Khởi nghiệp thất bại: 'Trâu nhanh' cũng uống nước đục

Trở lại vào năm 2010, startup Path phát triển mạnh mẽ. Mạng xã hội trở nên riêng tư hơn, cá nhân hơn này từng được định giá 500 triệu USD. Nhưng rốt cuộc, Path đã phải đóng cửa.

Ứng dụng Path được cựu nhân viên Facebook Dave Morin và cựu bộ đôi Napster Dustin Mierau - Shawn Fanning tạo ra ngày 1/11/2010 với sứ mệnh... đối đầu Facebook. Nó nhanh chóng trở nên nổi bật nhờ ý tưởng khá hay ho: giới hạn bạn bè. Khi ứng dụng mới ra mắt, bạn không thể thêm hơn 50 người vào mạng lưới xã hội của mình (sau này tăng lên 150 rồi 500).

Khi Facebook tăng quy mô và danh sách bạn bè của chúng ta tăng lên theo, Path cố gắng trở thành nơi bạn trò chuyện chỉ với những người bạn thân nhất. Trong thời gian nhất định, ý tưởng này dường như có hiệu quả. Vào thời kỳ đỉnh cao, mạng xã hội Path có 50 triệu người dùng và được định giá 500 triệu USD. Đến giữa năm 2013, Morin tuyên bố mọi người kiểm tra ứng dụng “hơn 1 tỷ lần/tháng”.Nhanh chóng, Google đã cố gắng thâu tóm Path với số tiền 100 triệu USD, nhưng bất thành.

Thiết kế tối giản của Path dễ gây thiện cảm. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mọi người nghiêm túc sử dụng nó. Bởi phần lớn bạn bè của họ sẽ không hoạt động trên Path. Họ quá bận rộn đăng bài trên Facebook và Twitter hay sử dụng những phiên bản “giản lược” hơn như Hipstamatic.

Về cơ bản, Path mong muốn trở thành “nơi bạn cảm thấy thoải mái khi là chính mình”. Path tự nhận mình là “mạng cá nhân”, không phải mạng xã hội, nơi mọi người có thể chia sẻ “những câu chuyện với gia đình và người bạn thân nhất”. Do Path là mạng cá nhân, nên các tính năng tăng tình cảm và sự thấu hiểu giữa những người bạn thân được chú trọng hơn cả.

Nghe rất dễ thương. Nhưng Path đã giới hạn bạn bè trong nhiều năm. Điều đó đã làm chậm sự tăng trưởng của ứng dụng, hạn chế hiệu ứng “mạng lưới”, gián tiếp giúp Facebook trở nên quyền lực như hiện nay.

Path hẳn nhiên không cam chịu. Họ đã giải quyết vấn đề thực sự của mạng xã hội: sự mệt mỏi. Nhưng vấn đề này khi ấy còn chưa bức bối như hiện nay. Sau này, Facebook ngày càng bành trướng và sự gia tăng của những thứ như Farmville khiến dịch vụ trở nên khó chịu. Nhưng hỡi ôi, mọi người đã không còn đủ can đảm để dứt mình ra khỏi đó, khi những người xung quanh ai cũng đang ở trên đó. Cho nên, việc thoát ra dường như mang lại cảm giác đang “ở ẩn”. Nhất là khi Facebook cũng tranh thủ “học lóm” một số tính năng từ đối thủ để cải thiện trải nghiệm người dùng.

Điều đó nói lên rằng: Path đã xuất hiện quá sớm, bởi nhu cầu về một thứ như Path chưa thực sự có hay chưa đủ nhiều để chống đỡ nó. Facebook không đến mức không thể đánh bại. Nhưng ngày nay, nó đã trở thành nơi để mọi người giao tiếp và liên lạc, nơi người ta chúc mừng nhau và cảm giác như không thể sống thiếu nó, như người ta không thể thiếu điện thoại vậy. Sẽ thật tuyệt nếu Path xuất hiện muộn lại một chút và chậm rãi duy trì chờ ngày khởi sự.

Nhưng con đường của Path đã rẽ sang hướng tồi tệ hơn. Morin rời Path năm 2015. Startup về tay công ty công nghệ Hàn Quốc Daum Kakao (Công ty này mua lại Path vì lúc đó nó đang phổ biến ở Indonesia, vùng đất mà Kakao đang nhòm ngó). Sau đó, mọi người lãng quên nó. Ngày 1/10/2018, ứng dụng chính thức bị xóa sổ hoàn toàn khỏi các cửa hàng ứng dụng.

Thực tế có những người tìm cách đưa Path trở lại. Nhưng chưa hẳn mọi người đã mong chờ điều đó, dù họ muốn một chốn thực sự riêng tư cho bản thân. Bản thân Path không phải không gây tranh cãi. Vào tháng 2/2012, công ty đã bị chỉ trích rộng rãi sau những quan ngại về việc truy cập và lưu trữ danh bạ điện thoại của người dùng mà họ không biết hoặc đồng ý. Sau đó, trong bài đăng trên blog của CEO, công ty đã xin lỗi và thay đổi cách làm.

Theo songmoi

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/khoi-nghiep-that-bai-trau-nhanh-cung-uong-nuoc-duc-164628.html