Khởi nghiệp Thừa Thiên Huế - 'Sức trẻ' sáng tạo phát triển du lịch

Để phát triển bền vững, ngành du lịch cần liên kết, chịu sự tác động qua lại với các ngành khác như công- nông- ngư nghiệp, giao thông vận tải, ngoại giao…, thông qua cung cấp các sản phẩm phục vụ ăn uống, lưu trú, hàng lưu niệm, hình thành các điểm, sự kiện du lịch… phục vụ cho chuyến đi của du khách, những ngành này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển du lịch.

Đa ngành nghề - chung mục tiêu

Với niềm đam mê của bản thân và nhạy bén trong khinh doanh, hiên nay các bạn trẻ ở mảnh đất Cố đô đang từng bước khẳng định, áp dụng vào thực tế những ý tưởng sáng tạo của mình, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, nét văn hóa cũng như con người Huế, Việt Nam đến với bạn bè thập phương. Bạn Lê Ngọc Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mỹ nghệ Thông minh Tayta (Tayta) cho biết, với mong muốn xứ Huế sẽ cùng hành trang mọi người đến khắp nơi, đơn vị sản xuất mặt hàng lưu niệm mang những hình ảnh, biểu tượng đặc trưng của Huế như Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, Chùa Thiên Mụ… được thu nhỏ lại trong một tấm thiệp giấy. Thời gian tới Tayta sẽ mở rộng quy mô, tạo điểm đến để khách thăm quan và trải nghiệm, Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Một sản phẩm hoàn thiện của Tayta

Kinh doanh dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống cũng được các bạn trẻ tại đây thực hiện. Bạn Trương Thị Nga, Trưởng phòng khinh doanh, Công ty TNHH MTV TM-TC biểu diễn Đất Việt (Đất Việt) chia sẻ, ấn tượng rồi đam mê từ nhỏ về múa rối nước, đúng dịp khi có ý tưởng phát triển loại hình văn hóa này để thỏa niềm đam mê thì được mời về “đầu quân” cho Đất Việt. Khi xem loại hình nghệ thuật này, không ít người Việt, đặc biệt là du khách nước ngoài thấy đặc sắc và lạ lẫm - đó là một trong những thế mạnh để thu hút lượng khách đến Huế, bạn Nga cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngành du lịch luôn phải thay đổi và tự làm mới mình để đáp ứng thị hiếu của du khách. Bên cạnh những nền tảng, thế mạnh về du lịch của địa phương, những chính sách để phát triển, nâng tầm thương hiệu du lịch Huế được lãnh đạo các cấp, ban ngành triển khai thì không ít các bạn trẻ có những ý tưởng táo bạo về nghành nghề, qua đó không những phát triển mà còn quảng bá hình ảnh, và tạo ấn tượng tốt cho du khách mỗi lần đến Huế.

Vừa qua, sở Du lịch cũng hướng dẫn, tập huấn về nghiệp vụ thuyết trình cho các thành viên của công ty TNHH MTV Du lịch Tôi yêu Huế, đây là một trong những công ty do các bạn trẻ thành lập với mục đích đưa khách du lịch đi tham quan, trải nghiệm Huế bằng xe máy không theo các tuor truyền thống nhằm tạo sự tương tác, gắn kết, thu hẹp khoảng cách giữa khách du lịch với người dân, đó là một cách làm mới trong du lịch đia phương.

Nhưng nhiều “rào cản”

Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, Lê Ngọc Tuấn Anh cho biết, do chi phí đầu vào nguyên liệu cao, đa phần đều phải làm bằng thủ công, mới thành lập nên đội ngũ Tayta vừa học vừa làm, lớp trước dạy lớp sau nên rất khó khăn. Sản phẩm được sự phản hồi tích cực từ phía khách hàng, bắt đầu có nhiều đơn hàng với số lượng lớn, nhưng để mở rộng sản xuất hay phát triển Tayta thành điểm đến du lịch thì chỉ cần giải quyết vấn đề “đầu tiên”, vì “sức trẻ” luôn tràn đầy trong mọi thành viên công ty, Tuấn Anh hóm hỉnh trả lời với ánh mắt đầy lo toan.

Vừa học - vừa làm tại công ty TNHH MTV Mỹ nghệ Thông minh Tayta

Khác Tayta, hiện tại Đất Việt đang phải hoạt động cầm chừng bằng gánh múa rối rong (rối cạn), đi diễn ở những trường học khắp các tỉnh để nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật bởi “3 lần thất bại”. Bạn Trương Thị Nga cho biết trong ấm ức, không phải vì không có khán giả mà mà Đất Việt thất bại, vì cả 3 lần đều bị lấy lại mặt bằng. Xác định là một đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, chúng tôi chỉ mong có mảnh đất gần trung tâm lưu trú của khách du lịch để xây dựng lại nhà hát, thuê cũng được miễn là lâu dài, có thể 30-40 năm để “an cư” rồi “lạc nghiệp”. Mới đây, có một mạnh thường quân đầu tư vào Đất Việt, mong rằng mọi việc đều thuận lợi, bạn Nga cho biết thêm.

Một buổi biểu diễn lưu động của công ty TNHH MTV TM-TC biểu diễn Đất Việt

Nhiệt huyết, sáng tạo là vậy nhưng chỉ với “sức trẻ” thì không thể trụ vững được. Thiết nghĩ, cần những động thái tích cực từ các phía để phát triển những đơn vị như vậy, qua đó tạo nên sự mới mẻ cho du lịch địa phương. Không nên chỉ tổ chức các cuộc thi, phát hiện các ý tưởng, rồi hướng dẫn phát triển… mà phải có một cơ chế, chính sách đặc biệt cho những Starup này.

Hoàng Dương

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/khoi-nghiep-thua-thien-hue-suc-tre-sang-tao-phat-trien-du-lich.html