Khởi nghiệp thất bại: Không nghĩ đến 'cái chết' thì khó sống

Như bất kỳ ứng dụng nào thu hút lượng lớn người dùng trẻ, Yik Yak đã thu hút được sự chú ý đáng kể trong thế giới khởi nghiệp.

Các xu hướng công nghệ lớn có thể sinh ra các xu hướng ngược, có nghĩa là đáp ứng nhu cầu chưa được đáp ứng trên thị trường hoặc đơn giản là đưa ra giải pháp thay thế khi đối mặt với những hậu quả không thể lường trước hoặc không lường trước được. Sự xói mòn quyền riêng tư đi kèm với sự lên ngôi của smartphone và ứng dụng mãi gắn liền với danh tính và dữ liệu của chúng ta đã tạo ra thị trường cho các ứng dụng hỗ trợ người dùng ẩn danh.

Ảnh minh họa: Mishal Ibrahim/Unsplash

Ảnh minh họa: Mishal Ibrahim/Unsplash

Trong nhiều ứng dụng nhắn tin ẩn danh ra đời trong thập kỷ qua, Yik Yak đã đạt được hoặc gần đạt được vị thế lớn trong thị trường. Thành lập năm 2014, Yik Yak cung cấp cho người dùng khả năng đăng các tin nhắn nặc danh được chia sẻ với những người ở gần, nên đã thu hút sự chú ý của các học sinh và sinh viên. Đó là những người sử dụng ứng dụng để chia sẻ tin đồn trong khuôn viên trường mà không bị lộ danh tính.

Như bất kỳ ứng dụng nào thu hút lượng lớn người dùng trẻ, Yik Yak đã thu hút được sự chú ý đáng kể trong thế giới khởi nghiệp. Họ đã thu hút 73 triệu USD đầu tư dựa trên định giá 400 triệu USD.

Vậy Yik Yak đã sai ở đâu?

Như hầu hết thất bại trong khởi nghiệp và cuộc sống, không phải chỉ có một nguyên nhân dẫn đến sụp đổ, mà là hàng loạt sai lầm và thiếu may mắn chồng chất lên nhau. Trong trường hợp của Yik Yak, đó là sự thiếu tăng trưởng có vẻ như đã bắt đầu vòng xoáy tử thần. Những lý do cho sự thiếu tăng trưởng đó rất đa dạng.

Một phần nguyên nhân là sự “cả thèm chóng chán”, “có mới nới cũ” của giới trẻ. Những người không có ý định trung thành với ứng dụng khi sự mới lạ biến mất và những cái mới trỗi dậy. Sự dễ dàng chấp nhận cái mới là con dao hai lưỡi. Bởi họ đón nhận sản phẩm của startup nhanh chóng, nhưng cũng trượt đi dễ dàng với tốc độ tương tự. Các ứng dụng không được đặt tên là Facebook, Instagram hoặc Twitter phải đối mặt với cuộc chiến khốc liệt để chuyển từ “kẻ bên lề” thành “người trung tâm” trong thói quen kỹ thuật số hàng ngày của chúng ta. Yik Yak không phải ứng dụng duy nhất thấy lực kéo của mình nhanh chóng tan biến.

Sau đó, những vấn đề nghiêm trọng hơn như bắt nạt trực tuyến, quấy rối và sử dụng ngôn từ kích động thù địch đã khiến Yik Yak “rơi vào bể khổ”. Dù không chỉ Yik Yak mới gặp vấn đề đó, mà là cảnh chung trong lĩnh vực kỹ thuật số, chúng dường như trở nên trầm trọng hơn bởi tính ẩn danh cung cấp cho người dùng.

Giống như nhiều “người anh em” công nghệ khác, Yik Yak trở thành trung tâm của các cơn bão dường như vô tận xung quanh vấn đề này, vì nó ở thế bị động, thay vì chủ động. Ngay cả công ty cố thủ nhất cũng khó có thể thoát khỏi các vấn đề hình ảnh do liên kết với các hành vi trực tuyến xấu nhất cùng với sự mất hứng thú tập thể giữa những người dùng sau sự phấn khích ban đầu. Kết quả rất dễ đoán trước: Yik Yak mất đi những gì họ đã có.

Trước sự suy thoái, công ty đã sa thải 60% nhân viên và thay đổi ứng dụng để cố gắng lấy lại sự chú ý và niềm tin của người dùng, thêm các tính năng mới như trò chuyện nhóm có tên Hive và giới thiệu tính năng cho phép người dùng giả danh thay vì ẩn danh hoàn toàn.

Nhưng mọi thay đổi đều vô ích. Công ty tuyên bố vào đầu năm 2017 rằng sẽ ngừng hoạt động. Dù đã cố gắng cứu vãn để vớt vát được phần nào giá trị, song cũng chỉ được đến mức Square thuê các kỹ sư Yik Yak và mua lại một số tài sản trí tuệ của công ty với giá 1 triệu USD. Với một công ty từng được định giá hàng trăm triệu USD, đó là cú rớt lớn từ đỉnh cao.

Có thể học được gì từ Yik Yak? Bài học lớn nhất có vẻ là cần nghĩ đến những hậu quả không thể lường trước hoặc không nhìn thấy được, hay suy nghĩ về kế hoạch dài hạn nói chung. Chúng ta thường phớt lờ các rủi ro có thể xảy ra trong những dự án mà chúng ta đam mê. Điều đó khiến cho chúng ta chậm phát hiện và luống cuống khi có vấn đề phát sinh. Trong trường hợp của Yik Yak, rõ ràng là công ty đã nhận thức quá muộn màng.

Dù chúng ta đã tăng nhận biết về sự nguy hiểm của hành vi trực tuyến trong mấy năm gần đây, thì năm 2014 vẫn là khoảng thời gian con người xa lạ với những điều như vậy. Những người làm doanh nhân, hoặc từng làm cũng sẽ biết rằng không nên đầu tư vào nhóm người dùng luôn thay đổi. Thật không may cho Yik Yak, họ lại chính là ví dụ cho bài học ấy.

Theo songmoi

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/khoi-nghiep-that-bai-khong-nghi-den-cai-chet-thi-kho-song-166232.html