sàng chấp nhận thử thách, quyết đi đến cùng với sự lựa chọn của bản thân, khi ấy thành công chắc chắn sẽ đến.

Tọa đàm nằm trong chuỗi các sự kiện offline của chương trình “Sinh viên khởi nghiệp với Thương mại Điện tử - SV-Ecom 2017” do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam phối hợp với VinaPhone, Accesstrade và Z.com tổ chức.

Nguyên Đức

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/kinh-doanh/thi-truong/khoi-nghiep-thuong-mai-dien-tu-dung-ngai-dap-di-lam-lai-160934.ict